Đề nghị thanh tra toàn diện hoạt động vận tải thủy sau vụ chìm canô

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Bạn đọc 06/03/2022 09:38

Cục Đường thủy nội địa đề nghị Bộ GTVT cho thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra toàn diện hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa.

phương tiện Phương Đông 05 bị chìm hôm 26-2 khiến
Phương tiện Phương Đông 05 bị chìm hôm 26/2 khiến 17 người chết.

7 địa phương chưa có cơ quan cảng vụ đường thủy nội địa

Liên quan đến vụ chìm canô trên biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) xảy ra hôm 26/2, Cục Đường thủy nội địa và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có báo cáo về vụ việc.

Theo báo cáo, trước thời điểm xảy ra vụ chìm canô, Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Nam đã phát nhiều tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển. Trong đó, vào lúc 16 giờ ngày 25/2 và 4 giờ ngày 26/2, đài dự báo vùng biển Quảng Nam có mưa rải rác, gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật trên cấp 6. Tầm nhìn xa trên 10 km, giảm xuống 4-10 km trong mưa; sóng biển cao 1,5 - 2,5 m; biển động. Trong khi đó, phương tiện bị nạn mang cấp VR-SB, được hoạt động trong điều kiện gió không quá cấp 5.

Cục Đường thủy nội địa cho rằng, với điều kiện thời tiết được dự báo có nơi cấp 6, giật trên cấp 6 thì người thực hiện thủ tục cần dừng việc cấp phép cho phương tiện hoạt động để bảo đảm an toàn theo quy định. Tuy nhiên, phương tiện vẫn được đơn vị thuộc xã Tân Hiệp cấp giấy phép rời bến. Đây cũng là vấn đề về trách nhiệm của người làm thủ tục và cần được xem xét để xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn.

Trong báo cáo, Cục Đường thủy nội địa đề nghị Bộ GTVT cho thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra toàn diện hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa tại các địa phương. Cục cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét công tác ủy quyền công tác quản lý nhà nước cho 7 Sở GTVT (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam) do chưa địa phương nào có cơ quan cảng vụ đường thủy nội địa để thực hiện công tác quản lý nhà nước về cảng, bến thủy nội địa.

Cần thiết có lực lượng cảng vụ tại miển Trung

Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, mạng lưới giao thông đường thủy của tỉnh Thanh Hóa rộng lớn, nhưng đến nay chưa có Cảng vụ ĐTNĐ. Do đó, công tác quản lý nhà nước chuyên ngành trên các tuyến ĐTNĐ quốc gia thiếu đi sự đồng bộ trong việc chấp hành pháp luật giao thông đường thủy và chưa đáp ứng được nhu cầu trong nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông ĐTNĐ…

“Các cảng, bến, khu neo đậu được cấp phép nhưng không có cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về ĐTNĐ dẫn đến việc chấp hành các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông ĐTNĐ và bảo vệ môi trường chưa được nghiêm túc; các thủ tục giải quyết phương tiện ra, vào bến, cảng chưa được thực hiện; nhiều phương tiện thủy cấp VR-SB vận tải vùng ven biển hoạt động tuyến vận tải phía Bắc, phía Nam ra, vào tỉnh Thanh Hóa chưa được kiểm tra, kiểm soát và cấp giấy phép vào, rời cảng, bến... gây mất an toàn giao thông ĐTNĐ”, ông Mai Xuân Liêm nhấn mạnh.

Trước đó năm 2019, Cục đường thủy nội địa Việt Nam đã đề xuất thành lập mới Chi cục Đường thủy khu vực thứ III và Cảng vụ Đường thủy khu vực thứ V, tăng thêm 1 chi cục và 1 cảng vụ so với hiện nay. Cụ thể, sẽ lập thêm cảng vụ khu vực thứ 5, đặt trụ sở tại Nghệ An và quản lý cảng, bến thủy từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hiện phần lớn đường thủy quốc gia, cảng bến thủy khu vực miền Trung và Tây Nguyên chưa có sự hiện diện, quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước về đường thủy. Trong khi đó, hiện nay tuyến vận tải ven biển bằng tàu VR-SB ngày càng phát triển, đòi hỏi thiết lập sự quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo giao thông thủy phát triển bền vững theo quy định pháp luật và bảo đảm trật tự ATGT, bảo vệ môi trường đường thủy.

Ý kiến của bạn

Bình luận