Gặp gỡ những người vừa mở ra kỷ nguyên mới cho truyền máu Việt Nam

Tác giả: Minh Phương

saosaosaosaosao
Ứng dụng 20/08/2016 12:04

Mỗi năm, TNGT cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Một trong số những nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các vụ TNGT là không đủ máu truyền khẩn cấp cho các nạn nhân. Nhằm nâng cao hiệu quả truyền máu phục vụ cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị, các nhà khoa học huyết học đã dày công nghiên cứu, cho ra một cụm công trình đồ sộ, góp phần mở ra kỷ nguyên mới cho công nghệ truyền máu Việt Nam.

IMG_3384
Ông Đặng Quang Huấn, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng đánh giá cao thành quả lao động của các nhà khoa học Viện Huyết học

Ngày 19/8, tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Viện Huyết học) đã diễn ra buổi gặp gỡ giữa đại diện Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ KH&CN và đại diện nhà khoa học, y bác sĩ của Viện Huyết học cùng phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.

Tại buổi gặp mặt, ông Đặng Quang Huấn, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng tuyên dương và đánh giá cao thành quả lao động của các nhà khoa học huyết học trong công tác nghiên cứu, phát triển công nghệ truyền máu để phục vụ cấp cứu. Thành quả ấy phần nào được thể hiện bằng việc cụm công trình mang tên: “Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị” do nhóm 5 tác giả của Viện Huyết học thực hiện đã lọt vào danh sách các công trình được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt V.

IMG_3420
GS. TS. Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

Tại buổi gặp gỡ, GS. TS. Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, một trong 5 tác giả của cụm công trình chia sẻ: Đây là một cụm công trình rất đồ sộ, xuất phát từ thực tiễn ứng dụng những công nghệ hiện đại, tiên tiến của quốc tế, có sự sáng tạo và cải tiến cho phù hợp với hoàn cảnh của nước ta để phục vụ cho thực tiễn Việt Nam. Trải qua gần 12 năm nghiên cứu và phát triển (từ tháng 1/2004 đến tháng 12/2015), cụm công trình này đã giúp hoạt động truyền máu ở Viện Huyết học nói riêng và Việt Nam nói chung đạt được nhiều thành tựu lớn như: 

Tự sản xuất được bộ hồng cầu mẫu, bộ panel hồng cầu sàng lọc và định danh kháng thể bất thường tại Việt Nam, qua đó có thể xác định chính xác nhóm máu (36 nhóm máu); sàng lọc và định danh kháng thể bất thường; hoàn thiện quy trình bảo quản, vận chuyển và cung cấp cho cơ sở;

Tự sản xuất thành công dung dịch nuôi dưỡng và bảo quản hồng cầu;

Ứng dụng thành công kỹ thuật NAT vào sàng lọc người hiến máu, qua đó sớm phát hiện người hiến bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu;

Bên cạnh công tác vận động hiến máu tình nguyện thông qua các chương trình Hành trình đỏ, Lễ hội Xuân Hồng, Viện đã có sáng kiến xây dựng “Ngân hàng máu sống” và “Ngân hàng máu hiếm” không chỉ áp dụng được ở các đô thị mà còn ở các huyện đảo, vùng sâu vùng xa;

Có thể sản xuất các chế phẩm máu (huyết tương, hồng cầu, tiểu cầu, tủa lạnh giàu yếu tố VIII) đạt chuẩn quốc tế nhưng vẫn phù hợp với đặc thù người Việt Nam....

IMG_0486
Phòng sàng lọc ứng dụng công nghệ sinh học phân tử (NAT)

 

IMG_3414
Mỗi ngày có khoảng 1.000 chế phẩm máu (huyết tương, hồng cầu, tiểu cầu, tủa lạnh giàu yếu tố VIII) đạt chuẩn quốc tế được sản xuất ra tại đây

Ông Đặng Quang Huấn đánh giá: Cụm công trình khoa học này đã được áp dụng sâu rộng vào thực tiễn tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và trên phạm vi toàn quốc và đã thực sự góp phần đưa truyền máu Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới, an toàn và hiệu quả hơn, góp phần tiết kiệm hàng chục ngàn tỷ đồng, hội nhập được với quốc tế, bởi vậy được cộng đồng ủng hộ và được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.

Đầu tháng 8 vừa qua, phiên họp Hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đợt V đã được tổ chức tại Hà Nội. 

Sau 2 ngày làm việc căng thẳng và đầy tinh thần trách nhiệm, Hội đồng cấp Nhà nước đã lựa chọn ra 9 công trình đặc biệt xuất sắc đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 7 công trình xuất sắc đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN. Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị” do nhóm 5 tác giả: GS. TS. Nguyễn Anh Trí, PGS. TS. Bùi Thị Mai An, TS. Ngô Mạnh Quân, BSCKII. Phạm Tuấn Dương, PGS. TS. Bạch Khánh Hòa thực hiện là một trong số 9 công trình được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Hồ sơ của các công trình trên sẽ được Bộ KH&CN trình lên Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước để xem xét và có Quyết định cuối cùng.

Ý kiến của bạn

Bình luận