Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: “đổi mới tư duy giúp ngành GTVT đột phá”

Chính trị 01/02/2022 00:15

Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, ngành GTVT cũng không nằm ngoài vòng xoáy. Lĩnh vực vận tải chịu ảnh hưởng nặng nề, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm thi công trong tâm dịch… Tuy vậy, ngành GTVT đã nỗ lực vượt bậc, từng bước đẩy lùi khó khăn để đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Nguyen van The

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022, Tạp chí GTVT đã trò chuyện với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về những kết quả đạt được trong năm 2021 và định hướng phát triển ngành trong năm 2022.

Đột phá giải ngân, hoàn thành quy hoạch chuyên ngành sớm nhất Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, cũng là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của ngành GTVT trong năm qua?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Bước vào năm 2021, ngành GTVT gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác đảm bảo giao thông trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Ngay từ đầu năm, khi dịch bùng phát tại các tỉnh phía Nam, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để đảm bảo giao thông thông suốt. Giai đoạn cao điểm, chúng tôi phải họp trực tuyến với các địa phương hàng ngày, khi tình hình dịch từng bước được kiểm soát thì họp giao ban hàng tuần. Bên cạnh đó, các đồng chí Thứ trưởng, các tổ công tác của Bộ thường xuyên phải có mặt các điểm “nóng”, tại hiện trường để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo giao thông thông suốt.Điều rất mừng là trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch, nhưng khối lượng vận chuyển hàng hóa xuất khẩu qua các cảng trong cả nước vẫn tăng 4%. Đây chính là thành tựu lớn nhất của ngành GTVT trong năm 2021. Đồng thời, trong năm qua, Bộ GTVT đã hoàn thành 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT, sớm nhất trong 37 quy hoạch chuyên ngành của cả nước. Đây cũng là cơ sở quan trọng để 63 tỉnh, thành trong cả nước hoàn thiện quy hoạch của địa phương. Tôi đánh giá việc hoàn thành 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT là thành tựu lớn thứ hai của Bộ GTVT.

Kể từ thời điểm thực hiện Luật Đầu tư công mới (Luật số 39/2014/QH14), số vốn kế hoạch năm 2021 của Bộ GTVT được giao lên tới hơn 43.000 tỷ đồng. Trong điều kiện hết sức khó khăn, nhiều công trình, dự án nằm trong vùng dịch nhưng với sự quyết tâm cao độ, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, năm 2021, Bộ GTVT đã giải ngân được hơn 40.000 tỷ đồng, đạt khoảng 96% kế hoạch, cao hơn rất nhiều so với khối lượng giải ngân của năm 2020 (31.000 tỷ đồng). Đây là thành tựu lớn thứ ba của ngành GTVT.Cũng trong năm qua, Bộ GTVT đã hoàn thành, đưa vào khai thác hàng loạt công trình giao thông trọng điểm đảm bảo tiến độ, chất lượng. Điển hình là Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông sau nhiều năm phấn đấu đã được đưa vào vận hành khai thác thương mại từ tháng 11/2021. Trước đó, đầu tháng 01/2021, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long dù quy mô, tổng mức đầu tư không lớn nhưng là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội cũng đã được hoàn thành, đưa vào khai thác.

Tiếp đến, có thể kể đến hai dự án sửa chữa, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các hạng mục vào cuối năm 2021 đúng theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đến nay cũng cơ bản đảm bảo tiến độ triển khai theo các nghị quyết của Quốc hội.

Ngoài ra, nhiều dự án trọng điểm quốc gia phải chuẩn bị đầu tư cho nhiệm kỳ 2021 - 2025 cũng được Bộ GTVT triển khai rất quyết liệt trong năm 2021. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, toàn bộ các dự án trọng điểm quốc gia của ngành GTVT đã được Quốc hội thông qua. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục tập trung để triển khai các phần việc tiếp theo của các dự án này.

Thành tựu thứ năm của ngành GTVT trong năm 2021 là công tác đảm bảo trật tự ATGT. Trong suốt 10 năm qua, TNGT liên tục giảm từ 5 - 10% qua mỗi năm ở cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương. Riêng năm 2021, cả 3 tiêu chí này giảm sâu từ 10 - 20%.

