Hợp tác quốc tế thế nào để phát triển vận tải đường sắt liên vận?

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Đường sắt 28/07/2022 15:38

Trong bối cảnh vận tải đường sắt từ Việt Nam qua Trung Quốc sang Nga và châu Âu gặp nhiều khó khăn, Bộ GTVT vừa chỉ đạo ngành Đường sắt tìm giải pháp nâng cao năng lực, năng suất vận tải liên vận quốc tế.

Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam nghiên cứu và xây dựng phương án trao đổi, đàm phán với Trung Quốc về vận tải đường sắt giữa hai nước trong bối cảnh vận tải liên vận gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam nghiên cứu và xây dựng phương án trao đổi, đàm phán với Trung Quốc về vận tải đường sắt giữa hai nước trong bối cảnh vận tải liên vận gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Nâng cao hạn mức chuyên chở qua Trung Quốc

Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, trong những năm qua, đường sắt Việt Nam tiếp tục duy trì kết nối đường sắt quốc gia với đường sắt Trung Quốc tại hai cửa khẩu Hữu Nghị và Lào Cai. Đồng thời, tiếp tục triển khai sửa đổi Hiệp định đường sắt biên giới Việt - Trung; duy trì và phát triển vận tải đường sắt liên vận quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc và quá cảnh từ Trung Quốc đến các nước trong khối OSZD.

Định kỳ hàng năm, Bộ GTVT duy trì thực hiện ký kết Nghị định thư Hội nghị đường sắt biên giới Việt Nam - Trung Quốc để thống nhất đường sắt 2 nước tổ chức chạy tàu liên vận an toàn, thuận tiện khi vận tải bằng đường sắt qua lại biên giới.

Vừa qua, Bộ GTVT cũng đã có văn bản chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam về việc nghiên cứu và xây dựng phương án trao đổi, đàm phán với Trung Quốc về vận tải đường sắt giữa hai nước trong bối cảnh vận tải liên vận quốc tế từ Việt Nam qua Trung Quốc sang Nga và đi các nước châu Âu gặp nhiều khó khăn.

Bộ GTVT đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng phương án trao đổi, đàm phán với phía Trung Quốc về việc nâng cao hạn mức khối lượng chuyên chở quá cảnh qua Trung Quốc, các giải pháp giảm thời gian tác nghiệp, tăng số đôi tàu chạy giữa các ga biên giới và các nội dung khác nhằm thúc đẩy vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt; đề xuất thời gian và các khuôn khổ đàm phán song phương tại Hội nghị đường sắt biên giới thường niên giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc hoặc đa phương tại Hội nghị hàng ngoại thương (Hội nghị thỏa thuận khối lượng chuyên chở hàng hóa liên vận quốc tế), Hội nghị Tổng giám đốc, Hội nghị giờ tàu của Tổ chức OSJD và phương án khác. 

Bên cạnh đó, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Trung Quốc lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Tuyến đường sắt này kết nối Đường sắt Trung Quốc (khu vực Vân Nam) đến cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Cục Đường sắt Việt Nam cũng thông tin thêm, từ năm 2019, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ Việt Nam ký thỏa thuận với Chính phủ Lào về xây dựng và khai thác tuyến đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn để làm cơ sở hai bên xúc tiến đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này.

Ngoài ra, Bộ GTVT Việt Nam và Bộ Giao thông Công chính Campuchia ký biên bản thỏa thuận về việc xem xét, nghiên cứu tuyến đường sắt kết nối Tp. Hồ Chí Minh - Phnompenh qua của khẩu Mộc Bài.

Vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT xem xét bổ sung Kép là ga đường sắt liên vận quốc tế nhằm giúp hàng hóa thuộc khu vực tỉnh Bắc Giang có thể làm các thủ tục xuất nhập tại Hải quan Bắc Giang, giảm thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa và giảm áp lực cho hai ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), Yên Viên (Hà Nội).

