Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Đường sắt

Tác giả: Minh Phương

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 08/01/2021 21:37

Chỉ có tái cơ cấu ngành Đường sắt mới vượt qua khó khăn để phát triển xứng tầm với vị thế của một đơn vị có bề dầy truyền thống.

1.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Khó khăn chồng chất khó khăn

Ngày 8/1, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã tổ chức Hội nghị Triển khai Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN Vũ Anh Minh, Tổng Giám đốc Tổng công ty ĐSVN Đặng Sỹ Mạnh…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng thời gian qua, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng đường sắt có sự tăng trưởng nhưng không được nhiều, chủ yếu để duy trì chạy tàu, bảo trì kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, Đường sắt vẫn tồn tại những khó khăn nội tại như hạ tầng còn yếu, không thể làm một sớm một chiều; bộ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về định mức kinh tế kỹ thuật bảo trì đầu tư hạ tầng đường sắt lạc hậu, tái cơ cấu bộ máy Tổng công ty chậm...

5.
Bà Nguyễn Thị Phú Hà – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị

Bà Nguyễn Thị Phú Hà – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho rằng, chưa năm nào ngành Đường sắt khó khăn như năm nay khi phải liên tiếp gánh chịu những hậu quả nặng nề từ dịch Covid-19 và thiên tai ở miền Trung. Nếu như năm trước doanh thu giảm nhưng vẫn có lãi thì năm nay Tổng công ty phải chịu lỗ. Mặc dù vậy, Tổng công ty đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, xây dựng các kế hoạch, phát triển đoàn tàu để đẩy mạnh vận tải hàng hóa, công tác bảo trì, bảo dưỡng hệ thống chạy tàu đạt kết quả tốt… Đây là những “điểm sáng” thể hiện nỗ lực không ngừng nghỉ của người lao động toàn ngành.

Trong năm 2021, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp mong muốn lãnh đạo Tổng công ty nhanh chóng đưa ra các giải pháp ổn định thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, các Bộ, ban, ngành cần xét xét, bổ sung những chính sách hỗ trợ Tổng công ty ĐSVN nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển của ngành Đường sắt.

2.
Ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN khẳng định, năm 2020 là năm khó khăn nhất trong lịch sử xây dựng và trưởng thành của ngành Đường sắt

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN khẳng định, năm 2020 là năm khó khăn nhất trong lịch sử xây dựng và trưởng thành của ngành Đường sắt nói chung và Tổng công ty ĐSVN nói riêng. Tuy đã có những phương án dự báo về tình hình dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 nhưng thời điểm đó chúng ta không thể ngờ rằng nó lại ảnh hưởng nặng nề đến vậy đối với nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngành GTVT là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất. Bên cạnh đó, bão lũ năm 2020 tuy không thiệt hại trực tiếp về hạ tầng như những năm trước nhưng lại gây thiệt hại gián tiếp rất lớn đến hoạt động vận tải – nguồn thu lớn nhất của Tổng công ty. Mặc dù khối hạ tầng vẫn đạt 100% kế hoạch về bảo trì, hoạt động sản xuất kinh doanh ngoài bảo trì vẫn vượt 100% kế hoạch nhưng tổng doanh thu Công ty Mẹ chỉ đạt 81,6% so với kế hoạch do sự sụt giảm “thê thảm” của doanh thu vận tải.

“Chúng ta đều biết rõ ngành Đường sắt đang phải đối diện với điều gì. Dịch bệnh sẽ kết thúc, bão lũ có thể vẫn sẽ lặp lại, việc triển khai gói 7.000 tỷ sẽ kết thúc và chúng ta sẽ có hạ tầng tốt hơn để có thể nâng cao năng lực thông qua của vận tải, những điều ấy rồi cũng sẽ qua, chúng ta có thể chủ động lường trước và hi vọng. Tuy nhiên, cơ chế chính sách là một tồn tại mà chúng ta không biết bao giờ sẽ qua đi.” - ông Vũ Anh Minh nhận định về khó khăn lớn nhất ngành Đường sắt đang phải đối diện. “Nếu không nhanh chóng tái cơ cấu mạnh mẽ, mọi nỗ lực của biết bao thế hệ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ trở về con số không.

Đoàn kết vượt khó 

Năm 2020, sản lượng toàn Tổng công ty đạt trên 6,8 nghìn tỷ đồng, bằng 79% so với cùng kỳ. Doanh thu đạt hơn 6,5 tỷ đồng, bằng 78,3% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân người lao động đạt 8,27 triệu đồng/người/tháng. Khối Vận tải, Công nghiệp sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch, thiên tai. Trong khi đó, Khối Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng vẫn trên đà tăng trưởng (doanh thu bằng 103,6% so với cùng kỳ và đạt 104% kế hoạch); các công ty cổ phần xây lắp tiếp tục tăng trưởng (doanh thu bằng 176,5% so với cùng kỳ).

Để khắc phục khó khăn của vận tải, Tổng công ty đã chỉ đạo các công ty vận tải thường xuyên theo dõi diễn biến dịch để lập tàu phù hợp, đảm bảo duy trì sản xuất nhưng vẫn kiểm soát dịch; tăng cường cho ra mắt các gói kích cầu du lịch, giảm giá vé sau mỗi đợt bãi bỏ tình trạng giãn cách xã hội nhằm thu hút hành khách. Khi xảy ra mưa lũ tại miền Trung, phải dừng chạy tàu, đã thực hiện chuyển tải hành khách, hàng hóa đảm bảo an toàn mọi mặt.

Bên cạnh đó, Tổng công ty tổ chức thêm các đoàn tàu hàng bù vào phần năng lực chạy tàu dư thừa do tàu khách bị cắt giảm; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành vận tải hàng hóa để nâng cao hiệu quả vận tải, tiết kiệm chi phí; kịp thời đầu tư và đưa vào khai thác các toa xe hành lý mới; đẩy mạnh khai thác các đoàn tàu liên vận quốc tế….

Cùng với đó, ATGT đường sắt tiếp tục giảm được cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Trong năm đã xảy ra 173 vụ TNGT đường sắt, giảm 84 vụ (-32,7%). Trong đó, 07 vụ do nguyên nhân chủ quan, giảm 03 vụ (-30%); 247 vụ do nguyên nhân khách quan, giảm 81 vụ (-32,8%). Số người chết là 83 người, giảm 27 người (-24,5%); số người bị thương là 96 người, giảm 84 người (-46,7%). Ngành đã 174 lần trả lại tài sản cho hành khách bỏ quên trên tàu, dưới ga.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng tập thể ngành đường sắt vẫn giữ vững tinh thần, phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và mục tiêu kinh doanh giai đoạn 2021-2025 do đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lần thứ XII đề ra.

Đánh giá cao nỗ lực và thành tích của Tổng công ty ĐSVN, Chính phủ đã tặng Cờ thi đua cho 02 đơn vị, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đã trao Cờ thi đua cho 07 đơn vị thuộc Tổng công ty. Nhân dịp này, Tổng công ty cũng trao tặng Giải thưởng Đơn vị dẫn đầu thi đua năm 2020 cho 09 đơn vị và Cờ chuyên đề cho 04 đơn vị thuộc Tổng công ty, 15 đơn vị được tặng giải thưởng đơn vị tiên tiến của Tổng công ty.

3.
Đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp trao Cờ thi đua cho 07 đơn vị thuộc Tổng công ty

 

4.
Tổng công ty trao tặng Giải thưởng Đơn vị dẫn đầu thi đua năm 2020 cho 09 đơn vị
Ý kiến của bạn

Bình luận