Cấp thiết quản lý hoạt động du thuyền ở Việt Nam

Tác giả: B. Minh - H. Lộc

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 27/07/2022 09:01

Du thuyền - loại phương tiện giao thông kết hợp dịch vụ vui chơi du lịch đã xuất hiện ở Việt Nam vài năm trở lại đây và hiện phát sinh hàng loạt bất cấp trong quản lý như: đăng ký, đăng kiểm, bến bãi và ATGT...

Hình ảnh du thuyền trên vịnh Hạ Long được một đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng để thu hút khách

Hình ảnh du thuyền trên vịnh Hạ Long được một đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng để thu hút khách

Bất cập từ tên gọi đến đăng ký, đăng kiểm

Bỏ ra hàng triệu USD để nhập 2 chiếc du thuyền G.L420 và G.L640 từ Ba Lan về song Công ty TNHH P.N (có trụ sở tại quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) chỉ có thể đăng ký phương tiện dưới cái tên “tàu cao tốc chở người”.

Trong Luật Giao thông Đường thủy nội địa và Bộ luật Hàng hải Việt Nam hiện nay không có khái niệm cũng như giải thích từ ngữ “du thuyền” và chưa có quy định cụ thể về quản lý du thuyền. Do vậy, loại phương tiện này nằm trong giải thích từ ngữ chung là “tàu biển” (nếu đăng ký hoạt động trên biển) hay phương tiện thủy nội địa (nếu đăng ký hoạt động trên đường thủy nội địa). Việc đặt tên hay gọi tên du thuyền thực tế chẳng qua là tự phát.

Có thể nói, tại Việt Nam, tất cả các phương tiện được chủ nhân gọi là du thuyền có hay không tham gia hoạt động thương mại đều được quản lý như tàu thuyền thông thường về điều kiện kinh doanh, đăng ký, định biên an toàn tối thiểu, bằng cấp chuyên môn của thuyền viên.

Còn về đăng kiểm, từ năm 2014, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã biên soạn và Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký Thông tư số 82 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về phân cấp và đóng du thuyền (QCVN 81:2014/BGTVT, gọi tắt là Quy chuẩn 81). Nhưng theo ông Trần Minh Đức - Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 15, đến thời điểm này chưa cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho một phương tiện nào (gọi là du thuyền) theo Quy chuẩn 81 mà đều theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa (QCVN 72:2013/BGTVT, gọi tắt là Quy phạm 72).

“Ngay cả những phương tiện ở bến cảng tàu khách Tuần Châu hay Cảng Tàu khách quốc tế Hạ Long cũng không gọi là du thuyền mà là tàu du lịch, tàu cao tốc, tàu khách”, ông Đức nói và cho rằng, phương tiện có thể mang tên nước ngoài để hút khách hay gọi tên là du thuyền nhưng công dụng là tàu khách, tàu du lịch, tàu du lịch lưu trú ngủ đêm. Một phần cũng vì việc đăng kiểm, đăng ký dễ dàng hơn thay vì áp dụng theo Quy chuẩn 81 dành cho du thuyền.

Theo ông Nguyễn Hồng Việt - Trưởng phòng Quy phạm (Cục Đăng kiểm Việt Nam), từ thực tiễn hoạt động cho thấy, vấn đề cần xem xét, giải quyết hiện nay là quy định rõ du thuyền có được hoạt động thương mại, kinh doanh vận tải hay không. Bên cạnh đó, việc quản lý đăng ký du thuyền do ngành nào, Cục Hàng hải Việt Nam hay sở văn hóa, thể thao và du lịch thực hiện. Ngoài ra, các vấn đề về định biên, bằng điều khiển phương tiện, chứng chỉ người tham gia vận hành du thuyền; các quy định trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa quy định thế nào về du thuyền...

“Tôi cho rằng, đây là các vấn đề cần được tính đến khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hàng hải và Luật Giao thông Đường thủy nội địa, để có căn cứ quản lý và góp phần phát triển loại hình phương tiện này”, ông Việt nêu ý kiến. 

Nỗi lo an toàn giao thông

Tại TP. Hồ Chí Minh, tính đến tháng 11/2021, tổng số du thuyền của hộ gia đình, cá nhân được đăng ký hoạt động trên địa bàn là 50 chiếc, ngoài ra còn có 390 ca-nô (có sức chở dưới 12 người) của hộ gia đình, cá nhân.