Ngoài ra, năm 2021, ngành GTVT còn đạt được một số kết quả nổi bật khác. Trong đó, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các tập đoàn công nghệ tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, kỳ vọng tạo ra sự đột phá mới cho ngành GTVT trong thời gian tới. Bên cạnh đó, năm 2021, Bộ GTVT đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tập trung giải quyết các thủ tục chồng chéo; công tác tinh giản biên chế đã đem lại nhiều kết quả khả quan...

Bộ trưởng vừa đề cập đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của Bộ GTVT lên tới khoảng 40.000 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch cả năm. Vậy đâu là giải pháp để Bộ GTVT có được kết quả này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Để có được kết quả đột phá về giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021, chúng tôi đã thực hiện rất nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Đầu tiên là trong nội bộ, chúng tôi thành lập Tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, hàng tháng lãnh đạo Bộ GTVT đều tổ chức họp giao ban để kiểm điểm về công tác đầu tư xây dựng cơ bản và giải ngân vốn đầu tư công. Riêng các Thứ trưởng sẽ họp giao ban 2 tuần/lần, còn các ban QLDA và các cục, vụ liên quan họp giao ban hàng tuần kiểm điểm tiến độ và chấn chỉnh nội bộ.

Điều quan trọng nữa là chúng tôi tiến hành ngay việc điều chuyển nguồn vốn đối với những dự án chậm tiến độ. Hàng tháng, tại các cuộc họp kiểm điểm của lãnh đạo Bộ, khi nhận thấy dự án nào bị chậm chúng tôi sẽ chỉ đạo điều chuyển ngay vốn của dự án đó sang dự án khác có tốc độ giải ngân tốt hơn.

Đối với nhà thầu, chúng tôi cũng rất quyết liệt. Nhà thầu nào thi công chậm, Bộ GTVT sẽ đưa ra các văn bản cảnh cáo, nếu đến lần thứ ba nhà thầu vẫn không có chuyển biến sẽ bị xử lý nghiêm khắc bằng việc cắt chuyển khối lượng giao cho nhà thầu khác thi công nhanh hơn, tốt hơn.

Mặt khác, trong năm 2021, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với địa phương để thực hiện nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu tổ chức thi công. Cũng phải nói thêm, năm qua, công tác thi công các dự án trọng điểm, trong đó có cao tốc Bắc - Nam đối diện với nhiều khó khăn do thiếu nguồn vật liệu đất đắp. Trước tình thế đó, chúng tôi đã chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu phục vụ thi công. Đồng thời, Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh công tác cấp phép mỏ đất, tháo gỡ nguồn cung ứng vật liệu cho các dự án trọng điểm.

Ngoài ra, một yếu tố khác tác động lớn đến công tác triển khai các dự án trọng điểm là nhiều công trường nằm trong vùng dịch. Trước tình thế đó, Bộ GTVT đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương nơi có dự án đi qua để quản lý công trường, tránh tối đa ảnh hưởng của dịch Covid-19 như ban hành hướng dẫn về việc tổ chức thi công các dự án, công trình thích ứng an toàn với dịch Covid-19 để triển khai trong toàn Ngành. Đặc biệt, khi có nguồn cung vắc-xin, chúng tôi lập tức đề nghị các bộ, ngành và địa phương ưu tiên tiêm cho cán bộ, công nhân đang thi công trên những công trình giao thông trọng điểm.

Nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp tổng thể và sự phối hợp chặt chẽ như vậy nên năm 2021, Bộ GTVT đã giải ngân đạt khoảng 96% số vốn kế hoạch được giao.

Quyết tâm nối thông cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025

Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 gồm 12 dự án thành phần, dài khoảng 729 km. Mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đến năm 2025 phải nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam. Bộ GTVT sẽ triển khai các công việc thế nào để đẩy nhanh công tác đầu tư dự án trọng điểm này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Trước hết, chúng ta phải nói thêm về dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020. Dự án này gồm 11 dự thành phần, lúc đầu, Quốc hội thống nhất chủ trương đầu tư 3 dự án theo hình thức đầu tư công, còn 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn nhà đầu tư, sau đó, Quốc hội đã ban hành thêm 2 Nghị quyết chuyển đổi hình thức đầu tư 5 dự án PPP sang hình thức đầu tư công.

