Cao tốc Bắc- Nam: Nhà thầu dốc sức chạy đua trên công trường

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Đường bộ 21/03/2022 07:17

Cao tốc Bắc - Nam đang trở thành đại công trường lớn nhất cả nước khi tập trung hàng chục nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân cùng phương tiện máy móc, thiết bị thi công suốt ngày đêm để chạy đua với thời gian, kịp hoàn thành tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sau chuyến kiểm tra “xuyên Tết, xuyên Việt” hồi đầu tháng 02/2022.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt

Bứt phá sau thời gian dài trầm lắng

Những ngày đầu tháng 3/2022, khuôn mặt ông Phạm Đình Hạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Hiệp nhẹ nhõm phần nào khi dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) do Hòa Hiệp là doanh nghiệp đứng đầu liên danh nhà đầu tư vừa được tổ hợp 4 ngân hàng thương mại ký hợp đồng cho vay 3.560 tỷ đồng vào giữa tháng 02/2022.

Trước đó, hơn nửa năm từ thời điểm liên danh nhà đầu tư ký hợp đồng BOT với Bộ GTVT, chưa một ngày ông Hạnh được thảnh thơi bởi nguy cơ dự án bị tịch thu hợp đồng kéo theo số vốn bảo lãnh cả trăm tỷ đồng do nhà đầu tư không chứng minh được khả năng huy động vốn để làm dự án có tổng vốn lên tới 11.157 tỷ đồng.Suốt nhiều tháng sau lễ khởi công (tháng 5/2021), dự án trải dài 50 km từ Nghệ An vắt ngang qua Hà Tĩnh rơi vào cảnh máy móc, thiết bị buộc phải trùm bạt vì nhiều nhà thầu lo sợ rủi ro khi việc huy động nguồn vốn tín dụng chưa được thông, do đó không dám tổ chức thi công. “Giờ đây, nguồn vốn tín dụng cho dự án được khơi thông, chúng tôi có thể thở phào nhẹ nhõm. Theo đó, nhà đầu tư đang rốt ráo chỉ đạo các nhà thầu tập trung toàn lực huy động các mũi thi công để bù lại phần tiến độ chậm trong thời gian qua. Chúng tôi đặt quyết tâm cao nhất hoàn thành dự án đúng hợp đồng đã ký với Bộ GTVT”, ông Hạnh chia sẻ.

Lời khẳng định của ông Hạnh không phải nói suông bởi ngay từ cuối tháng 02/2022, khi có mặt trên công trường dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, PV Tạp chí GTVT ghi nhận khí thế thi công hừng hực của các nhà thầu tại thực địa. Trực tiếp chỉ đạo một mũi đang thi công xử lý nền đất yếu tại gói thầu XL01 của dự án, ông Phùng Thái Hòa - Chỉ huy trưởng công trường (Công ty Hòa Hiệp) cho biết, ngay khi dự án vay được vốn tín dụng, nhà thầu đã huy động hơn 70 đầu máy, thiết bị, hàng trăm nhân sự để tổ chức thi công gấp rút những vị trí cần xử lý đất yếu trên tuyến. “Chúng tôi đang tập trung tối đa nguồn lực thi công để kéo lại tiến độ bị chậm trong thời gian qua do vướng mắc về nguồn vốn tín dụng. Nhà thầu cam kết hoàn thành gói thầu này đúng tiến độ yêu cầu của hợp đồng”, ông Hòa nói.

Về phía đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ông Ngô Trọng Nghĩa - Phó ban điều hành dự án (Ban QLDA 6 - Bộ GTVT) cho biết thêm, dự án có 4 gói thầu xây lắp, do vướng mắc về nguồn vốn tín dụng nên từ khi khởi công đến đầu tháng 02/2022, sản lượng thi công trên toàn tuyến chỉ đạt gần 2% (hơn 150 tỷ đồng). “Sau khi vay được vốn, các nhà thầu đã tăng tốc thi công, ngoài các mũi triển khai trên công trường, các nhà thầu còn đang tổ chức nhiều mũi thi công cấu kiện, đúc dầm... Ban QLDA 6 đã yêu cầu nhà đầu tư, nhà thầu lập lại tiến độ thi công chi tiết bù lại tiến độ đã chậm để đảm bảo hoàn thành dự án đúng theo hợp đồng vào tháng 5/2024”, ông Nghĩa chia sẻ.

