60 năm Viện Khoa học và Công nghệ GTVT: Kiến tạo giá trị KH&CN

Ứng dụng 27/08/2016 04:30

Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) GTVT là đơn vị nghiên cứu KH&CN hàng đầu của ngành GTVT, tiền thân là Viện Thí nghiệm Vật liệu được thành lập vào ngày 4/10/1956 theo Nghị định số 96-NĐ của Bộ Giao thông và Bưu điện. Sau 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, đến nay Viện đã có 19 đơn vị trực thuộc, đóng chân tại 3 miền, hoạt động trong phạm vi cả nước. Trong suốt cuộc hành trình hoạt động nghiên cứu KH&CN, Viện đã có nhiều đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển GTVT cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và đã được ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý của Bác Hồ và Nhà nước trao tặng như: Lẵng hoa của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Ba (1996); Huân chương Độc lập hạng Nhì (2001); Huân chương Độc lập hạng Nhì lần thứ 2 (2011).

Xử lý chống thấm Hầm Đèo Cả
Xử lý chống thấm Hầm Đèo Cả

Với tâm niệm mang KH&CN phục vụ sự nghiệp GTVT, ngay từ những ngày đầu thành lập, đội ngũ cán bộ khoa học của Viện Thí nghiệm Vật liệu, rồi Viện Kỹ thuật Giao thông, Viện Khoa học Kỹ thuật GTVT và ngày nay là Viện KH&CN GTVT đã cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho hoạt động KH&CN để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đóng góp cho sự phát triển của nước nhà.

Ngày nay, sau 60 năm phát triển, Viện KH&CN GTVT là một trong những tổ chức nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ (R&D) có uy tín trong cả nước. Tại đây đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài cấp Nhà nước, hàng nghìn đề tài cấp Bộ và rất nhiều nhiệm vụ KH&CN đột xuất khác theo yêu cầu của các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả kỹ thuật - kinh tế rõ rệt.

60 năm chặng đường vẻ vang sự nghiệp KH&CN

Tháng 3/1957, Bộ Giao thông và Bưu điện tổ chức lễ khánh thành Viện Thí nghiệm Vật liệu, chính thức đánh dấu mốc cho sự hình thành của một đơn vị nghiên cứu khoa học và sẵn sàng chinh phục những nhiệm vụ mới.

Ngay từ khi mới được thành lập, cùng với việc tăng cường cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, Viện đã đầu tư trang, thiết bị thí nghiệm, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, thí nghiệm viên đáp ứng kịp thời các hoạt động chính là thí nghiệm các loại vật liệu phục vụ công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Vượt qua mọi điều kiện khó khăn gian khổ trong thời chiến, Viện đã nỗ lực thực hiện các kỹ thuật thí nghiệm ngày một chính xác, sáng tạo thêm nhiều phương pháp, kỹ năng và hạng mục thí nghiệm mới; củng cố và hệ thống hóa quy trình thí nghiệm các loại vật liệu xây dựng; quy trình bảo quản và sử dụng thiết bị; đào tạo thêm nhiều thí nghiệm viên cho Viện, cho các đơn vị bạn và các công trường khắp các tỉnh miền Bắc; góp phần quan trọng trong việc hình thành từng bước mạng lưới thí nghiệm vật liệu xây dựng chung cho toàn Ngành GTVT.

Thời kỳ khôi phục phát triển GTVT sau khi thống nhất nước nhà, Viện đã có sự chuyển hướng dần từ nghiên cơ bản sang nghiên cứu ứng dụng, tập trung vào giải quyết các vấn đề kỹ thuật cụ thể từ thực tiễn đặt ra, đồng thời đẩy mạnh triển khai các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.

Giai đoạn đất nước đổi mới đánh dấu vai trò của KH&CN bắt đầu đi vào thực tiễn và ngày một tiến triển mạnh mẽ hơn. Do nhu cầu về khoa học kỹ thuật của Ngành ngày một cao, ngày 29/02/1984, Bộ GTVT đã có Quyết định số 402/QĐ/TCCB chuyển và tổ chức sắp xếp lại Viện Kỹ thuật Giao thông thành Viện Khoa học Kỹ thuật GTVT trực thuộc Bộ. Viện Khoa học Kỹ thuật GTVT là một viện nghiên cứu ứng dụng về khoa học kỹ thuật trên cả 3 lĩnh vực: Xây dựng GTVT, vận tải, cơ khí GTVT.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 782/TTg ngày 24/10/1996 về việc sắp xếp các cơ quan nghiên cứu, triển khai KHCN trên toàn quốc, Bộ GTVT ra Quyết định số 2967/QĐ/TCCB-LĐ ngày 6/11/1996 đổi tên Viện thành Viện KH&CN GTVT, mở đầu cho một thời kỳ phát triển mới của Viện.

Thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế (1996 - 2006), Viện đã thúc đẩy lên một bước về các hoạt động cả về nghiên cứu KH&CN, cả về hoạt động dịch vụ KH&CN với đầy đủ các hoạt động chính về tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn thẩm tra, thí nghiệm kiểm định, thí nghiệm trong phòng, thí nghiệm hiện trường, đào tạo tư vấn giám sát, đào tạo thí nghiệm viên, đào tạo nghiên cứu sinh...; đồng thời chính thức đưa công tác nghiên cứu, tư vấn đánh giá tác động và bảo vệ môi trường GTVT vào hoạt động phục vụ ngành GTVT. Từ năm 2004, Viện đã được Tổ chức RWTUV Systems GmbH (Đức) cấp Giấy chứng nhận quản lý chất lượng ISO 9001: 2000 và tiếp tục cập nhật theo phiên bản ISO 9001:2008.

Từ năm 2005 đến năm 2014, Viện KH&CN GTVT bước vào giai đoạn chuyển đổi cơ chế hoạt động sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ để phù hợp với tốc độ phát triển chung của nền kinh tế thị trường và với giai đoạn phát triển tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Giai đoạn 5 năm phát triển (2005 - 2010), “mũi nhọn” của Viện chính là các hoạt động dịch vụ KH&CN, đó là: Hoạt động dịch vụ tư vấn giám sát thi công các công trình cầu, đường, cảng, sân bay và giám sát môi trường; hoạt động dịch vụ về công tác thí nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu cơ - lý của vật liệu xây dựng và kiểm định chất lượng thi công và thử nghiệm các công trình cầu đường trên phạm vi toàn quốc; sản xuất chế tạo, cải tiến các thiết bị máy xây dựng, các thiết bị thí nghiệm, các thiết bị điều khiển tự động hóa phục vụ xây dựng hạ tầng GTVT; hoạt động dịch vụ của Viện về tư vấn khảo sát thiết kế đặc biệt, kiên cố hóa và xử lý đất sụt trên các tuyến đường giao thông; loại hình hoạt động dịch vụ đánh giá tác động môi trường GTVT; loại hình dịch vụ nghiên cứu chế tạo sơn các vật liệu cao su, polymer, vật liệu mới và các sản phẩm chống ăn mòn kim loại để bảo vệ các phương tiện giao thông và công trình GTVT...

Giai đoạn 2011 - 2015 là thời kỳ Viện KH&CN GTVT luôn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao và có những đóng góp nhất định trong lĩnh vực hoạt động KHCN phục vụ sản xuất của Ngành với phương châm hành động: “Nghiên cứu ứng dụng KH&CN, nâng cao chất lượng các hoạt động của ngành GTVT hướng tới sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”. Toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn Viện đã đoàn kết, thống nhất cao, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đề ra. Tính đến thời điểm hiện nay, các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN vào sản xuất của Viện đã thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần giải quyết những khó khăn về mặt kỹ thuật của Ngành, đồng thời nâng cao uy tín và vị thế của Viện đối với các doanh nghiệp, tạo được niềm tin đối với Bộ GTVT. 

Pho Thu tuong Nguyen Thien Nhan - Bieu duong ket q
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân biểu dương kết quả nghiên cứu của Viện KH&CN GTVT

Thành tựu 5 năm đổi mới

Từ năm 2011 đến nay, Viện KH&CN GTVT đã triển khai và nghiên cứu thành công 02 đề tài cấp Quốc gia, 93 đề tài cấp Bộ, biên soạn và được ban hành 110 Tiêu chuẩn quốc gia. Những thành tựu KH&CN được thể hiện qua nhiều lĩnh vực hoạt động của Viện.

Về lĩnh vực đường bộ, đường sân bay, Viện đã nghiên cứu, đề xuất và tham mưu cho Bộ GTVT các định hướng, hướng dẫn và các quy định nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách của Ngành như: Hư hỏng lún vệt bánh xe trên mặt đường BTN, lún tại các vị trí tiếp giáp giữa đường và cầu; vấn đề quản lý chất lượng nhựa đường; bổ sung các quy định hướng dẫn thiết kế phân kỳ đầu tư và tổ chức giao thông đường cao tốc.

