BOT đường thủy đầu tiên: Mức thu phí liệu có rẻ hơn đường bộ?

Giao thông 24h 05/04/2018 09:50

Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc (Bình Dương) là dự án đường thủy đầu tiên thực hiện theo hình thức BOT sẽ đưa vào khai thác cuối năm 2018. Tuy nhiên, nhiều người dân và đơn vị vận tải thủy đang thắc mắc về mức thu phí, cách thu ra sao?

ttxvn_cau_Binh_Loi
Tàu thuyền trên 300 tấn phải neo đậu trước cầu Bình Lợi khoảng 1km để đợi nước thủy triều xuống mới qua được cầu Bình Lợi do tĩnh không của cầu thấp. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc có tổng mức đầu tư của dự án là 1.300 tỷ đồng, chi phí xây dựng trên 838 tỷ đồng. Trong đó, phần quan trọng nhất là thi công mới cầu sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền của cầu hiện nay từ 1,5m lên 7m.

Dự án gồm 2 hợp phần gồm xây mới cầu sắt Bình Lợi và nạo vét luồng sông Sài Gòn với chiều dài khoảng 70km từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc. Khi công trình hoàn thành, sà lan trên 300 tấn sẽ lưu thông từ Bình Dương về các cảng ở Thành phố Hồ Chí Minh, giảm áp lực cho giao thông đường bộ.

Lý giải về việc các tuyến sông ngòi kênh rạch chỉ cần nạo vét, khơi thông luồng tuyến mà không phải xây mới như đường bộ nhưng vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, đại diện chủ đầu tư dự án cho rằng, dự án BOT Bình Lợi-Bến Súc phải nâng cấp, sửa chữa tĩnh không cầu Bình Lợi hiện tại có 1,5m và sau đó nâng cấp cao lên 7m, hạng mục này chiếm tới hơn 400 tỷ đồng (khoảng 30% vốn của dự án).

“Để trông chờ ngân sách đầu tư cải tạo cầu này sẽ rất lâu và nếu tính thu phí ngành đường sắt thì sẽ là bài toán khó khăn. Ngành đường thủy thấy hiệu quả của việc nâng tĩnh không cầu Bình Lợi sẽ rất có lợi cho tàu thuyền lưu thông nên Tư vấn đưa hạng mục này vào dự án đường thủy. Như vậy, dự án không chỉ xây mới cầu đường sắt mà quan trọng hơn là nâng tĩnh không của cầu này để phát triển đường thủy,” đại diện đơn vị đầu tư khẳng định.

Theo đó, các phương tiện có tải trọng từ 300 tấn trở lên khi đi qua cầu Bình Lợi sẽ phải trả phí với giá thu dự kiến 70 đồng/tấn/km. Thời gian thu kéo dài 20 năm 9 tháng để nhà đầu tư hoàn trả vốn. Hình thức thu là nhờ các cảng vụ đường thủy thu hộ phí khi các phương tiện này cập cảng. Các đơn vị thu thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư và được giữ lại 3,3% trên tổng số tiền phí thu được để chi cho công tác tổ chức thu.

Dẫn chứng, đối với tàu 1.000 tấn sẽ phải đóng mức phí 70.000 đồng/km, tàu trên 3.000 tấn lưu thông qua tuyến phải đóng tới 210.000 đồng/km. Tuyến đường dài hơn 70km, khi đó tàu 3.000 tấn lưu thông qua tuyến sẽ đóng gần 15 triệu đồng.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, với tàu có tải trọng càng lớn, chi phí vận chuyển bằng đường thủy càng rẻ. Chẳng hạn với tàu tải trọng 1.000 tấn, có thể chở 50 container, giá vận chuyển mỗi container chỉ còn 140.000 đồng trong khi vận tải đường bộ chắc chắn sẽ cao hơn bởi các chi phí liên quan đến phương tiện, phí cầu đường rất nhiều.

Đại diện một số đơn vị vận tải thủy cũng tỏ ra băn khoăn về cách tính giá cước thu phí như thế nào cho hợp lý là một vấn đề rất quan trọng và cần phải tính toán làm sao cho phù hợp trong bối cảnh khuyến khích cho doanh nghiệp chuyển sang sử dụng loại hình vận tải qua đường sông, để giảm bớt sự quá tải cho đường bộ.

“Nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước phải tính toán nhất định để chủ hàng chịu đựng được mức phí tạo điều kiện khuyến khích cho các doanh nghiệp vận tải sử dụng đường thủy,” ông Phạm Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam cho hay.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị chủ đầu tư phải đưa ra dự thảo phương án tài chính và phương án thu phí mới để phản biện trước khi chính thức đưa vào thực hiện.

Ông Đào Minh Quang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư BOT Bình Lợi cho biết, Công ty có đề nghị Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn các nội dung cụ thể để chuyển từ thu phí sang thu giá cho dự án đảm bảo đúng quy định Nhà nước bởi trước đây Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 25/5/2015 quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí luồng, lạch đối với luồng sông Sài Gòn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc xác định dự án thực hiện theo cơ chế thu phí. Đến nay, Thông tư này hết hiệu lực theo Pháp lệnh về phí và lệ phí năm 2001.

Đề cập đến việc kiểm soát tàu thủy lưu thông tránh thất thoát phí, một lãnh đạo Cảng vụ đường thủy Nội địa khu vực 3 (Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam) cho rằng, với các phương tiện thuộc diện thu phí nhưng không tuân thủ thông báo, cố tình không nộp phí, sẽ có hệ thống lưu trữ dữ liệu và gửi đến các đơn vị đăng kiểm, các cảng vụ. Thông qua các đơn vị này để truy thu phí của phương tiện, ngoài mức phí qua kênh phải nộp, chủ phương tiện sẽ phải nộp thêm mức phạt theo quy định.

Ý kiến của bạn

Bình luận