Ga đường sắt Kép là ga cấp 2 (nằm tại thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn), là điểm bắt đầu của hai tuyến đường sắt Kép - Hạ Long, Cái Lân và tuyến Kép - Lưu Xá. Khu ga có diện tích 102.000 m2, bãi hàng có diện tích 27.000 m2.

Theo Tổng công ty Đường sắt VN, nhu cầu hàng hóa liên vận quốc tế tại ga Kép khoảng 10.000-15.000 tấn mỗi tháng. Vì vậy, ga Kép trở thành ga liên vận quốc tế sẽ tạo thuận lợi cho việc hình thành một đầu mối trung chuyển hàng hóa cho khu vực tỉnh Bắc Giang và các tỉnh phụ cận, giúp hạ thấp chi phí logistics.

Mới đây, tại cuộc họp của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và một số doanh nghiệp vận tải đường sắt về phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt, đại diện lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo về nhu cầu vận tải liên vận quốc tế tại các ga (dự báo nhu cầu xếp, dỡ hàng hóa, container, có số liệu khảo sát thực tế để chứng minh..), thứ tự ưu tiên đối với từng ga để làm cơ sở đề xuất bổ sung quy hoạch chuyên ngành.

Riêng với trường hợp công bố ga Kép (Bắc Giang) là ga liên vận quốc tế, Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt VN làm rõ sự cần thiết việc công bố ga Kép để Bộ GTVT xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép; về lâu dài sẽ nghiên cứu xây dựng quy hoạch ga Kép là ga liên vận quốc tế. 

Nỗ lực phát triển khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực

Cũng theo Cục Đường sắt Việt Nam, từ 2017-2020, Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thực hiện Dự án đối tác trao đổi kinh nghiệm phát triển lĩnh vực GTVT, sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Hàn Quốc (DEEP).

Thông qua dự án đã đào tạo tại Việt Nam và Hàn Quốc được 356 lượt người (252 lượt người đào tạo tại Việt Nam và 104 lượt người đào tạo tại Hàn Quốc) thuộc các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà  nước liên quan đến lĩnh vực đường sắt; đã tiếp nhận kết quả nghiên cứu của dự án đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và tuyến đường bộ cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Mộc Bài theo hình thức PPP; kết quả tiếp nhận kinh nghiệm quản lý, đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt tại Hàn Quốc làm cơ sở nghiên cứu áp dụng cho đường sắt Việt Nam.

Từ 2021 đến nay, Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam đang tiếp nhận dự án xây dựng hệ thống thông tin quản lý KCHTĐS, chương trình A4T của Chính phủ Úc. Cùng với đó, tiếp tục duy trì và chủ động liên hệ, mở rộng quan hệ, tìm nguồn hỗ trợ từ các nước, các tổ chức quốc tế (Hiệp hội Đường sắt Tiểu vùng Mekong mở rộng GMRA, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA, Học viện Phát triển Giao thông Châu Á, Tổ chức đường sắt quốc tế UIC …), các công ty đường sắt trên thế giới (Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản, Công ty Đường sắt Tây Nhật Bản, Công ty Đường sắt Trung Nhật Bản, Tổng công ty Đường sắt Hàn Quốc) và các Trường đại học (Trường Đại học Giao thông Tây Nam Trung Quốc, Trường Đại học Kỹ thuật Đường sắt Moscow) và các nhà sản xuất trong lĩnh vực đường sắt trong việc đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ tại nước ngoài để tiếp thu kinh nghiệm phát triển đường sắt, tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến.

Cục Đường sắt Việt Nam đánh giá, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng do tính chất đặc thù của đường sắt Việt Nam hiện nay, công tác hợp tác quốc tế trong kinh doanh vận tải đường sắt, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, công nghiệp đường sắt trong thời gian qua còn hạn chế, mới chỉ dừng ở bước tìm hiểu lẫn nhau trước khi hợp tác.

Ý kiến của bạn

Bình luận