Về triển khai áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong xây dựng đường bộ theo nhiệm vụ Bộ giao, Viện đã nghiên cứu và hoàn thiện thử nghiệm đánh giá 14 vật liệu mới, công nghệ mới từ nước ngoài vào Việt Nam, trong đó nhiều vật liệu mới và công nghệ mới hiện đã được áp dụng rộng rãi trong xây dựng đường bộ, sân bay, điển hình như: 03 công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại chỗ làm lớp móng mặt đường; công nghệ bê tông nhựa rỗng (Porous Asphalt) có sử dụng phụ gia TPS (TafPack-Super) vừa chịu lực và tạo nhám trong xây dựng đường ô tô và đường cao tốc ở Việt Nam; vật liệu Rhinophalt dùng cho mặt đường bê tông nhựa; vật liệu mới Rekiphalt dùng cho lớp phủ mặt cầu BTXM; vật liệu Rubber Asphalt - RA (nhựa đường cao su hóa) trong xây dựng mặt đường BTN; công nghệ lớp phủ mỏng Microsurfacing có độ nhám cao...

Về bảo trì đường bộ, Viện đã nghiên cứu và đề xuất áp dụng công nghệ bảo trì hiện đại nhằm nâng cao chất lượng khai thác đường ô tô, một số vật liệu và công nghệ đã được nghiên cứu đối với mặt đường mềm như Fog seals, Slurry Seals, Chip Seal, Otta seal, vữa nhựa polymer (Micro surfacing), lớp bê tông nhựa mỏng có độ nhám cao, đồng thời đã đề xuất các công nghệ phù hợp trong công tác sửa chữa, bảo trì mặt đường bê tông xi măng tại Việt Nam.

Về công tác phòng chống sụt trượt trên đường giao thông tại Việt Nam, với mục tiêu phát triển công nghệ hiện đại nhằm giảm thiểu những thảm họa do trượt đất gây ra trên các trục giao thông chính tại Việt Nam, Viện đã hợp tác với Hội trượt đất quốc tế (ICL) triển khai dự án ODA hỗ trợ kỹ thuật về “Phát triển công nghệ đánh giá rủi ro do trượt đất dọc các tuyến đường giao thông chính tại Việt Nam” sử dụng viện trợ không hoàn lại của JICA tài khóa 2011-2016. Dự án  sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016.

Về lĩnh vực cầu hầm, Viện đã nghiên cứu, xây dựng được chỉ dẫn “Dự thảo chỉ dẫn công nghệ thay thế cáp văng cầu dây văng” và “Dự thảo chỉ dẫn công nghệ thay thế cáp treo cầu dây võng” nhằm giúp cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế cáp cho những cầu dây văng hiện có ở nước ta. Viện đã đề xuất và nghiên cứu thành công loại dầm có dạng chữ T ngược, loại dầm có nhiều ưu điểm, giá thành hạ, ổn định khi thi công và khai thác mà vẫn đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật thông thường. Về cắm biển hạn chế tải trọng cầu, Viện đã đề xuất hoàn thiện tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra, đánh giá và cắm biển hạn chế tải trọng cầu cho phù hợp với Việt Nam.

Về áp dụng thiết bị hiện đại trong việc kiểm tra, đánh giá kết cấu dưới và chống xói lở công trình cầu, Viện đã nghiên cứu áp dụng những công nghệ và thiết bị hiện đại trên thế giới áp dụng vào Việt Nam và xây dựng được “Dự thảo chỉ dẫn công tác kiểm tra, đánh giá, sửa chữa kết cấu thân mố trụ; khôi phục và tăng cường kết cấu móng của mố trụ và chống xói lở kết cấu dưới trong công trình cầu ở Việt Nam“.

