Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đảm bảo ATGT trên tuyến cao tốc

Tác giả: Thúy Hằng

saosaosaosaosao
Ứng dụng 27/09/2016 05:50

Từ nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương với tổng mức đầu tư trên 51,3 tỷ đồng, Tổng cục ĐBVN được giao làm chủ đầu tư Dự án thí điểm hệ thống giám sát, xử lý vi phạm đảm bảo TTATGT trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Nội Bài - Phú Thọ (Km0+00 - Km54+640).

20151203_145853

Trao đổi với Tạp chí GTVT, bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, với mục tiêu làm cơ sở thực nghiệm, hoàn thiện cơ chế, chính sách cần thiết để thúc đẩy các nhà đầu tư, các doanh nghiệp công nghệ thông tin triển khai các dự án đầu tư xây dựng phần mềm hệ thống giám sát xử lý vi phạm TTATGT đường bộ. Trên cơ sở hồ sơ do FPT lập, Tổng cục ĐBVN đã trình Bộ GTVT phê duyệt bổ sung hạng mục thí điểm hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT theo mô hình xã hội hóa trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Nội Bài - Phú Thọ (Km0+00 - Km54+640) với tổng mức đầu tư là 51.314.445 triệu đồng, tiến độ thực hiện trong năm 2015.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã yêu cầu nguồn vốn thực hiện các dự án thí điểm hệ thống giám sát xử lý vi phạm đảm bảo TTATGT trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Nội Bài - Phú Thọ trước mắt giao Tổng cục ĐBVN sử dụng nguồn kinh phí của Tổng cục để triển khai thực hiện, sau đó sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sử dụng các nguồn kinh phí khác; thống nhất chuyển giao chủ đầu tư từ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sang Tổng cục ĐBVN để ký hợp đồng với FPT thực hiện dự án thí điểm đầu tư hệ thống giám sát xử lý vi phạm bảo đảm TTATGT đoạn tuyến Nội Bài - Phú Thọ. Trên cơ sở đó, Tổng cục ĐBVN đã trình Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Dự án thí điểm hệ thống giám sát, xử lý vi phạm đảm bảo TTATGT trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Nội Bài - Phú Thọ (Km0+00 - Km54+640), đồng thời giao Tổng cục ĐBVN làm chủ đầu tư dự án với nguồn vốn thực hiện Dự án từ nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương.

Cũng theo bà Hiền, đến thời điểm hiện tại, FPT đã tự ứng kinh phí triển khai thí điểm một phần hệ thống theo quy mô được duyệt bao gồm đã lắp đặt 13/42 camera tại 6 vị trí trên tuyến trên tổng số 42 camera tại 22 vị trí trên tuyến, gồm 4 camera tự động phát hiện và ghi hình hành vi vi phạm điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường trên cầu Sông Lô; 9 camera tự động phát hiện và ghi hình hành vi vi phạm dừng, đỗ sai quy định tại 5 vị trí bao gồm: Km14+140, Km39+695, Km54+160, Km55+100, Km114; đã lắp đặt 7 camera tại 3 trạm thu phí kiểm soát toàn bộ các phương tiện ra vào đường cao tốc, tự động cảnh báo các phương tiện vi phạm tại Trạm thu phí Km6, nút giao IC8, Trạm thu phí Km237 trên tổng số 16 camera tại 6 trạm thu phí; lắp đặt 2 máy đo tốc độ tự động có ghi hình; lắp đặt thiết bị WiFi Outdoor và trang bị máy tính xách tay phục vụ xử lý vi phạm cho tổ tuần tra kiểm soát; triển khai lắp đặt hoàn thiện một phần hệ thống phần cứng, phần mềm tại Trung tâm Điều hành đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, kết nối với Trung tâm Thông tin chỉ huy tại Cục CSGT.

Theo tính toán ban đầu, sau khi Dự án đưa vào sử dụng, mỗi năm cần 11,757 tỷ đồng cho vận hành duy trì hệ thống. Trong năm đầu tiên khai thác, FPT là đơn vị thực hiện công việc bảo trì, bảo dưỡng để tính toán xác định các chi phí cần thiết, từ đó làm cơ sở xây dựng các định mức liên quan và nghiên cứu đề xuất cơ chế nguồn vốn phục vụ bảo trì cho phù hợp.

Trong quá trình triển khai thí điểm một phần hệ thống của dự án, FPT đã phối hợp chặt chẽ với Cục CSGT (C67). Đến ngày 29/8 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng thẩm định (Bộ Công an) đã ký văn bản số 2520/HĐTĐ-H41 báo cáo và đề xuất lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt phần mềm hệ thống giám sát xử lý vi phạm TTATGT đường bộ của dự án để thí điểm xử phạt 60 ngày.

Trong thời gian thí điểm, Cục CSGT chỉ đạo việc hoàn thiện các yêu cầu nghiệp vụ; kế hoạch sử dụng hệ thống kết hợp với công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; kế hoạch tập huấn; quy chế vận hành, phối hợp, đồng thời tạo điều kiện để chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý và nhà thầu hiệu chỉnh, hoàn thiện phần mềm theo ý kiến của C67, Tổ chuyên gia, Hội đồng thẩm định. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Hội đồng thẩm định Bộ Công an đã chấp nhận phần mềm hệ thống giám sát xử lý vi phạm TTATGT đường bộ của Dự án và kiến nghị Bộ Công an cho phép đưa vào sử dụng thí điểm. Tuy nhiên, Dự án chưa được bố trí kế hoạch vốn năm 2016 từ nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương nên chưa đủ điều kiện để Tổng cục ĐBVN triển khai các thủ tục pháp lý lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng theo quy định.

Đối với tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Tổng cục ĐBVN đã có tờ trình về việc việc phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án thí điểm hệ thống giám sát, xử lý vi phạm bảo đảm TTATGT trên tuyến, đồng thời kiến nghị Bộ GTVT xem xét việc cho Công ty TNHH MTV Hanel lùi thời gian thực hiện dự án thí điểm nêu trên cho đến khi có kế hoạch vốn giao. Đồng thời, Tổng cục ĐBVN kiến nghị Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương bố trí nguồn vốn cho dự án trong năm 2016, làm cơ sở triển khai các thủ tục pháp lý đủ điều kiện triển khai dự án theo chỉ đạo của Bộ GTVT

Ý kiến của bạn

Bình luận