Trong năm 2022, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã cấp phép lại cho một số bến thủy nội địa (bến du thuyền) hoạt động đưa, đón khách nội bộ nhưng thực tế việc cấp phép này vẫn chỉ là tạm thời và mang tính thí điểm chứ hiện tại TP. Hồ Chí Minh chưa có riêng một quy hoạch nơi neo đậu cho loại phương tiện này, đáp ứng quy định tại Nghị định 08/2021 quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa (khu neo đậu phải phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và quy hoạch khác có liên quan).

Ngoài vấn đề quy hoạch bến neo đậu, vấn để quản lý hoạt động thế nào để đảm bảo an toàn cho khách cũng cần được quan tâm. Bởi thực tế, mặc dù tại Việt Nam chưa từng xảy ra những vụ việc nghiêm trọng liên quan đến du thuyền nhưng cũng có không ít những vụ tai nạn chết người liên quan đến tàu du lịch, nhà hàng nổi, ca-nô - những “anh em họ hàng” với du thuyền. Chẳng hạn như vụ chìm nhà hàng du thuyền Dìn Ký năm 2011 khiến 16 người thiệt mạng hay mới đây là vụ lật ca-nô tại khu vực biển Cửa Đại (Quảng Nam) chiều 26/02 làm 17 người tử vong.

Còn đối với du thuyền “xịn”, theo thông tin PV Tạp chí GTVT có được, hơn 1 năm trở lại đây mới chỉ có một trường hợp tai nạn (tại TP. Hồ Chí Minh) được ghi nhận. Đó là một vị khách say xỉn, khi du thuyền về bờ, khách bước lên rồi trượt chân ngã.

Ghi nhận của PV, trên một số du thuyền neo đậu tại bến Thảo Điền và  bến Novaland (Quận 2, TP. Hồ Chí Minh) đều có bố trí áo phao, phao bơi. Tuy nhiên, thực tế khi những vị khách thuộc giới thượng lưu tổ chức sinh nhật, ca hát, tiệc tùng, đi lại tự do trên boong du thuyền thì chẳng mấy khi họ chịu mặc áo phao. Rủi ro càng cao nếu khách say xỉn hoặc có bất ngờ gặp yếu tố liên quan đến sức khỏe, thời tiết...

Trước những vụ việc tai nạn liên quan đến tàu du lịch, ca-nô, nhà hàng nổi... trong những năm vừa qua, theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, hiện các đơn vị cung ứng dịch vụ du thuyền đều rất quan tâm đến yếu tố đảm bảo an toàn cho khách.

Anh L.H (người đại diện của một công ty kinh doanh du thuyền trên sông Sài Gòn) cho biết, khi khách có nhu cầu thuê du thuyền, đơn vị sẽ cung cấp hợp đồng thuê, trong đó có những điều khoản ràng buộc chặt chẽ để vừa bảo vệ an toàn cho khách, vừa bảo vệ tài sản (du thuyền) cho đơn vị cung ứng dịch vụ.  

 “Đặc biệt, khi khách có dấu hiệu say xỉn, mệt mỏi, việc di chuyển từ phía sau lên mũi du thuyền hoặc ngược lại sẽ đi bằng lối bên trong du thuyền chứ không theo lối hành lang hai bên”, anh H. cho biết thêm.

Trước lo ngại ở một không gian riêng (trên sông, vịnh hoặc ngoài biển), nhiều vị khách có thể sẽ mang theo và sử dụng các loại chất kích thích trên du thuyền, anh H. khẳng định điều này nằm trong ràng buộc hợp đồng. “Khách có thể mang theo rượu (sẽ tính phí) nhưng những loại chất cấm đều không được mang lên du thuyền, khi đó sẽ bị coi là phá vỡ hợp đồng và đơn vị sẽ từ chối phục vụ, quay về bến”, anh H. cung cấp thêm.

Thực tế tại TP. Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý một số trường hợp tự ý cho du thuyền vào đón, trả khách mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc có tình trạng du thuyền chở quá số người quy định, chạy sai luồng tuyến, lắp đặt bình chữa cháy, trang bị áo phao không đúng nơi quy định...

Ý kiến của bạn

Bình luận