Một tên tuổi lớn khác trong lĩnh vực xây dựng cơ bản là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cũng đang rốt ráo triển khai thi công hạng mục cầu Vĩnh An vượt sông Mã tại gói thầu XL13, cao tốc Mai Sơn - QL45. Ông Vũ Khắc Điệp - Chỉ huy trưởng công trường (nhà thầu Phương Thành) cho biết, hạng mục này được khởi công đầu tháng 01/2021, hiện đã thi công xong phần kết cấu móng cọc, bệ trụ và đang tiến hành lao lắp dầm đúc hẫng trụ chính T5, T6.

Theo ông Điệp, sau chuyến kiểm tra dự án của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhà thầu đang tập trung 90 kỹ sư, công nhân thi công 3 ca liên tục để đẩy nhanh thi công cầu Vĩnh An. “Chúng tôi đang bố trí tối đa nhân lực để thi công đúc hẫng K0 của trụ T6 và K1 của trụ T5. Công trình này sẽ đảm bảo hợp long trong tháng 6/2022. Theo hợp đồng, gói thầu kết thúc vào ngày 15/12/2022, nhưng nhà thầu phấn đấu hoàn thành toàn bộ trong tháng 9/2022, rút ngắn khoảng 3 tháng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT”, ông Điệp nói.

Nhà thầu thi công nhiều dự án nhất cam kết đảm bảo tiến độ

Nhộn nhịp nhất trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam lúc này là hình ảnh công nhân, máy móc mang thương hiệu Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), bởi đây là doanh nghiệp đảm nhiệm nhiều gói thầu nhất trên toàn tuyến. Từ gói XL14 (cao tốc Mai Sơn - QL45), gói XL3 (QL45 - Nghi Sơn), XL3 (Nghi Sơn - Diễn Châu)... đến XL4 (Vĩnh Hảo - Phan Thiết), XL3 (Phan Thiết - Dầu Giây) đều có sự hiện diện của doanh nghiệp này.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Hữu Tới - Phó Tổng Giám đốc Vinaconex cho biết, hiện nay các gói thầu do đơn vị thi công đều đạt tiến độ tốt. Theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GTVT về đẩy nhanh tiến độ 3 tháng, Vinaconex đang tích cực vào cuộc, bám sát từng dự án, từng gói thầu để giải quyết dứt điểm vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công.

“Đối với các gói thầu do Vinaconex đảm nhiệm thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, chúng tôi đã lập kế hoạch chi tiết để đẩy nhanh tiến độ và cam kết đảm bảo chất lượng theo đúng thiết kế. Về cơ bản, chúng tôi có thể đáp ứng đẩy nhanh tiến độ 3 tháng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT”, ông Tới nói.

Tuy nhiên, ông Tới cho biết thêm, riêng hai dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đang gặp nhiều vướng mắc liên quan đến nguồn vật liệu tại địa phương. Dù Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA 7 và các nhà thầu tại hai dự án rất rốt ráo để thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tiến độ, nhưng việc tiếp cận nguồn vật liệu đất đắp khó khăn, thủ tục cấp để khai thác đất của chính quyền địa phương còn rất chậm.

“Năng lực của Vinaconex hoàn toàn đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ trước 3 tháng theo kế hoạch bằng việc tăng cường thêm máy móc, nhân lực, mở thêm các mũi thi công nền đường, móng đường, mặt đường... Tuy nhiên, chúng tôi rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của địa phương trong việc giải quyết các vướng mắc về việc cấp phép thêm các mỏ vật liệu”, ông Tới bày tỏ.

Chạy xuống phía Nam, gói thầu XL4 thi công xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 (nối Tiền Giang - Vĩnh Long) có sự góp mặt của 3 nhà thầu lớn, gồm: Công ty TNHH Định An - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty TNHH Nhạc Sơn cũng đang băng băng về đích khi tiến độ đang vượt kế hoạch.

Hiện nay, liên danh nhà thầu đang thi công phần đường dẫn, cầu dẫn Super-T, cầu đúc hẫng, tổng sản lượng gói thầu đến cuối tháng 02/2022 đạt gần 300 tỷ đồng (đạt 82%), vượt kế hoạch theo tiến độ hợp đồng khoảng 7%. Đại diện Công ty TNHH Định An cho biết, ngay từ đầu thời điểm khởi công, liên danh nhà thầu đã đề ra mục tiêu hoàn thành gói thầu trước 3 tháng. “Tiến độ dự án đang vượt, chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành gói thầu này trước thời hạn 4 tháng”, vị này chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận