Điểm mới dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) khi có Luật Đảm bảo TT ATGT

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
25/09/2020 13:27

Trên cơ sở tổng kết hơn 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố, cùng với thực tiễn công tác quản lý, sự chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 12/2019, Bộ GTVT xây dựng Luật GTĐB (sửa đổi) thay thế Luật GTĐB năm 2008 với mục tiêu giải quyết những bất cập trong Luật GTĐB năm 2008. Cùng thời điểm, Bộ Công an cũng trình Chính phủ dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ với nhiều quy định liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX), vốn đang được điều chỉnh tại Luật GTĐB.


 

maxresdefault (1)
Đào tạo, sát hạch lái xe sẽ có nhiều điểm mới trong các dự thảo luật

Làm rõ trách nhiệm tổ chức, quản lý vận hành khai thác và bảo trì hệ thống đường bộ

Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có Tờ trình số 394/TTr-CP về Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) gửi Quốc hội. Theo đó, so với Luật GTĐB năm 2008, Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh.

Về những quy định chung, Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) có một số điểm mới như sau: Bổ sung các khái niệm mới như: đường giao thông nông thôn; đường địa phương; làn đường xe chạy; làn ngoài cùng; làn trong cùng; phương tiện giao thông thông minh, phương tiện công nghệ mới; phương tiện đa tính năng; giao thông công cộng; bổ sung quy định về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu GTĐB phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Về kết cấu hạ tầng GTĐB, Luật GTĐB (sửa đổi) bổ sung hệ thống đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Nghị quyết số 26/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, theo đó, đường giao thông nông thôn thuộc đường địa phương do chính quyền địa phương quản lý.

Tờ trình Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) cũng bổ sung các quy định mang tính đặc thù khi xây dựng công trình GTĐB như: phải bố trí hạng mục hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt; xây dựng đường bên dọc đường cao tốc ở đô thị; xây dựng các điểm dừng, đỗ xe trên đường có vận tải hành khách công cộng; xây dựng điểm dừng, đỗ xe đưa đón học sinh tại nơi có trường học nhằm khắc phục UTGT và nguy cơ mất ATGT tại cổng trường học.

Đặc biệt, bổ sung quy định về bảo trì đối với công trình đặc biệt khi xảy ra sự cố có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng (đường cao tốc, hầm, cầu và hầm cấp I cấp đặc biệt, hầm vượt sông, vượt biển, bến phà, cầu...).

Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) cũng quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ GTVT và UBND cấp tỉnh trong việc quy định chi tiết điều kiện, tiêu chí điều chỉnh các tuyến đường từ Trung ương thành địa phương và ngược lại, điều chỉnh các tuyến đường trong hệ thống địa phương để làm cơ sở điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB.

Xe mô tô, xe gắn máy phải kiểm soát khí thải định kỳ như ô tô

Một điểm cũng liên quan trực tiếp đến người lái mô tô, xe gắn máy là quy định mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông là phải được kiểm tra định kỳ về hệ thống xả khí thải (khoản 6, Điều 93). Dự luật nêu rõ, việc kiểm tra định kỳ khí thải xe máy sẽ do cơ quan đăng kiểm thực hiện. Điểm này khác hẳn Luật GTĐB hiện hành bởi trong luật hiện hành chỉ bắt buộc đăng kiểm định kỳ với ô tô và rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô.

Một số thói quen giao thông như bấm còi inh ỏi, bật nhạc lớn trên xe có thể bị hạn chế trong tương lai bởi khoản 6, Điều 10 của dự luật quy định người điều khiển phương tiện phải chú ý không để phương tiện của mình làm ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác như gây ra tiếng ồn, làm bụi, khói mà thực tế có thể tránh được. Đây là điểm mới so với Luật GTĐB 2008. Luật hiện hành chỉ yêu cầu không bấm còi liên tục, đảm bảo âm lượng còi và tiếng ồn, khí thải theo đúng quy chuẩn môi trường.

Đồng thời, Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi), bổ sung quy định về vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô; cơ chế, chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô; hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe 4 bánh có gắn động cơ; hoạt động kinh doanh cho thuê xe tự lái; hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô; dịch vụ cho thuê xe ô tô; sử dụng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô.

Đưa quản lý đào tạo, sát hạch lái xe ra khỏi Luật GTĐB

Cùng thời điểm này, Bộ Công an cũng trình Chính phủ dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ với nhiều quy định liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX vốn đang được điều chỉnh tại Luật GTĐB.

Điểm đáng chú ý là các quy định về quy tắc GTĐB, người điều khiển, đăng ký xe, đào tạo sát hạch, cấp GPLX sẽ không được quy định tại Dự thảo Luật GTĐB (do Bộ GTVT đã thống nhất với Bộ Công an chuyển nội dung sát hạch lái xe qua Luật Bảo đảm trật tự an toàn GTĐB - PV).

Cụ thể, từ Điều 50 đến Điều 57 Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, Bộ Công an đề xuất nhiều nội dung cơ bản như: Điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, GPLX; tuổi, sức khỏe của người lái xe; đào tạo lái xe, sát hạch lái xe; cấp, cấp lại, cấp đổi, thu hồi GPLX; điểm của GPLX, trên cơ sở xác định quản lý người lái xe là quản lý hành vi của con người, phù hợp với Công ước Viên năm 1968 về GTĐB, các điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của nhiều quốc gia tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, có thể áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Về phạm vi điều chỉnh Luật đảm bảo trật tự ATGT, Chính phủ thảo luận và thống nhất: Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ quy định các vấn đề về quy tắc giao thông; đào tạo, sát hạch và cấp GPLX; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; tổ chức ATGT và chỉ huy, điều khiển GTĐB; giải quyết ùn tắc, TNGT; các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về an toàn GTĐB.

Cũng theo tờ trình, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ còn có những nội dung mới khác như sẽ quy định 1 hạng bằng lái (hạng B) để cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ, xe ô tô tải, máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500 kg.

Trong luật này sẽ bỏ quy định bằng lái hạng E, các hạng F. Theo đó, GPLX còn 11 hạng gồm: A01, A2, A3, B, C, D2, D, BE, CE, D2E, DE.

Đáng chú ý, Chính phủ đồng ý với đề xuất quy định về điểm của GPLX. Theo đó, bằng lái sẽ được cấp 12 điểm trong 12 tháng; nếu bị trừ hết điểm trong thời hạn 6 tháng, tài xế có nhu cầu cấp lại thì phải sát hạch lại. Nếu bằng lái còn điểm thì được phục hồi 12 điểm sau 12 tháng kế tiếp

Ý kiến của bạn

Bình luận