Dấu ấn “số hóa” công tác đảm bảo ATGT đường thủy nội địa

Tác giả: Hiền Thanh

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 28/04/2021 08:09

Có thể khẳng định, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý hoạt động đường thủy nội địa không chỉ nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi mà còn góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và bảo đảm trật tự ATGT những năm gần đây.

 

20210328_115352
 

Ứng dụng CNTT được xác định có vai trò quan trọng đối với công tác quản lý và phát triển ngành GTVT, do vậy, những năm gần đây Cục ĐTNĐ Việt Nam đã nỗ lực đột phá về ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý điều hành và đảm bảo trật tự ATGT. Đến nay, hầu hết các chức năng, nhiệm vụ thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam đã được tin học hóa, số hóa với mục tiêu toàn bộ công tác quản lý điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp đều thực hiện trên môi trường mạng, 100% dữ liệu được chuyển đổi số, công tác quản lý toàn diện hơn và khai thác vận tải thủy được tối ưu và hiệu quả hơn. Chỉ tính trong giai đoạn 2017 - 2019, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã ưu tiên triển khai thực hiện thí điểm ứng dụng CNTT vào công tác quản lý hạ tầng đường thủy quốc gia, nhằm hiện đại hóa quản lý và giảm chi phí quản lý bảo trì thường xuyên. Cụ thể, ngành đã triển khai lắp 2.556 đèn trên phao gắn thiết bị định vị GPS; lắp 63 trạm đo mực nước tự động, 50 vị trí điều tiết giao thông lắp camera; nghiên cứu ứng dụng xây dựng bản đồ số hạ tầng đường thủy và đầu tư hệ thống Trung tâm Giám sát ATGT để quản lý tập trung hệ thống phao, đèn tín hiệu. Ngoài ra, Cục cũng thí điểm lắp đặt hệ thống thiết bị cảnh báo tàu thuyền tự động tại một số cầu vượt sông, thử nghiệm phao vật liệu nhựa PE thay thế cho phao sắt.


Trước khi ứng dụng CNTT, mỗi trạm đo mực nước phải bố trí 3 ca trực cán bộ, ghi chép về mực nước thủ công vào sổ sách. Vì vậy, thông tin về mực nước luôn bị cũ và thiếu phù hợp với thực tế. Công nghệ đo mực nước mới đã thực sự chuyển hóa toàn bộ nghiệp vụ này khi tự động hóa tất cả hệ thống đo, cung cấp thông tin trực tuyến kịp thời và chính xác cho người dân và doanh nghiệp. Thông tin được cập nhật đầy đủ trên hệ thống phần mềm như vị trí, mực nước cao nhất, thấp nhất.

Theo đánh giá của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 5 năm (2016 -2020), tình hình TTATGT trên phạm vi cả nước đã có những chuyển biến tích cực. Số vụ TNGT giảm 42,71%, số người chết giảm 19,01% và số người bị thương giảm 53,91%. Đặc biệt, năm 2020, đã giảm trên 10% số vụ, số người chết, số người bị thương. Tuy nhiên, tình hình TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra liên quan đến xe kinh doanh vận tải. Cùng với đó, TNGT đường thủy tăng cao về số vụ, số người chết. Riêng trong năm 2020, lĩnh vực ĐTNĐ đã xảy ra 59 vụ TNGT, làm chết 43 người, làm bị thương 7 người. So với năm 2019 tăng 4 vụ (7,27%), tăng 19 người chết (79,17%), giảm 1 người bị thương (-12,5%).

Đi kèm với đó, hệ thống đèn báo hiệu năng lượng mặt trời lắp đặt GPS cũng giúp công tác quản lý, giám sát trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả rất cao với hệ thống phao, báo hiệu đã được “số hóa” trên phần mềm. Đèn báo hiệu trên phao có gắn hệ thống giám sát tình trạng hoạt động và cảnh báo dời vị trí, cảnh báo về các tính năng hỗ trợ cảnh báo giao thông. Khi có bất kỳ hiện tượng bất thường nào, hệ thống sẽ tự động báo về Cục ĐTNĐ Việt Nam để xử lý. Nhờ đó, cơ quan quản lý có thể kiểm tra, giám sát các hoạt động trong hệ thống kết cấu hạ tầng ở bất cứ đâu bằng máy tính, thậm chí là sử dụng điện thoại di động cũng có thể đăng nhập vào hệ thống theo dõi.

