Công khai, minh bạch Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương

Tác giả: Dương Thùy

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 29/05/2016 15:36

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, từ khi Quỹ Bảo trì đường bộ ra đời cách đây 3 năm, từ khi thành lập quỹ, công tác bảo trì đường bộ cả nước đã có nhiều thuận lợi. Ngành Đường bộ có nguồn kinh phí rất ổn định cho công tác sửa chữa, đường sá từ đó tốt lên rất nhiều, nhất là đối với 21.000 km quốc lộ.

IMG_0201
Nhiều tuyến đường được tu sửa, nâng cấp từ nguồn vốn của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương

Sử dụng đúng mục đích

Ông Lê Hoàng Minh - Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung Ương (Quỹ BTĐBTW) thực hiện nhiệm vụ, chương trình công tác của Quỹ BTĐBTW, ngay từ đầu năm 2016 Hội đồng Quỹ BTĐBTW đã tập trung triển khai, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương (Quỹ ĐP) thuộc 63 tỉnh, thành phố trong cả nước để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý và điều hành Quỹ. Sau hơn 3 tháng triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016, với sự chỉ đạo quyết liệt của Hội đồng Quỹ TW và sự quyết tâm của các cơ quan đơn vị, Quỹ BTĐBTW đã đạt được nhiều kết quả.

Trên cơ sở xem xét nguồn thu trong năm 2015, căn cứ đề nghị của Cục Đăng kiểm Việt Nam và Văn phòng Quỹ TW, Hội đồng Quỹ TW đã có các quyết định giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam và Văn phòng Quỹ TW thực hiện nhiệm vụ thu phí sử dụng đường bộ từ phương tiện ô tô năm 2016 với tổng số thu là 6.240,125 tỷ đồng. Trong đó, thu phí qua các trạm đăng kiểm xe ô tô là 6.212,121 tỷ đồng; số thu phí qua các xe ô tô của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng là 28,004 tỷ đồng.

“Sau khi để lại nguồn chi cho công tác tổ chức thu (62,401 tỷ đồng) và số phí hoàn lại cho chủ phương tiện theo quy định tại Thông tư số 133/2014/TT-BTC. Số phí sử dụng đường bộ từ phương tiện ô tô năm 2016 dự kiến nộp về Quỹ BTĐBTW là 6.127,724 tỷ đồng”, ông Minh cho biết thêm.

 Theo đó, tính đến hết ngày 30/4/2016, các phương tiện đi nộp phí qua 138 trạm đăng kiểm trên cả nước đạt 1.854,961 tỷ đồng/6.240,125 tỷ đồng kế hoạch (đạt 29,72% so với kế hoạch thu cả năm 2016). Riêng số thu tháng 4/2016 là 516,033 tỷ đồng. Tính bình quân số thu 1 ngày tại các trạm đăng kiểm trên địa bàn cả nước là: 23,45 tỷ đồng/ngày.

“Nhìn chung, việc thu nộp phí sử dụng đường bộ đối với ô tô qua các trạm đăng kiểm hiện nay được thực hiện đúng quy định, Quỹ BTĐBTW đã kiểm soát được nguồn thu; đảm bảo công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ, không bị thất thoát và không bị sử dụng sai mục đích”, Chánh văn phòng Quỹ BTĐBTW khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết tính đến hết ngày 30/4, Tổng cục ĐBVN đã tổ chức quản lý, bảo dưỡng trên 21.000 km đường QL và trên 730Km đường cao tốc; 5.869 cầu, 5 hầm đường bộ và 8 phà cơ bản đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.

“Tổng cục đã hoàn thành 33% và bằng 1/3 khối lượng bảo dưỡng cả năm 2016. Các đơn vị đã lập giá sản phẩm công ích bảo dưỡng đối với các tuyến mới nhận bàn giao từ các dự án xây dựng cơ bản và tiếp tục công tác đấu thầu”, ông Huyện nhấn mạnh.

Cũng theo Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, tổng khối lượng và giá trị đã thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất đạt 3968,35 tỷ/tổng mức đầu tư duyệt 6863,9 tỷ và bằng 58% so với tổng mức vốn duyệt trong kế hoạch bảo trì cả năm.

Không có chuyện phí chồng phí

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng các tuyến đường QL đặc biệt là QL1 đã được nâng cấp, chất lượng tốt tuy nhiên vẫn còn cầu yếu dẫn đến xe không lưu thông được bình thường trên tuyến này, trong đó theo các lái xe phản ánh khu vực miền Trung cầu yếu vẫn còn.

“Đồng thời hiện nay có tình trạng phí chồng phí, đặc biệt trên các tuyến QL vừa phải và ngắn. Các xe đã phải nộp phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện nhưng chạy trên đường BOT vẫn phải trả tiền. Cụ thể những xe chạy theo tuyến cố định, ví dụ như xe chạy Hà Nội – Thái Bình phải qua 4 trạm thu phí hay Hà Nội – Hải phòng phải trả 2 lần phí”, ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.

Trước vấn đề Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đặt ra, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khằng định không có chuyện phí chồng phí. Điều này đã được giải thích nhiều lần không chỉ với hiệp hội mà còn với cả các cơ quan báo chí

“Quỹ Bảo trì đường bộ không sử dụng cho các dự án BOT, còn phương tiện đi vào đường BOT phải trả phí nên không có chuyện phí chồng phí. Hiện cả nước đang có khoảng 50 trạm thu phí, trong đó số phí thu qua các trạm BOT chỉ chiếm khoảng 1/10 so với số thu tại các trạm”, Thứ trưởng cho biết.

Còn về vấn đề chất lượng đường được nang cao những vẫn còn cầu yếu, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định QL1 không còn cầu yếu. Các tuyến đường khác cũng cơ bản không còn cầu yếu. Cả nước có 5.800 cầu, giờ chỉ còn hơn 800 cầu phải cắm biển hạn chế tải trọng. Tổng cục đã in các quyển tài liệu công bố để các phương tiện có thể biết trước khi lưu hành.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa yêu cầu văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ TW tiếp tục thực hiện kiểm tra công tác thu, nộp và sử dụng phí bảo trì đường bộ; đồng thời tham mưu cho Hội đồng quản lý Quỹ TW về chương trình tổ chức tổng kết 3 năm hoạt động của Quỹ bảo trì đường bộ.

“Tổng kết 3 năm xem có vấn đề gì vướng mắc, cách thức triển khai ra sao, dùng quỹ như thế nào. Văn phòng Quỹ TW và các đơn vị liên quan chủ động làm việc với Kiểm toán nhà nước. Đồng thời các đơn vị liên quan cũng phải hết sức quan tâm đến công tác thanh, quyết toán. Đây là một biện pháp để đảm bảo chất lượng và minh bạch của Quỹ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục ĐBVN lưu ý đến tống chi phí nguồn vốn. Các đơn vị tiếp tục cộng tác trong việc thông tin, truyền thông về hoạt động của Quỹ. Để Quỹ hoạt động tốt hơn thì phải thực hiện tốt công tác minh bạch trong thu, chi Quỹ bảo trì đường bộ.

"Đừng để người dân đóng phí mà không biết phí rơi vào đâu, nằm ở chỗ nào. Thông qua báo chí để người dân chia sẻ với nhà nước, với chúng ta về vấn đề này”, Bộ trưởng khẳng định.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận