Hàng không phát triển "nóng" và những vấn đề đặt ra

Tác giả: Minh Thành

saosaosaosaosao
Tiêu điểm tháng 21/07/2022 15:55

Trong giai đoạn 2010 - 2019, thị trường HKVN luôn đạt mức tăng trưởng cao, ổn định với tốc độ trung bình luôn đạt 2 con số. Tuy nhiên, bên cạnh điểm sáng đó cũng phát sinh một số tồn tại, bất cập cần sớm khắc phục để HKVN phát triển bền vững trong tương lai.

Bài 1: Tăng trưởng "nóng" và thách thức phát sinh

 

Ảnh 1 - Tổng công ty Hàng không Việt Nam đạt kết quả sản xuất kinh doanh vượt bậc trong năm 2017

  Những mốc son của HKVN

Tính đến trước thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện (đầu năm 2020), giai đoạn 2010 - 2019, thị trường vận tải HKVN luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số, trung bình đạt 15,8%/năm. Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam là một trong những thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất thế giới, cao hơn tốc độ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Đặc biệt, mục tiêu chinh phục thị trường khó tính, nhất là Mỹ cũng đã đạt được khi ngày 15/02/2019, tại Hà Nội, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam trao chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT-1) của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho Cục HKVN. Đây là điều kiện bắt buộc để các hãng hàng không của Việt Nam được phép mở đường bay đến Mỹ.

Trên cơ sở phê chuẩn của Cục An ninh vận tải Mỹ (TSA) và cấp phép của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), tối 23/9/2021 (giờ địa phương), Bamboo Airways đã thực hiện chuyến bay thẳng đầu tiên đến Mỹ. Tiếp đó, ngày 29/11/2021, Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên đến Mỹ. Cần phải nhắc lại rằng, ngành HKVN và Vietnam Airlines đã mất 20 năm chuẩn bị để mở đường bay thường lệ đến Mỹ. 

Dù tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhưng ngày 23/8/2021, Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) vẫn quyết định mở văn phòng đại diện đầu tiên tại Hà Nội. Sự kiện cho thấy, nhà chế tạo máy bay hàng đầu thế giới vẫn tin tưởng sự phát triển ngành HKVN và khẳng định cam kết hỗ trợ, đầu tư lâu dài ở đất nước hình chữ S.

Trước đó, tháng 7/2018, Vietjet Air đã ký hợp đồng trị giá 12,7 tỷ USD với Boeing để mua 100 chiếc máy bay B737 Max và trở thành khách hàng lớn nhất của dòng 737 MAX tại châu Á.

Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của ngành Hàng không và phục vụ hành khách được tốt hơn, hơn 10 năm qua, Tổng công ty Cảng HKVN (ACV) đã tập trung nguồn lực, đầu tư xây dựng mới, cải tạo kết cấu hạ tầng các cảng hàng không đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), tiêu biểu như: Xây dựng nhà ga T2 Cảng HKQT Nội Bài, Phú Quốc, nhà ga T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất... Đặc biệt, ACV đang ưu tiên mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cảng hàng không mang tính chiến lược Cảng HKQT Long Thành, nhằm hình thành điểm trung chuyển hành khách và hàng hóa có sức cạnh tranh trong khu vực và để giảm tải cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.

Ngành HKVN đang “cất cánh” sau đại dịch

Ngành HKVN đang “cất cánh” sau đại dịch

Hàng không - động lực phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2011, tổng thu từ khách du lịch mới chỉ đạt 130.000 tỷ đồng, đóng góp 3,1% vào GDP. Đến năm 2019, tổng thu từ khách du lịch đã tăng lên 726.000 tỷ đồng (tăng hơn 5,5 lần so với năm 2011), đóng góp của ngành du lịch vào GDP đạt 9,2%. Trong sự tăng trưởng đó không thể không nhắc đến vai trò của hàng không. Năm 2019, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không (CHK) của Việt Nam đạt 116,5 triệu lượt - một con số kỷ lục.

Chính vì vậy, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 dần được khống chế, mở cửa hàng không (từ tháng 01/2022) và du lịch (từ 15/3/2022) được đánh giá chính là “chìa khóa” để khôi phục, phát triển kinh tế.

Theo Cục trưởng Cục HKVN Đinh Việt Thắng, trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng hành khách thông qua các CHK đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách, tăng thần tốc 904,6%; khách nội địa đạt 38,9 triệu khách, tăng 52,6%.

Sự “bùng nổ” của hàng không như một chất xúc tác quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế. Thông tin từ Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011 - 2021. GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020.

Máy bay xếp hàng chờ cất cánh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất

Máy bay xếp hàng chờ cất cánh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất

Nỗ lực áp dụng công nghệ mới đáp ứng đòi hỏi phát triển

Ngay từ cuối năm 2020, CHK Quốc tế Tân Sơn Nhất đã khởi động mô hình phối hợp ra quyết định khai thác tại CHK, sân bay (gọi tắt là đề án A-CDM) nhằm tối ưu hóa các nguồn lực, sử dụng hiệu quả hạ tầng và trang thiết bị tại CHK, giảm tắc nghẽn tại sân bay, nâng cao hiệu quả điều hành khai thác và chất lượng phục vụ hành khách.

A-CDM bao gồm các quy tắc, quy trình cho các bên liên quan hoạt động tại sân bay có thể chia sẻ thông tin và phối hợp ra quyết định với mục tiêu tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực tại sân bay, nhằm tăng khả năng dự báo trong khai thác; tăng khả năng thực hiện chuyến bay đúng giờ; giảm chi phí hoạt động trên khu bay; tối ưu hóa việc khai thác hạ tầng và giảm ùn tắc; giảm thiểu lãng phí sử dụng slot và quản lý luồng không lưu; linh hoạt trong việc lập kế hoạch trước chuyến bay; giảm thiểu ùn tắc trên sân đỗ và đường lăn.

Các CHK có tần suất bay từ 100.000 lượt chuyến trong một năm phải xây dựng và thiết lập A-CDM.

Trước đó, chiều ngày 23/12/2019, tại CHK Quốc tế Nội Bài đã diễn ra lễ ký quy chế phối hợp chia sẻ thông tin và ra quyết định tại Trung tâm Điều phối khai thác (AOCC) giữa CHK Quốc tế Nội Bài với Cảng vụ Hàng không miền Bắc, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air, Bamboo Airways...

“Với việc triển khai phối hợp ra quyết định tại AOCC, sau này là triển khai A-CDM, thay vì việc các đơn vị hoạt động, khai thác tại CHK, sân bay sẽ ra quyết định riêng lẻ, không tập trung, sẽ cùng nhau phối hợp để ra quyết định, đảm bảo tốt nhất hiệu quả khai thác cũng như an ninh, an toàn. Triển khai A-CDM không chỉ mang lại lợi ích riêng rẽ cho nhà khai thác sân bay, hãng hàng không, quản lý bay hay dịch vụ mà tất cả đều có lợi”, Cục trưởng Đinh Việt Thắng nói.

Cùng với thiết lập A-CDM và triển khai phối hợp ra quyết định tại AOCC, từ tháng 5/2021, Tổng công ty Cảng HKVN (ACV) đã đồng ý đưa công nghệ xua đuổi chim của Bulgaria áp dụng tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Công nghệ này dựa trên thân nhiệt của chim và tự động phát ra tiếng kêu lớn để xua đuổi chim đi nơi khác.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm thời gian chờ đợi tại sân bay, từ cuối năm 2021, Vietnam Airlines đã triển khai làm thủ tục trực tuyến (check-in online) cho hành khách. Tính đến ngày 08/6/2022, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã áp dụng dịch vụ này ở 16 sân bay trên toàn quốc.

Ngoài Vietnam Airlines, Vietjet Air và cả Jetstar Pacific (Pan Pacific) đều đã triển khai dịch vụ check-in trực tuyến này.

