Doanh nghiệp vận tải các tỉnh Tây Nguyên vượt khó sau giãn cách xã hội

Tác giả: Trọng Nghị

saosaosaosaosao

Sau thời gian giãn cách xã hội, để bảo đảm an toàn công tác phòng dịch trên nhiều tuyến, nhà xe ở một số tỉnh khu vực Tây Nguyên đã hoạt động bình thường trở lại. Sau đại dịch, các đơn vị vận tải gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy rất cần sự “tiếp sức” bằng những chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để “hồi sinh” sau dịch.

01
Lực lượng TTGT luôn bám sát các hoạt động vận tải sau giãn cách xã hội tại Bến xe Kon Tum

Chạy để giữ khách, giữ tuyến

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ GTVT, nhiều loại hình hoạt động vận tải trên địa bàn khu vực Tây Nguyên luôn tuân thủ nghiêm túc các giải pháp để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với hoạt động vận tải khách liên tỉnh, xe tuyến cố định (kể cả xe buýt) được phép hoạt động 100% số chuyến theo biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt. Vận tải hành khách xe hợp đồng, xe du lịch được phép hoạt động trở lại bình thường. Riêng đối với các chuyến xe đi, đến Hà Nội chỉ được phép hoạt động đến 50% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải.

Theo ông Đoàn Thế Tiến - Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Quốc (nhà xe Minh Quốc), dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp. “Hàng tháng, chúng tôi phải trả các khoản tiền như bảo hiểm, phí đường bộ, hỗ trợ thất nghiệp cho lao động, phí bến bãi, cầu đường, lãi ngân hàng… lên đến khoảng 700 triệu đồng. Chúng tôi mong sớm được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi và mong Nhà nước có chính sách khoanh nợ gốc, giảm lãi suất vay, gia hạn thời gian đóng thuế, miễn giảm phí bến bãi, phí thuê phòng vé và đóng bảo hiểm xã hội… của năm nay”, ông Tiến đề nghị.

Qua tìm hiểu, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 15 đơn vị vận tải hành khách (theo thống kê của Sở GTVT), gần 930 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chưa được nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ của Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Cọt - Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Đức Long Gia Lai, xét đề nghị miễn giảm hợp đồng của các tổ chức, cá nhân trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu đi lại của người dân giảm, tình hình sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, Công ty đã có văn bản giảm giá trị hợp đồng đối với các tổ chức, cá nhân trong tình hình dịch bệnh. Theo đó, doanh nghiệp thống nhất chia sẻ với các tổ chức, cá nhân bằng việc giảm 50% giá trị hợp đồng của tháng 3 và 100% của tháng 4 đối với các tổ chức, cá nhân ký hợp đồng với công ty (trừ một số đơn vị). Đối với Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang giảm 10% tiền thuê mặt bằng 6 tháng (tính từ tháng 3 đến tháng 8), giảm 100% giá trị hợp đồng đối với các xe buýt thời gian 02 tháng (tháng 4 và tháng 5).

Ông Trần Đăng Huy - CEO Công ty CP Đồng Hành, hãng xe limousine cao cấp chuyên kinh doanh xe hợp đồng, du lịch khu vực miền Trung và Tây Nguyên chia sẻ, tình hình các doanh nghiệp vận tải hành khách nói chung hiện nay đang vô cùng khó khăn do đây là ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 cùng nhóm với các ngành nghề khác như du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn...

Đặc điểm của kinh doanh vận tải hành khách là chi phí khấu hao tài sản lớn, hoạt động kinh doanh phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu đi lại của khách hàng, mặt khác lượng khách hàng trước, trong và sau dịch sụt giảm lớn (hơn 80%) dẫn đến nhiều doanh nghiệp không có nguồn thu trong khi các chi phí vẫn phải trả như: lãi và gốc ngân hàng, khấu hao tài sản, chi phí cố định như mặt bằng, lương cho người lao động, thuế, bảo hiểm xã hội... Mặc dù, Chính phủ có nhiều giải pháp đưa ra nhưng chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp, có gói giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận.

Ông Nguyễn Bá Hiện - chủ hãng xe Đức Thành chuyên chạy tuyến Đắk Lắk - Thái Bình cho hay, đến nay, một số ngân hàng đã tiến hành giảm lãi suất, khoanh vùng giãn nợ cho doanh nghiệp, tuy nhiên cũng có ngân hàng chưa giảm mà mới yêu cầu đơn vị làm hồ sơ. Còn việc hỗ trợ cho nhân viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì đến nay vẫn chưa có.

Dù chưa được hỗ trợ nhưng sau khi dỡ bỏ quy định về giãn cách, các doanh nghiệp vận tải hành khách đã hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên, vận tải hành khách liên tỉnh từ địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đi các tỉnh, thành trong cả nước lượng khách còn ít, chỉ bằng khoảng 50% số lượng hành khách so với trước. Vì vậy, các nhà xe cũng đã giảm bớt số tài xế và số chuyến hàng ngày, chỉ còn khoảng 70% so với trước kia. Theo các bến xe, từ khi hoạt động trở lại đến nay, có đến 50 - 60% xe không có khách hoặc chỉ có khách chạy một chiều.

“Các tuyến xe có lượng khách đông như tuyến TP. Hồ Chí Minh thì còn có khách nhưng đối với tuyến đi Huế thì lượng khách rất ít do tâm lý e ngại do dịch bệnh. Hiện nay, dù chạy chuyến nào lỗ chuyến đó nhưng chúng tôi vẫn duy trì vừa để giữ tuyến, vừa để giữ khách.

Theo bà Lê Thị Lan - Giám đốc Bến xe khách liên tỉnh Kon Tum, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn có nguy cơ nên công tác phòng dịch vẫn phải đặt lên hàng đầu. Do đó, thực hiện tốt công tác phòng dịch sẽ góp phần tạo sự yên tâm cho hành khách, từ đó giúp ngành vận tải quay trở lại hoạt động bình thường.

Sau khi các doanh nghiệp vận tải đề xuất, Sở GTVT tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk đã có văn bản đề xuất với cơ quan có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, các sở GTVT cũng đã có văn bản báo cáo và đề nghị UBND các tỉnh, Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN kiến nghị các ngành chức năng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, bến xe, đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe; đề nghị các ngân hàng thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp như giảm lãi suất với hợp đồng vay vốn hiện tại hoặc có thời gian miễn lãi, khoanh nợ, giãn nợ (cả lãi suất và tiền gốc), nới lỏng các điều khoản trả nợ...; ngành thuế, tài chính thực hiện giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp như giảm mức thuế VAT; giảm và gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế; miễn, giảm tiền thuê đất; kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuế đất sau khi dịch được kiểm soát; miễn, giảm mức thuế khoán cho các xã viên hợp tác xã; gia hạn thời gian, giãn nợ, giảm phí đóng bảo hiểm xã hội và không tính lãi phạt chậm nộp cho đến khi hết dịch; miễn, giảm phí bảo trì đường bộ cho các phương tiện vận tải hành khách...

Ý kiến của bạn

Bình luận