Đảm bảo TTATGT sau giãn cách xã hội và nghỉ Lễ 30/4 -1/5

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
24/04/2020 14:22

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo TTATGT hiệu quả sau khi kết thúc giãn cách xã hội và bước vào nghỉ Lễ 30/4 và 1/5.

IMG_2185
Đảm bảo TTAGT là trách nhiệm của toàn xã hội

Đợt nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 năm nay diễn ra trong thời điểm cả nước tiếp tục thực hiện lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Với những kết quả tích cực của công tác phòng chống dịch bệnh, các biện pháp cách ly từng bước được điều chỉnh phù hợp để dần đưa các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội trở lại trạng thái bình thường, tâm lý người dân ngày càng vui mừng, phấn khởi. Vì vậy, nhu cầu giao thông trong thời gian trước, trong và sau dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 sẽ gia tăng cao hơn nhiều so với thời gian cách ly xã hội, mật độ phương tiện giao thông, tần suất của hoạt động vận tải cũng được nâng dần.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện chỉ đạo về việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, ATGT (TTATGT) trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5.

Theo nội dung Công điện, để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo TTATGT đợt nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 (từ 30/4 đến hết ngày 03/5), đặc biệt là tiếp tục bảo đảm thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan: Công an, GTVT, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức chính trị xã hội, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo và thực hiện tốt các nội dung, biện pháp cụ thể, hiệu quả và đồng bộ.

Trong đó, các cơ quan, đơn vị phải có phương án vận tải phù hợp, tuân thủ quy định phòng chống dịch, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ Lễ, nhất là trên các tuyến kết nối TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với các địa phương và đầu mối giao thông lớn; yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ quy tắc giao thông và các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông, đặc biệt là cần thường xuyên kiểm tra, ngăn ngừa lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý, chở quá số người, tăng giá vé trái quy định; tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại các đầu mối giao thông trọng điểm (cảng hàng không, nhà ga, bến xe..).

Cùng với đó, phải tiếp tục duy trì nghiêm, hiệu quả việc kết hợp phòng chống dịch bệnh gắn với tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, ùn tắc giao thông như vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý; chạy quá tốc độ quy định, vi phạm tín hiệu giao thông; đi không đúng phần đường, làn đường; sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện cơ giới; chở quá số người quy định; dừng, đỗ không đúng nơi quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy.

“Có phương án ngăn chặn, xử lý, trấn áp hiệu quả hành vi tụ tập đua xe trái phép, nhất là tại các đô thị; đẩy mạnh kiểm tra an toàn giao thông tại bến khách ngang sông, bến tàu chở khách du lịch và sử dụng phương tiện nhỏ, thô sơ chở người hoạt động trên đường thuỷ; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn hàng không”, Công điện của Thủ tướng nêu rõ.

2027509-1579849538170614435128-crop-15798495441454
Lực lượng chức năng cần tiếp tục tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, ùn tắc giao thông như vi phạm về nồng độ cồn,...

Mặt khác, các cơ quan chức năng phải có phương án tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, hướng dẫn phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt; có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn đặc biệt là trên các tuyến giao thông trọng điểm, các khu vực có nguy cơ ùn tắc cao, các khu du lịch; tăng cường các biện pháp bảo đảm ATGT tại điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt và các nút giao giữa đường phụ ra đường chính; bố trí lực lượng kịp thời giải tỏa khi xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, không để phát sinh ùn tắc kéo dài, nhất là trong ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ Lễ trên các tuyến trục chính ra vào trung tâm TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các tuyến kết nối với các đầu mối giao thông trọng điểm (nhà ga, sân bay, bến cảng,…).

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT và các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 cũng cần phải được đẩy mạnh để nâng cao ý thức của người dân, không lái xe khi đã uống rượu bia, sử dụng chất ma túy; không lái xe vượt quá tốc độ; không sử dụng điện thoại khi lái xe; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; các biện pháp hạn chế tai nạn xe mô tô, xe gắn máy, tai nạn đắm đò, tai nạn đường ngang đường sắt.

Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan hữu quan phải thông báo số điện thoại đường dây nóng về vận tải và ATGT trên phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận, phối hợp giải quyết kịp thời các ý kiến phản ánh của cơ quan, đơn vị và người dân trong dịp nghỉ lễ.

“Các bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình TTATGT trong 4 ngày nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 về Ủy ban ATGT Quốc gia trước 15 giờ ngày 03/5 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Ý kiến của bạn

Bình luận