Cựu chiến binh bỏ tiền túi xây 28 cầu dân sinh ở Quảng Nam

Tác giả: Đức Tài

saosaosaosaosao
Xã hội 23/07/2022 07:49

Thấu hiểu nỗi khó khăn, hiểm nguy mà người dân vùng nông thôn khi ngày ngày phải đi qua những cây cầu tạm, xuống cấp, cựu chiến binh Nguyễn Đình Phùng (Tam Kỳ, Quảng Nam) đã tự nguyện bỏ ra gần 2 tỷ đồng để xây dựng, tu bổ, nâng cấp 28 cây cầu tại các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, TP. Tam Kỳ cho người dân đi lại.

 

Năm nay đã bước qua tuổi 75, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Đình Phùng vẫn miệt mài, lặng thầm tìm đến những vùng quê nghèo khó khảo sát những địa điểm xây cầu giúp dân

Năm nay đã bước qua tuổi 75, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Đình Phùng vẫn miệt mài, lặng thầm tìm đến những vùng quê nghèo khó khảo sát những địa điểm xây cầu giúp dân

Bỏ tiền túi xây 28 cây cầu dân sinh

Trời vừa hửng nắng, trong căn nhà ở khối phố 2, phường An Xuân (TP.Tam Kỳ), ông Phùng tất bật chuẩn bị đồ đạc dự buổi khánh thành cầu mới. Tập tễnh dắt chiếc xe máy cọc cạch ra khỏi nhà, ông bảo: "Vết thương do chiến tranh để lại trên cơ thể khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Trái gió, trở trời, cơ thể đau ê ẩm. Nhờ tập luyện thể dục đều đặn, nên mới giữ được sức khỏe ổn định".

Dứt lời, ông ngồi lên xe, nổ máy dẫn chúng tôi cây cầu dân sinh mang tên Phùng Hiệp 28 tại xã Tam Dân (huyện Phú Ninh) vừa mới xây dựng. Ông kể, khu vực này trước đây có một cái cống thoát nước, mặt đường hư hỏng, không bằng phẳng nên người đi đường thường xuyên gặp TNGT. Nhận được phản ánh của người dân, ông quyết định xin ý kiến chính quyền xã xây dựng cầu nhằm tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Bà Huỳnh Thị Ngọc (72 tuổi, trú thôn Đàn Trung) cho hay, từ ngày biết ông Phùng xây cầu, người dân ai nấy đều phấn khởi. Trước đây, khi xây dựng con đường có một đoạn bị xụp xuống, mặt đường đứt gãy. “Ở vị trí này, phải có cả 100 người bị té ngã, một số người bị gãy chân, gãy tay, nằm bệnh viện cả tháng trời, phương tiện thì hư hỏng nặng. Giờ được bác Phùng làm cho cái cầu tại đây bà con chúng tôi mừng lắm”, bà Ngọc nói. 

Cây cầu 'Phùng Hiệp 27' được ông Phùng xây dựng tại thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, TP. Tam kỳ.

Cây cầu 'Phùng Hiệp 27' được ông Phùng xây dựng tại thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, TP. Tam kỳ.

Ông Phùng cho biết: Cầu Phùng Hiệp 28 có chiều dài 12m, rộng 4m với kinh phí 75 triệu đồng là tiền lương của ông và tiền con trai ở TP.HCM gửi về. Đây là cây cầu thứ 5 mà ông xây dựng trong năm 2022 và là công trình thứ 28 trong hành trình xây cầu thiện nguyện của của ông. Cầu được bàn giao cho người dân thôn Đàn Trung quản lý, sử dụng.

Lý giải về việc đặt tên cầu là "Phùng Hiệp", ông cho biết "Hiệp" là một người bạn cùng ông tham gia các hoạt động thiện nguyện, còn "Phùng" chính là tên của ông.

Còn sức, còn đi xây cầu giúp dân

Năm 17 tuổi, ông tạm gác lại chuyện học tập, rời xa gia đình, quê hương tham gia lực lượng quân giải phóng, đơn vị đặc công 75A Thị đội Tam Kỳ. Sau những trận đánh lớn, tháng 5/1967 ông bị thương, tỷ lệ thương tật 61% (hạng 2/4).

Nhưng với tinh thần "tàn nhưng không phế", năm 1977 ông trở về địa phương tham gia các hoạt động và giữ nhiều chức vụ quan trọng như Thư ký, Thẩm phán, Chánh án Tòa án thị xã Tam Kỳ (nay là thành phố Tam Kỳ).

"Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội đã hy sinh, thương tật tàn phế suốt đời. Bởi vậy, tôi luôn nghĩ sống sao thật có ý nghĩa cho xứng đáng với sự hy sinh của đồng chí, đồng đội”, ông Phùng tâm sự.

Cầu Phùng Hiệp 28 chuẩn bị được đưa vào sử dụng trong ngày 27/7

Cầu Phùng Hiệp 28 chuẩn bị được đưa vào sử dụng trong ngày 27/7

Tuy tuổi đã xế chiều, sức khỏe suy giảm nhưng ông vẫn âm thầm tham gia các hoạt động từ thiện giúp đỡ người dân. Năm 2014 - 2015, gia đình ông tự bỏ tiền túi hỗ trợ mua lương thực cho đồng bào vùng cao các xã Trà Don, Trà Cang, Trà Linh (huyện Nam Trà My).

Ông kể, trong một lần về thăm quê, thấy tuyến đường qua mương nước tràn thấp hơn mặt đường, phương tiện lưu thông tốc độ cao, khi đến khu vực này dễ bị ngã đổ. Hỏi ra mới biết, ở vị trí này từng xảy ra nhiều vụ TNGT, có 2 người tử vong, 21 người bị thương, nhiều phương tiện hư hỏng nặng. “Thấu hiểu nỗi khó khăn, hiểm nguy mà người dân đối mặt, tôi quyết định chuyển sang xây cầu dân sinh miễn phí cho những vùng quê nghèo”, ông Phùng nói. 

