Cao tốc Bắc-Nam: Địa phương “xắn tay” gỡ vướng mỏ vật liệu

Đường bộ 21/03/2022 07:18

Các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đang bước vào giai đoạn thi công nước rút. Tuy nhiên, để các dự án hoàn thành đúng tiến độ và rút ngắn khoảng 3 tháng so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, chính qauyền các địa phương nơi dự án đi qua cần vào cuộc quyết liệt nhằm tháo gỡ các thủ tục cấp phép mỏ vật liệu, nhất là vật liệu đất đắp nền đường.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu qua địa bàn tỉnh Nghệ An

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu qua địa bàn tỉnh Nghệ An

6 dự án cao tốc đang thiếu gần 13 triệu m3 đất đắp

Ông Bùi Quang Thái - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, tính đến đầu tháng 3/2022, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đang tổ chức thi công còn thiếu hụt khoảng 12,59 triệu m3 đất đắp tại 6 dự án thành phần, đang được các địa phương tích cực tháo gỡ. Trong tháng 3, những vướng mắc về nguồn vật liệu đắp nền đường dự kiến cở bản sẽ được tháo gỡ.

Tuy nhiên, ông Thái cho rằng, các chủ đầu tư, ban QLDA cần tích cực phối hợp chặt chẽ với địa phương để giải quyết các thủ tục liên quan (cấp phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đền bù GPMB, đường vào khai thác...) thì mới có thể giải quyết dứt điểm vướng mắc.

Tại dự án thành phần đoạn Mai Sơn - QL45, ông Lương Văn Long - Giám đốc điều hành dự án (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, dự án còn thiếu khoảng 0,7 triệu m3. “Ban QLDA Thăng Long và các nhà thầu đang làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình để xem xét việc GPMB, cấp phép bổ sung mở rộng phạm vi khai thác đất tại mỏ Đồi Giàng cấp đất cho dự án khoảng 8,8 ha để đáp ứng nhu cầu của dự án”, ông Long chia sẻ.

Đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án PPP cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt Ngô Trọng Nghĩa - Phó ban điều hành dự án (Ban QLDA 6) cho biết, dự án đang thiếu khoảng 2,92 triệu m3 đối với đoạn tuyến thi công qua địa phận tỉnh Nghệ An. Ngày 08/02/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp phép khai thác mỏ Lèn Dơi với trữ lượng 3,3 triệu m3. Tuy nhiên, để khai thác được, HĐND tỉnh Nghệ An phải thông qua chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dự kiến họp trong tháng 3/2022.

Ở khu vực miền Trung, dự án Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế hiện còn thiếu khoảng 0,37 triệu m3, tập trung tại hai gói thầu XL5 và XL6 qua Thừa Thiên - Huế. Trong đó, gói thầu XL5 lấy từ mỏ Động Đá, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt trữ lượng, nhưng để khai thác được còn một số thủ tục phải hoàn thiện như: phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp phép khai thác, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất (dự kiến cuối tháng 3/2022 mới đưa vào khai thác mỏ này). Tương tự, gói thầu XL6 lấy từ mỏ Hiền Sỹ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt bổ sung diện tích, dự kiến tháng 4/2022 sẽ đưa vào khai thác. Ngoài 3 dự án trên, thống kê của các ban QLDA cho thấy, 3 dự án khác cũng đang thiếu hụt nguồn vật liệu đắp nền đường khối lượng lớn, gồm: cao tốc Nha Trang - Cam Lâm thiếu khoảng 2,6 triệu m3; cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thiếu khoảng 2,3 triệu m3 và cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết thiếu khoảng 3 triệu m3.

Địa phương cam kết tháo gỡ ngay vướng mắc

Liên quan đến việc cấp phép các mỏ vật liệu cho các dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn

Rút ngắn thời gian cấp phép mỏ từ 240 ngày xuống 150 ngày

 Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, theo quy định tại Nghị định 158 ngày 29/11/2016, tổng thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép mỏ vật liệu là 240 ngày. Tuy vậy, trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ công cắt giảm xuống còn 150 ngày. Đồng thời, để phục vụ nhu cầu nguyên liệu cho dự án cao tốc, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận thành lập Tổ công tác liên ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác mỏ.

tỉnh Thanh Hóa, trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, địa phương đang tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà thầu triển khai thực hiện các công trình.

“Để tăng cường nguồn cung vật liệu, chủ yếu là đất đắp cho các dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn, UBND tỉnh đã chủ động áp dụng Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 của Chính phủ trong việc nâng công suất khai thác các mỏ đất được cấp phép lên tối đa mà không cần làm thủ tục bổ sung”, ông Liêm nói.

Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa đã rút ngắn thời gian cấp phép khai thác từ 1 năm xuống còn 6 tháng đối với các mỏ chỉ phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam, gồm: mỏ Đồi Ao, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung; mỏ Xuân Phúc, huyện Như Thanh và mỏ Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn với tổng trữ lượng khai thác lên tới hơn 5 triệu m3.

“Đối với “điểm nghẽn” ở gói thầu XL2 đoạn km349+00 - km364+410,75 dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn, ngay sau khi tiếp nhận văn bản báo cáo và kiến nghị của Ban QLDA 2, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định cấp phép cho nhà thầu là Công ty TNHH Định An khai thác thăm dò khoáng sản. Đến nay, nguồn vật liệu cung cấp cho gói thầu này đã cơ bản đáp ứng yêu cầu”, ông Liêm thông tin.

Liên quan đến dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Nghệ An, ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, trong quá trình triển khai dự án, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục mọi khó khăn, khẩn trương GPMB và đảm bảo chất lượng các hạng mục của dự án.

Theo ông Vinh, về mỏ vật liệu đất đắp, nhu cầu dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An cần khoảng 13,5 triệu m3. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 47 mỏ đã được cấp phép hoạt động khoáng sản, trong đó 23 giấy phép với tổng trữ lượng mỏ khoảng 35,95 triệu m3; 18 giấy thăm dò đã được phê duyệt trữ lượng khoáng sản; 6 giấy phép thăm dò đất san lấp. “Tổng trữ lượng mỏ vật liệu đã phê duyệt khoảng 41,7 triệu m3 sẽ cấp phép khai thác trong thời gian tới”, ông Vinh chia sẻ.

“Đối với các mỏ vật liệu xin nâng công suất hoặc khai thác mới, tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ thủ tục, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành liên quan khi nhận được hồ sơ khẩn trương thẩm định để sớm phê duyệt, cấp phép khai thác đảm bảo vật liệu phục vụ thi công dự án, đáp ứng tiến độ chung của dự án cao tốc Bắc - Nam trên toàn tuyến”, ông Vinh nói thêm.

Đề cập đến công tác giải quyết nguồn vật liệu cho hai dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 đã tháo gỡ và giảm bớt thủ tục, nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu và thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ.

Cụ thể, tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đang hoàn tất thủ tục cấp phép đối với 3 mỏ, dự kiến đưa vào khai thác trong quý I/2022. Đối với các mỏ được Ban QLDA 7 đề xuất cấp mới không qua đấu giá cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc và thống nhất lộ trình giải quyết hoàn tất thủ tục đưa các mỏ vào khai thác trong năm 2022.

Ý kiến của bạn

Bình luận