Đổi mới giáo dục ATGT trong trường học

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
23/09/2015 06:37

Năm học mới 2015 - 2016, các trường học sẽ được chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy về ATGT trong các chương trình học, bên cạnh những tiết chính khóa, nội dung ATGT sẽ được lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa.

Luat_an_toan_giao_thong_hoc_sinh_sinh_vien 3.jpg (
Giáo dục ATGT trong trường học

Đổi mới phương pháp giáo dục ATGT học đường

Nhận thức rõ thế hệ học sinh, sinh viên cả nước có tác động lớn đến vấn đề bảo đảm ATGT cũng như chính các em là “nút gỡ” trong công tác đẩy lùi TNGT học đường, công tác tuyên truyền về ATGT được Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp triển khai xuống từng đơn vị trường học trên địa bàn cả nước.  

Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) - Ủy viên Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, năm học 2015 - 2016, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT cũng như chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy về ATGT trong chương trình học.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường mạnh mẽ các chuỗi hoạt động sinh động, bổ ích được triển khai tới hệ thống các nhà trường như tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt lớp, chi đoàn, sân khấu hóa, lồng ghép các tiết học về pháp luật ATGT chính khóa; thông qua các hoạt động ngoại khóa, hệ thống phát thanh, tuyên truyền trên hệ thống website của các trường... Những biện pháp đó nhằm đánh vào nhận thức của thế hệ trẻ về ATGT, “mưa dầm thấm lâu” sẽ tạo thành nếp văn hóa, văn minh khi tham gia giao thông.

Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn

Trao đổi với Tạp chí GTVT, bà Nghĩa cho biết, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT tập trung vào giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn, bên cạnh những tiết học lý thuyết ở từng lĩnh vực, trong đó, yêu cầu các cơ sở cấp tiểu học tập trung hướng dẫn học sinh đi bộ trên đường an toàn, đi bộ qua đường an toàn, đi xe đạp trên đường an toàn; ngồi trên xe đạp, xe máy an toàn, chấp hành nghiêm việc đội mũ bảo hiểm; an toàn khi đi ô tô, xe buýt; hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông, hiệu lệnh và chỉ dẫn của báo hiệu đường bộ, hiệu lệnh của cảnh sát giao thông; văn hóa khi tham gia giao thông… cấp trung học, các trường học, chính quyền địa phương cần hướng dẫn học sinh về độ tuổi của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; quy định về đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, điều khiển phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện; các kỹ năng điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện an toàn; tuyên truyền cho học sinh nhận thức về tình hình TNGT, hậu quả của TNGT; chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ, tình huống khi tham gia giao thông, phòng tránh TNGT, hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông…

Hệ thống các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp tập trung phổ biến quy định về nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở khi điều khiển mô tô, xe gắn máy đối với các sinh viên; phổ biến cho sinh viên kiến thức về bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông; cảnh báo các lỗi vi phạm thường mắc phải, nguy cơ tai nạn và hậu quả phải gánh chịu khi vi phạm, các lỗi về văn hóa khi tham gia giao thông.

Trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường sắt, các cơ sở giáo dục cần tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm túc quy định về việc bảo đảm ATGT đường sắt, đặc biệt là các hành vi bị nghiêm cấm như: Phá hoại công trình đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt, tự ý di chuyển hoặc làm sai lệch các công trình, thiết bị báo hiệu, biển báo hiệu cố định trên đường sắt; không vượt qua đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng; không đi, đứng, nằm, ngồi trên nóc toa xe, đầu máy; không đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt…

Về bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên khi đi đò phải mặc áo phao hoặc sử dụng cặp phao, dụng cụ cứu sinh; chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo đảm an toàn khi sử dụng phương tiện.

Bên cạnh đó, các cấp cơ sở tiếp tục triển khai việc phòng, tránh tai nạn đuối nước trong học sinh, sinh viên, đặc biệt là vào mùa mưa lũ; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh, sinh viên khi đi tham quan, dã ngoại…

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các sở chỉ đạo quyết liệt các nhà trường tổ chức họp với phụ huynh học sinh để tuyên truyền, vận động, ký cam kết việc không giao xe gắn máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe và cam kết đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông và điều khiển xe đạp điện, xe máy điện.

Ý kiến của bạn

Bình luận