Cây cầu đầu tiên ông xây dựng có tên “Phùng Hiệp 01” tại phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ. Cầu sau khi được hoàn thành, người dân đi lại thuận lợi, chính quyền và nhân dân đồng tình, hưởng ứng. "Mỗi khi cầu xây xong lại nhận được những lời cảm ơn của người dân, lãnh đạo chính quyền địa phương, đó chính là niềm vui, động lực thôi thúc tôi và gia đình tiếp tục công việc xây cầu hỗ trợ bà con”, ông Phùng tâm sự.

Thợ xây gấp rút hoàn thiện cây cầu Phùng Hiệp 28

Thợ xây gấp rút hoàn thiện cây cầu Phùng Hiệp 28

Cứ thế, ròng rã từ năm 2016 đến nay, ông cùng gia đình đã xây được 28 cây cầu (ước tính mỗi cây cầu chi phí khoảng 65 triệu đồng), làm được 150m đường bê tông, chiều rộng 3m tại các huyện Núi Thành, TP.Tam Kỳ, huyện Phú Ninh, huyện Tiên Phước. Tổng số tiền ông Phùng bỏ ra để xây cầu, làm đường cho người dân đã gần 2 tỷ đồng.

Đến nay, bước qua tuổi 75, sức khỏe suy giảm, nhưng ông chưa bao giờ nghĩ đến việc dừng xây cầu giúp người dân. Không ngại trời nắng gắt, ông vẫn thường xuyên có mặt ở những điểm xây cầu để động viên tinh thần các anh em đang thi công, kiểm tra chất lượng từng cây cầu đã được đưa vào sử dụng.  “Lúc nào hết tiền, hết sức thì sẽ thôi xây cầu. Tuổi cũng lớn rồi, không biết lúc nào nằm xuống, giờ còn giúp được gì thì mình vẫn cố gắng giúp thôi”, ông Phùng cười hiền.

Ông Nguyễn Anh Quốc - Bí thư chi bộ thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ bày tỏ: "Thời gian qua, do thời tiết mưa bão làm một số cầu cống, đường xá ở thôn bị hư hỏng, ảnh hưởng đến việc đi lại, sản xuất của bà con nhân dân. Được chú Phùng đầu tư xây dựng cho 2 cây cầu dân sinh, chính quyền, người dân thôn Ngọc Mỹ hết sức vui mừng".

Cầu Phùng Hiệp 28 có chi phí xây dựng gần 75 triệu đồng

Cầu Phùng Hiệp 28 có chi phí xây dựng gần 75 triệu đồng

Bà Huỳnh Thị Thu (vợ ông Phùng) cho biết, hai vợ chồng bà làm từ thiện từ năm 2014, mỗi tháng nhận được hơn 15 triệu đồng lương hưu, nhưng vẫn cố gắng tiết kiệm, tích góp để cùng với các con xây cầu cho dân và hỗ trợ những suất quà cho người nghèo, các em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. 

“Mỗi lần thấy chồng đi khảo sát cầu mà lo. Ông nhà lớn tuổi, sức khỏe lại yếu, đặc biệt đi lại khó khăn do vết thương của chiến tranh. Những thương chồng, thương người dân vùng quê đi lại khó khăn nên tôi cũng động viên ông ấy cố gắng”, giọng bà Thu trầm ấm.

Cầu mới an toàn, thay đổi diện mạo giao thông nông thôn

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Chủ tịch UBND xã Tam Dân cho biết, trong những năm qua, chính quyền địa phương luôn quan đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với nguồn lực còn hạn hẹp, hiện còn rất nhiều cây cầu vẫn chưa được đầu tư xây dựng, khiến hạ tầng giao thông nông thôn chưa đồng bộ, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn.

"Thời gian qua, chú Phùng và gia đình đã tự nguyện bỏ tiền cá nhân xây dựng 9 cây cầu ở địa phương. Đây là việc làm ý nghĩa, nhân văn cao cả, không chỉ có hiệu quả thiết thực giúp việc đi lại, sản xuất của người dân được thuận lợi hơn, mà còn góp sức thay đổi diện mạo vùng thôn quê, đồng bộ hạ tầng giao thông vùng nông thôn xã Tam Dân", bà Hằng chia sẻ. 

>>>Video làm cầu Phùng Hiệp 28 tại thôn Đàn Trung, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, Quảng Nam

 >>> Một số hình ảnh cầu dân sinh được ông Phùng xây dựng từ năm 2016 đến nay: 

Thợ xây thi công cầu Phùng Hiệp 28 tại thôn Đàn Trung, xã Tam Dân để chuẩn bị đưa vào sử dụng dịp 27/7

Thợ xây thi công cầu Phùng Hiệp 28 tại thôn Đàn Trung, xã Tam Dân để chuẩn bị đưa vào sử dụng dịp 27/7

Cầu Phùng Hiệp 25 được xây dựng tại thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, TP. Tam kỳ.

Cầu Phùng Hiệp 25 được xây dựng tại thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, TP. Tam kỳ.

Cầu Phùng Hiệp 17 được ông Phùng xây dựng với chi phí 65 triệu đồng

Cầu Phùng Hiệp 17 được ông Phùng xây dựng với chi phí 65 triệu đồng

Cầu Phùng Hiệp 26 được đưa vào sử dụng vào ngày 30/4

Cầu Phùng Hiệp 26 được đưa vào sử dụng vào ngày 30/4

Ý kiến của bạn

Bình luận