Đường sắt điều chỉnh cước vận tải hàng hoá thế nào khi giá xăng tăng?

Tác giả: Minh Phương

saosaosaosaosao
Thị trường 03/03/2022 11:11

Giá xăng dầu tăng lần thứ 6 liên tiếp, phá đỉnh lịch sử gây sức ép lớn đến dịch vụ vận tải, trong đó có đường sắt.

tau-hoa-container-4-1626771291466.

Thương thảo với khách hàng để điều chỉnh giá cước vận tải hàng hoá

Tại kỳ điều chỉnh ngày 1/3 vừa qua, giá xăng RON 95 đã tăng 550 đồng/lít, lên mức 26.830 đồng mỗi lít; giá xăng E5 RON 92 tăng 540 đồng/lít, lên mức 26.070 đồng mỗi lít, cao nhất lịch sử từ năm 2005 đến nay. Giá dầu cũng tăng trong kỳ điều chỉnh ngày 1/3. Cụ thể giá dầu DO tăng 510 đồng/lít, lên mức 21.310 đồng/lít; dầu hoả tăng từ 19.500 đồng/lít lên mức 19.970 đồng/lít (tăng 470 đồng/lít).

Dự báo, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng theo xu hướng giá của thế giới do thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là xung đột giữa Nga và Ukraine và nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng do nhu cầu lên ở các nước triển khai biện pháp phục hồi kinh tế.

Việc giá xăng dầu tăng liên tiếp đã tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp vận tải đường bộ, hàng hải, hàng không, đường sắt…, trong bối cảnh vận tải hành khách chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch.

Giá xăng tăng cao nhưng khách lại ít, ngành Đường sắt không những không thể tăng giá vé, ngược lại phải tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá vé sau Tết để thu hút hành khách hơn. Nhiều tuyến, lượng khách giảm mạnh, ngành Đường sắt phải cắt giảm chạy tàu vì thu không đủ chi như đôi tàu SE21/SE22 tuyến TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng, đôi tàu NA1/NA2 giữa Hà Nội - Vinh...

Trong bối cảnh vận tải hành khách loay hoay tìm lối ra thì vận tải hàng hoá lại là điểm sáng duy nhất khi vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định. Mặc dù vậy, việc giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục từ cuối năm 2021 đến nay đã gây sức ép không nhỏ với các doanh nghiệp vận tải hàng hoá đường sắt.

Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Mai Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco), thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, 2 tháng đầu năm 2022, giá nhiên liệu tăng tới 25% so với trung bình giá nhiên liệu năm 2021. Điều này tác động trực tiếp đến giá thành vận tải của công ty. Với chi phí nhiên liệu được tính trong giá thành vận tải mà công ty đang hạch toán thì việc giá nhiên liệu tăng “nóng” trong thời gian qua sẽ làm giá thành vận tải tăng khoảng 10%.

Để bù đắp một phần tăng chi phí từ nhiên liệu thì thời gian vừa qua, đơn vị đã phải tổ chức thương thảo với các khách hàng lớn, truyền thống để điều chỉnh giá cước vận tải hàng hoá tăng từ 5-7% trên tinh thần cùng chia sẻ, giữ chân khách hàng.

Mặc dù vậy, việc tăng giá lại có rủi ro là nguy cơ giảm sản lượng do phải cạnh tranh với các phương tiện vận tải khác. Bên cạnh đó, công ty phải tăng cường công tác kiểm soát – quản trị nghiệp vụ, giảm tác nghiệp xếp dỡ tại bãi, giảm hệ số xe chạy rỗng của phương tiện. 

Cũng là cơ hội để cạnh tranh

Mặc dù giá cước vận tải hàng hoá tăng, tuy nhiên, ông Mai Hoàng Long đánh giá đây cũng là cơ hội.

“Giá cước vận tải đường sắt vẫn đang là phân khúc giữa đường bộ và đường biển. Với các lợi thế sẵn có và việc duy trì phát triển mạnh các dịch vụ hỗ trợ, đặc biệt là nguồn hàng liên vận quốc tế, vận tải đường sắt vẫn đang là một trong các sự lựa chọn tối ưu trong thời gian tới đây”, đại diện Ratraco nhận định.

Ông Long cho biết thêm, sau khởi đầu có nhiều thuận lợi trong năm 2021 về hoạt động vận chuyển hàng liên vận quốc tế bằng đường sắt, ngành Đường sắt sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đối tác nước ngoài để cùng tập trung vào khai thác và thúc đẩy hoạt động vận chuyển hàng liên vận quốc tế từ Việt Nam qua Trung Quốc hoặc quá cảnh qua Trung Quốc sang Châu Âu, Nga, Mongolia,…

Đặc biệt, gần đây hoạt động này đã nhận được nhiều sự quan tâm từ khách hàng, cơ quan quản lý nhà nước. Đây chính là lợi thế lớn nhất để đường sắt Việt Nam quyết tâm thực hiện trong các năm tới.

Về thị trường nội địa, để duy trì ổn định số lượng đôi tàu hàng chạy nội địa như thời gian qua, năm 2022, Ratraco có kế hoạch tăng tỷ trọng nguồn hàng vận chuyển liên vận quốc tế từ các tỉnh phía Nam, Trung vận chuyển ra Bắc để tiếp chuyển đi; đồng thời, phối hợp với các cơ quan quản lý để khai thông lại tuyến vận chuyển hàng trái cây tươi, hải sản đông lạnh bằng đường sắt qua cửa khẩu Bằng Tường, Lào Cai, từ đó tăng khối lượng hàng vận chuyển trên đường sắt.

Ý kiến của bạn

Bình luận