Những tồn tại, hạn chế cần khắc phục

Cao điểm hè 2022, sản lượng vận chuyển tại CHK Quốc tế Nội Bài đã vượt công suất thiết kế của nhà ga T1. Đơn cử ngày 25/6/2022, sản lượng vận chuyển tại Nội Bài đạt hơn 104.000 lượt khách, trong đó có gần 93.000 lượt khách nội địa. Tính trung bình, sản lượng bay quốc nội tại CHK Quốc tế Nội Bài tăng hơn 40% so với cao điểm hè 2019 - thời điểm đỉnh cao trước khi có dịch Covid-19. Lượng khách quá tải đã tạo ra áp lực về giao thông, cung cấp dịch vụ, xử lý các tình huống phát sinh.

Trong khi đó, theo Cục HKVN, với 6 hãng hàng không trong nước (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pan Pacific, Vasco, Bamboo Airways, Vietravel Airlines), trong tháng 6, các hãng này đã khai thác 30.808 chuyến bay, tăng 528,7% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 18% so với tháng 5. Tuy nhiên, số chuyến bay bị chậm lên tới 5.602 chuyến, chiếm tỷ lệ 18,2%, tăng hơn 15,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.

Nguyên nhân chậm chuyến, theo đánh giá của Cục HKVN là do máy bay về muộn (chiếm tới 13,4%), tiếp đến là từ chính các hãng hàng không (chiếm 2,5%) và cuối cùng là do từ trang thiết bị và dịch vụ tại cảng (chiếm 1%), ngoài ra còn do thời tiết, quản lý, điều hành bay các nguyên nhân khác... Tình trạng chậm, hủy chuyến có xu hướng tăng, đến mức mới đây Bộ GTVT phải có văn bản gửi Cục HKVN yêu cầu chấn chỉnh tình trạng này.

Bên cạnh đó, sự điều hành không tối ưu, không tận dụng được tối đa cơ sở hạ tầng dẫn đến những bất cập như: máy bay không tiếp cận được cửa ra máy bay, phải dừng đỗ ở xa, hành khách phải đi xe buýt ra máy bay; máy bay phải xếp hàng chờ cất cánh... gây lãng phí nhiên liệu.

Đặc biệt, hiểm họa từ vật thể lạ (Foreign Object Debris - gọi tắt là FOD) bao gồm các mảnh vụn hoặc đồ vật có khả năng gây hư hỏng cho phương tiện và hệ thống trên máy bay vẫn cần được quan tâm hơn. Bởi, nếu thiệt hại do FOD thể mềm đem lại thường tương đối nhẹ (cong, vênh, biến dạng nhẹ cánh quạt) thì các FOD thể rắn có thể phá vỡ kết cấu động cơ, cánh quạt, gây tổn hại nghiêm trọng.

Trước đó, vào các năm 2018, 2020 còn xảy ra một số vụ việc người tâm thần xâm nhập vào sân bay Vinh, Vân Đồn, uy hiếp an ninh hàng không. Ngoài ra, việc hàng không tăng trưởng liên tục và chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng số sự cố trượt khỏi đường cất hạ, cánh trong những năm gần đây ở Việt Nam.

Hiện đại hóa đáp ứng nhu cầu phát triển

Ngày 24/12/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 348/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ đối với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo quy hoạch, giai đoạn 2021 - 2030 hình thành 28 CHK gồm: 14 CHK quốc tế và 14 CHK quốc nội. Tầm nhìn đến năm 2050, ngoài việc quy hoạch thêm sân bay Cao Bằng, cũng sẽ hình thành CHK thứ 2 hỗ trợ cho CHK Quốc tế Nội Bài về phía Đông Nam Thủ đô Hà Nội và một số CHK, sân bay tại các đảo, quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội...

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, quy hoạch cần làm rõ các hạng mục đầu tư giai đoạn 2021 - 2030 và sau 2050 các cơ chế vốn đầu tư, con số dự báo, đề xuất các tỉnh bổ sung các CHK, các tiêu chí đánh giá thiết lập CHK mới, chính sách nào phát triển của CHK...

Ý kiến của bạn

Bình luận