Đến nay, trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 có 8 dự án đầu tư công và 3 dự án thực hiện bằng hình thức PPP. Theo giám sát và đánh giá của chúng tôi, 8 dự án triển khai theo hình thức đầu tư công hiện cơ bản đảm bảo tiến độ theo các nghị quyết của Quốc hội. Riêng 3 dự án triển khai theo hình thức PPP, gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thu xếp vốn.

Rút kinh nghiệm từ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 trong công tác thu xếp vốn tại các dự án PPP, đặc biệt là yêu cầu trong Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đến năm 2025 chúng ta phải làm xong toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 bằng hình thức đầu tư công. Sau khi các dự án này hoàn thành sẽ xây dựng phương án tổ chức thu phí để thu hồi vốn cho Nhà nước.

Tôi cho rằng, đây là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng được Quốc hội đồng ý thì nút thắt về vốn đầu tư sẽ được tháo gỡ, đẩy nhanh được tiến độ triển khai các dự án. Từ kinh nghiệm triển khai của các dự án trong giai đoạn 2017 - 2020, Bộ GTVT xác định đây là dự án có tính cấp bách cần hoàn thành vào cuối năm 2025, góp phần khôi phục, phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19. Bộ GTVT cũng sẽ tham mưu Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách về chỉ định thầu tư vấn lập dự án, tư vấn thiết kế để rút ngắn khoảng 6 tháng công tác chuẩn bị đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Một trong những việc được chúng tôi đặc biệt quan tâm khi lập dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 là các mỏ vật liệu phục vụ thi công (mỏ đất, mỏ cát, mỏ đá). Bởi, trong thời gian qua, nguồn vật liệu thi công các công trình trọng điểm gặp rất nhiều khó khăn do dự án lớn cần đến hơn 100 triệu m3 đất.

Hơn nữa, chúng tôi cũng nhận thấy có một điều kiện rất thuận lợi là Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đang dành sự quan tâm đặc biệt đến những dự án giao thông trọng điểm và cũng thường xuyên họp chỉ đạo ngành GTVT.

Với sự nỗ lực của Bộ GTVT, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi sẽ cố gắng điều hành dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội hoàn thành vào năm 2025.

Sớm khôi phục hoạt động vận tải

Năm 2021, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực vận tải. Hiện nay, lĩnh vực này cũng đang gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng có chia sẻ gì với người dân và các doanh nghiệp?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đúng là lĩnh vực vận tải chịu tác động rất lớn của dịch Covid-19 trong năm 2021, nhất là vận tải đường bộ, hàng không và đường sắt. Vừa qua, chúng tôi đã từng bước khôi phục lĩnh vực vận tải đường bộ để phục hồi phát triển kinh tế. Cũng phải nói thêm, trong lúc cao điểm của dịch Covid-19, vận tải đường bộ chỉ hạn chế vận tải hành khách, còn vận tải hàng hóa ít bị ảnh hưởng, thậm chí vẫn giữ được đà phát triển do ngành GTVT phối hợp với bộ, ngành liên quan “thích ứng linh hoạt” sáng tạo xây dựng “luồng xanh” để hàng hóa lưu thông thông suốt. Điều đó thể hiện ở khối lượng hàng hóa xuất khẩu tăng khoảng 4%.

Sau khi từng bước kiềm chế được dịch bệnh, nguồn vắc-xin dồi dào, nhất là từ thời điểm Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, chúng tôi đã ban hành các kế hoạch để khôi phục lại vận tải hành khách nội địa. Cho đến nay, vận tải hành khách nội địa bằng đường bộ đã có bước phát triển đột phá, đảm bảo 60 - 70% so với thời điểm cuối năm 2019. Với chiến lược vắc-xin của Chính phủ, chúng tôi tin rằng, chắc chắn vận tải đường bộ trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ ít bị ảnh hưởng và sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ.

