Áp dụng hàng loạt chính sách đặc biệt làm 3 cao tốc gần 85.000 tỷ

Tác giả: M.T

saosaosaosaosao
Đường bộ 16/06/2022 14:26

Các dự án được áp dụng các cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, di dời hạ tầng, đền bù, GPMB, thu hồi vốn đầu tư dự án, phân chia các dự án thành phần theo địa giới hành chính...


 

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1

Hôm nay (16/6), với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết về Chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1); cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1).

Theo đó, dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 188,2 km, chia thành 4 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Dự án có tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 53,7km, chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng. Dự án được thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.

Dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có chiều dài 117,5 km, chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công, với tổng mức đầu là 21.935 tỷ đồng. Thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Cũng theo các dự thảo nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội đồng ý cho các dự án áp dụng nhiều chính sách đặc biệt.

Theo đó, các dự án được áp dụng các cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; gói thầu xây lắp được giao cho các địa phương làm chủ đầu tư các đoạn đi qua địa bàn... đã được quy định tại nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế của Quốc hội.

Bên cạnh đó, các dự án còn được áp dụng các chính sách đặc thù khác như cho phép Bộ GTVT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư dự án hoàn trả vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo tỉ lệ vốn góp đầu tư dự án.

Ngoài ra, Quốc hội cũng cho phép phân chia các dự án thành phần theo địa giới hành chính của các địa phương thuộc phạm vi của dự án.

Trong trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định (theo quy định hiện hành, việc điều chỉnh dự án trọng điểm quốc gia phải do Quốc hội quyết định).

Nghị quyết cũng quy định, các địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc bảo đảm nguồn vốn và tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án. Trường hợp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn của địa phương tăng/giảm so với chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án, địa phương đó có trách nhiệm cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương theo tỉ lệ vốn góp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.

Ý kiến của bạn

Bình luận