Những năm qua, ngành ĐTNĐ đã triển khai nhiều nghiên cứu về các chế độ luồng lạch, thủy văn, thủy triều và các quy phạm kỹ thuật; nghiên cứu kỹ thuật chỉnh trị, khai thác sông, ứng dụng vào việc xây dựng kè trên đoạn sông khu vực Hà Nội, sông Đuống, sông Luộc và chống sa bồi cho cảng Hà Nội; xây dựng thủy đồ điện tử cho 3 tuyến sông gồm: sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Cỏ, dự kiến sẽ triển khai tiếp các tuyến sông phía Bắc như sông Hồng, sông Kinh Thầy.

Với những ứng dụng hiện đại, thủy đồ điện tử có thể cập nhật thường xuyên và chính xác các thông tin về luồng, tuyến, tọa độ và các chi tiết liên quan đến an toàn chạy tàu như: độ sâu; vị trí phao tiêu, báo hiệu; công trình vượt sông; các điểm khan cạn, chướng ngại vật... Việc kết hợp bản đồ điện tử với những thiết bị định vị GPS, AIS mang lại nhiều tiện ích, nhất là tăng cường ATGT ĐTNĐ.

20210328_115154
 

Nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại nổi bật khác có thể kể đến như: Hệ thống camera trực tuyến đếm lượt phương tiện tại các vị trí trọng điểm; lắp đặt trên các phương tiện triển khai hoạt động nạo vét đảm bảo giao thông luồng lạch; hệ thống trạm thu tín hiệu AIS, thu tín hiệu về phương tiện và hành trình, phục vụ công tác quản lý chuyên ngành; áp dụng thiết bị cảnh báo an toàn cho phương tiện khi lưu thông qua cầu; triển khai phần mềm quản lý bảo trì ĐTNĐ trên điện thoại di động... Cùng với đó là các nghiên cứu ứng dụng công nghệ và vật liệu mới điển hình như: chế thử và ứng dụng chất dẻo HDPE, composite vào sản xuất báo hiệu; báo hiệu bờ và báo hiệu cầu sử dụng công nghệ mạ kẽm nhúng nóng, đồng thời sơn phản quang báo biển báo hiệu trong đóng tàu kiểm tra, tàu công tác bằng nhựa PVE.

Hệ thống báo cáo trực tuyến hoạt động vận tải và ATGT đã và đang được áp dụng như: Phần mềm báo cáo trực tuyến hoạt động vận tải và ATGT để thống kê số liệu về ATGT, số liệu vận tải, lưu lượng hành khách và phương tiện... được thực hiện qua trang web online, dữ liệu báo cáo được lưu trữ tập trung tại Cục ĐTNĐ Việt Nam, giúp cho việc thống kê dữ liệu được thực hiện tức thời mọi lúc mọi nơi, qua đó giúp cho nhà quản lý đưa ra những phương án chính xác đảm bảo giao thông và lên kế hoạch giảm thiểu tai nạn, tuyên truyền ATGT... Đặc biệt, Cục ĐTNĐ Việt Nam hiện đã xây dựng hệ thống giám sát, tổ chức giao thông trực tuyến tại Cục và các đơn vị trực thuộc, giám sát 24/24h các diễn biến luồng lạch, mực nước, hoạt động vận tải, quản lý phương tiện, hoạt động cảng, bến thủy, hoạt động nạo vét. Cùng với đó, phần mềm quản lý vi phạm giao thông ĐTNĐ (VIWA Alert) trên điện thoại di động cung cấp miễn phí để người dân dễ dàng phản ánh bất cập và hành vi vi phạm xảy ra trên luồng tuyến, cảng bến và vận tải thủy để kịp thời tháo gỡ vướng mắc mà người dân, doanh nghiệp gặp phải.

Ý kiến của bạn

Bình luận