Đối với vận tải đường sắt, trong năm 2021 gặp nhiều khó khăn bởi đặc thù của đường sắt chủ yếu là vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, khi vận tải hành khách bị ảnh hưởng, ngành Đường sắt đã đưa ra các giải pháp nhằm khuyến khích vận tải hàng hóa. Kết quả, vận tải hàng hóa bằng đường sắt trên trục Bắc - Nam trong thời gian qua đã có bước phát triển đột phá, tăng trên 10%. Đặc biệt, đường sắt Việt Nam đã mở ra một số tuyến để đưa hàng hóa từ trong nước qua châu Âu, Trung Quốc.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sắp tới, chúng tôi sẽ ban hành một số thông tư, đưa ra những cơ chế, chính sách mới tạo mọi điều kiện cho ngành Đường sắt có thể điều chỉnh chiến lược từ vận chuyển hành khách sang tập trung vận chuyển hàng hóa. Tôi cho rằng, trong năm 2022, ngành Đường sắt sẽ ít khó khăn hơn so với năm 2021.

Riêng lĩnh vực hàng không, từ khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát ở khu vực phía Nam đã ảnh hưởng rất lớn đến vận chuyển hành khách. Đến thời điểm dịch được kiềm chế, lĩnh vực hàng không đã từng bước mở cửa trở lại bước 1 và bước 2. Vừa rồi, hàng không đã mở cửa bước 3 cho vận chuyển hàng không nội địa.

Hiện nay, mỗi ngày chúng ta đã mở 25 chuyến bay chiều Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, gấp nhiều lần so với lúc cao điểm dịch chỉ tổ chức 1 - 2 chuyến bay/ngày. Riêng vận tải hành khách quốc tế, vừa qua, chúng tôi đã làm việc với rất nhiều quốc gia để xin mở lại đường bay. Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đang tích cực thực hiện các thủ tục liên quan đến liên vận quốc tế.

Phải thẳng thắn đánh giá, trong 3 lĩnh vực vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt thì vận tải hàng không chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch Covid-19 từng bước được kiềm chế, lượng vắc-xin đang tương đối dồi dào, chúng tôi có niềm tin là năm 2022 tình hình vận tải hàng không sẽ được cải thiện.

Trên cương vị là Tư lệnh ngành, Bộ trưởng có cảm thấy hài lòng trước những kết quả đạt được của ngành GTVT trong năm 2021?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Kết quả đạt được của ngành GTVT là thành tích của tập thể, lãnh đạo Bộ chỉ là cầu nối. Nhìn lại năm 2021 vô cùng khó khăn nhưng chúng ta đã đạt được một số kết quả đột phá, như vậy có thể khẳng định, ngành GTVT đã có sự thay đổi rất lớn về tư duy, đó là khi gặp khó khăn chúng ta càng phải tập trung khắc phục.

Nếu nói hài lòng trước các kết quả đạt được, có lẽ chúng tôi chưa bao giờ hài lòng. Chúng tôi phải luôn cố gắng, nỗ lực để làm theo lời Bác: “Giao thông là mạch máu của Tổ chức, giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng, giao thông xấu thì các việc đình trệ”.

Chỉ nhìn vào tốc độ giải ngân, kết quả thực hiện quy hoạch và công tác đảm bảo giao thông trong năm 2021, chúng tôi có thể tạm hài lòng vì có một số kết quả nhất định. Nhưng xét về tình hình vận tải của cả nước, trong đó có lĩnh vực đường sắt, đường bộ và hàng không thì chúng tôi cảm thấy còn nhiều điều phải trăn trở khi chưa thể giúp các lĩnh vực này phát triển bền vững trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.

Bo truong 3
 

Huy động mọi nguồn lực hiện thực hóa 5 quy hoạch

Trở lại với công tác quy hoạch, sắp tới, Bộ GTVT sẽ hiện thực hóa các mục tiêu trong 5 quy hoạch chuyên ngành thế nào để tạo ra sự đột phá về hạ tầng, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Sau khi các quy hoạch đã được công bố, chúng tôi đang xây dựng đề án để tập trung thực hiện. Trong các quy hoạch có rất nhiều đột phá, ngoài nguồn vốn được bố trí từ ngân sách nhà nước, để thực hiện các quy hoạch này cần thiết phải có các cơ chế huy động vốn xã hội hóa, sự chung tay, đồng hành của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, trong quy hoạch hàng hải, chúng tôi đưa ra 3 mũi nhọn. Thứ nhất, trong thời gian tới phải xây dựng cảng Trần Đề làm động lực phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long bằng vốn xã hội hóa. Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng các cơ chế, chính sách để tham mưu Chính phủ sớm thực hiện dự án này. Thứ hai, ở phía Bắc sẽ hình thành cảng Nam Đồ Sơn cùng cảng Lạch Huyện tạo đột phá cho khu vực. Thứ ba, tại khu vực Đông Nam bộ, chúng ta đã có cảng Cái Mép - Thị Vải, sắp tới chúng ta sẽ tập trung để đưa cảng này thành cảng trung chuyển gom hàng từ các nước lân cận chuyển tải nước ngoài. Những việc này doanh nghiệp sẽ đảm nhận, Nhà nước không làm. Do đó, Bộ GTVT sẽ tập trung xây dựng các cơ chế chính sách để hiện thực hóa các mục tiêu này.

Về hàng không, dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành đang được triển khai bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tiến độ một số hạng mục đang bị chậm so với kế hoạch. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang rất quan tâm đến dự án này nên chúng tôi đang quyết liệt chỉ đạo công tác điều hành để giai đoạn 1 của dự án hoàn thành trong năm 2025 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.

Cùng với đó, ở phía Bắc, Bộ GTVT đang phối hợp với TP. Hà Nội chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Cảng HKQT Nội Bài, nâng công suất lên 100 triệu hành khách/năm, trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam, ngang với sân bay Long Thành.

Ở lĩnh vực đường bộ, Nghị quyết Đại hội Đảng 13 đã nêu rõ đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Đến thời điểm này, chúng ta mới có 1.163 km, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km. Bộ GTVT đang tích cực triển khai các đề án để hiện thực hóa các quy hoạch chuyên ngành. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vốn có hạn nên các dự án trọng điểm, dự án đột phá của ngành GTVT sẽ được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách. Còn lại, các dự án có tính thương mại cao như: đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, đường Vành đai 4 TP. Hà Nội hay các dự án đường cao tốc ở miền Đông Nam bộ nơi tập trung nhiều khu công nghiệp.... Bộ GTVT sẽ tham mưu Chính phủ các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội hóa hoặc hình thành các quỹ đầu tư để giúp các doanh nghiệp tiếp cận thực hiện quy hoạch.

Tóm lại, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, các nhiệm vụ quan trọng của Bộ GTVT là phải cụ thể hóa được 5 quy hoạch chuyên ngành, đặc biệt là việc xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm huy động nguồn vốn trong xã hội, trong nhân dân để thực hiện các quy hoạch đề ra.

Nhân dịp đầu Xuân, Bộ trưởng có thể chia sẻ thông điệp của ngành GTVT trong năm 2022?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Chúng tôi xác định nhiệm vụ của ngành GTVT trong năm 2022 và giai đoạn 2022 - 2025 là hết sức nặng nề. Trong thời gian 4 năm tới, chúng ta phải đạt được các mục tiêu đột phá trên cả 5 lĩnh vực là vô cùng khó khăn. Để thực hiện được các nhiệm vụ này, tôi mong rằng Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đồng hành với Bộ GTVT. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc về cơ chế, chính sách rất mong Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đồng cảm để sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các dự án triển khai nhanh hơn.

Bộ GTVT cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ kịp thời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong việc bố trí vốn, phân khai vốn; Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác giải quyết nguồn vật liệu (mỏ đất), đặc biệt là chính quyền các địa phương trong công tác phối hợp thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư... để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm.

Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT tiếp tục phát huy tinh thần “Đi trước mở đường”, cùng nhau đồng tâm hiệp lực, đoàn kết thống nhất để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, hoàn tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022 đón Tết cổ truyền của dân tộc, thay mặt Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ GTVT, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành GTVT, đặc biệt chia sẻ với các đồng chí đang phải xa gia đình trong những ngày Tết để hăng say lao động trên những công trường; túc trực tại đơn vị, bến xe, nhà ga; chống dịch Covid-19 để phục vụ tốt nhu cầu đi lại và đảm bảo ATGT cho nhân dân.

Kính chúc các đồng chí và gia đình một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang thịnh vượng. Năm mới thắng lợi mới!

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 

Ý kiến của bạn

Bình luận