Về bảo trì, sửa chữa và nâng cấp hệ thống cầu cũ, Viện đã nghiên cứu ứng dụng vật liệu tấm composite ứng suất trước trong sửa chữa, nâng cấp kết cấu dầm cầu bê tông cốt thép đang khai thác. Viện đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực cầu hầm, điển hình như: Thiết kế kết cấu vỏ hầm lắp ghép bằng phương pháp “Mô hình dầm hai vòng - đàn hồi”; xây dựng Quy trình quản lý, khai thác hầm đường bộ (Hải Vân); ứng dụng cọc Micropile tăng cường, nâng cấp sức chịu tải kết cấu phần dưới của các công trình giao thông ở Việt Nam; ứng dụng công nghệ bảo vệ cọc thép trong điều kiện khí hậu và môi trường Việt Nam; thử nghiệm 02 công nghệ vật liệu mới áp dụng cho các công trình cầu, hầm tại Việt Nam; hợp tác nghiên cứu thử tải cọc ống thép với Tập đoàn Nippon Steel và Sumitomo Metal....

Về lĩnh vực cảng - đường thủy, Viện đã nghiên cứu thành công nhiều công nghệ mới trong xây dựng và sửa chữa các công trình cảng - đường thủy, như: Công nghệ xây dựng cảng, đê chắn sóng bằng kết cấu thùng chìm bê tông cốt thép khối lớn; Các công nghệ mới, vật liệu mới trong sửa chữa những h­ư hỏng, xuống cấp, các giải pháp chống ăn mòn của môi trường biển đổi với của các kết cấu bê tông cốt thép trong công trình cảng, phục hồi khả năng chịu lực và kéo dài tuổi thọ của công trình. Viện đã biên soạn và được ban hành 4 Tiêu chuẩn về lĩnh vực Cảng (02 TCVN và 02 TCCS); đang phối hợp với Viện Quản lý Đất đai và Cơ sở hạ tầng Quốc gia Nhật Bản (NILIM) hoàn thiện dự thảo hệ thống Tiêu chuẩn kỹ thuật cảng biển và hạ tầng bến cảng Việt Nam.

Về lĩnh vực vật liệu xây dựng và bảo vệ công trình, Viện đã tập trung nghiên cứu công nghệ và vật liệu chống ăn mòn kim loại cho các công trình giao thông vận tải trong một số môi trường đặc biệt ở Việt Nam như các lĩnh vực: Sơn phủ bảo vệ tuổi thọ cao (trên 15 năm), công nghệ vật liệu mới trên nền polymer (vật liệu composite, phụ gia cho bê tông, vật liệu Polymer Pex, cao su…); vật liệu chống thấm dạng lỏng thẩm thấu, vật liệu chống ăn mòn và các biện pháp chống ăn mòn cho kết cấu thép, cốt thép bê tông vùng biển.

Về lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, Viện đã nghiên cứu chế tạo thành công nhiều hệ thống thiết bị phục vụ ngành GTVT, một số kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt: Hệ thống thiết bị kiểm tra đánh giá chất lượng gối cầu chịu lực thẳng đứng đến 5.000 tấn; hệ thống thủy lực dẫn động xe đúc trong công nghệ thi công cầu đúc hẫng; hệ thống định lượng tự động thành phần bê tông xi măng, bê tông asphalt; hệ thống điều khiển tự động trạm trộn; hệ thống đồng bộ nâng dầm thay gối cầu; bơm thủy lực siêu cao áp; thiết bị bơm trộn vữa xi măng phục vụ công nghệ chống sụt trượt; dây chuyền thiết bị thi công cọc xi măng đất trộn khô, trộn ướt phục vụ gia cố nền đất yếu...

Các lĩnh vực khác như: Đường sắt, ATGT, Bảo vệ môi trường cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn cao. 

Cùng với những nhiệm vụ Bộ GTVT giao, Viện cũng đã chủ động trong việc đề xuất và tham mưu cho Bộ trong việc biên soạn và ban hành kịp thời các tiêu chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật phục vụ quản lý chất lượng xây dựng khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; tham gia tích cực, đóng góp ý kiến trong công tác xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, văn bản pháp quy của Bộ và tham mưu cho Bộ để giải quyết những vấn đề khó khăn và phức tạp về KH&CN đối với các dự án của Ngành.

Viện KH&CN GTVT với truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển đang có những nỗ lực lớn để tạo ra được bước đi dài, chắc chắn, khẳng định sự ổn định và phát triển bền vững theo định hướng phát triển mới. Những bài học kinh nghiệm đắt giá về quản lý khoa học, quản lý hoạt động dịch vụ và quản lý điều hành đã và đang được tổng kết, chọn lọc làm hành trang để Viện tiếp tục chinh phục những chân trời KHCN mới.

Ý kiến của bạn

Bình luận