Kinh nghiệm thu phí không dừng của Đài Loan hiệu quả nhất thế giới

Giao thông toàn cầu 24/08/2021 12:20

Là một trong bốn "con hổ châu Á", Đài Loan không chỉ tự hào bởi nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ mà còn bởi hệ thống giao thông quy củ, với hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) được triển khai sớm và hiệu quả.


 

Anh 1
Thẻ e-Tag FETC được dán lên kính xe hoặc đèn pha

 

Khởi đầu khó khăn
Để nâng cao hiệu quả quản lý và cải thiện chất lượng thu phí đường bộ, Cục Đường cao tốc (Bộ GTVT và Truyền thông Đài Loan) đã kêu gọi các đơn vị tư nhân tham gia vào dự án vận hành hệ thống ETC theo hình thức hợp đồng BOT cho phép nhà đầu tư được quyền thu phí trong vòng 20 năm.Năm 2004, Công ty TNHH Thu phí điện tử Viễn Đông (FETC), trực thuộc Tập đoàn Far Eastern (FEG) đã được Cục Đường cao tốc trao quyền để xây dựng, vận hành hệ thống ETC và các dịch vụ liên quan cho mọi tuyến đường cao tốc tại Đài Loan từ năm 2004 đến 2025. FETC sẽ chịu trách nhiệm về toàn bộ giải pháp tổng thể ETC, bao gồm hệ thống điều hành tại trạm thu phí (front-end) và hệ thống điều hành trung tâm (back-end) cũng như xây dựng mô hình kinh doanh. Lần đầu tiên được ra mắt vào tháng 01/2004, hệ thống ETC đã vấp phải vô số chỉ trích gay gắt vì bị cho là không đáng tin cậy. Do một số lỗi kỹ thuật, hệ thống đã gây ra nhiều sai sót tính phí, đỉnh điểm, có ngày xảy ra tới 121 trường hợp. Để lấy lại niềm tin của công chúng đối với hệ thống ETC, Cục Đường cao tốc đã thuê một đoàn kiểm toán độc lập với 7 kiểm toán viên thực hiện kiểm tra hiệu suất tại 7 trạm thu phí trong vòng 90 ngày, đồng thời ra tối hậu thư với FETC, nếu có 4 lần thu phí sai tại 7 trạm thu phí hoặc 3 lần thu phí sai tại 1 trạm bất kỳ trong số đó, đơn vị sẽ bị phạt 500.000 Đài tệ và có thể bị thu hồi hợp đồng. Điều này đồng nghĩa là tỷ lệ chính xác phải đạt tới 99,999%, thậm chí cao hơn con số 99,8% trong yêu cầu tại hợp đồng đã ký trước đó. Mặc dù vậy, nhờ nỗ lực chăm chỉ của nhóm kỹ thuật công ty trong việc gỡ lỗi hệ thống, FETC đã xuất sắc vượt qua bài kiểm tra.Năm 2006, FETC đã triển khai hệ thống ETC sử dụng công nghệ DSRC tại 23 trạm thu phí. Tuy nhiên, công nghệ này lại không mang lại thành công như mong đợi vì đến năm 2011, mới chỉ có khoảng 40% xe ô tô lắp đặt thiết bị OBU, chưa đáp ứng được mục tiêu ít nhất 60% theo điều khoản của hợp đồng đã ký. FETC đối diện nguy cơ phá sản do bị phạt 500.000 Đài tệ/ngày và bị cắt hợp đồng. Một trong những nguyên nhân FETC chỉ ra là do chi phí lắp đặt thiết bị OBU khá cao. Nhiều tài xế khá “chùn tay” khi phải đầu tư khoảng 680 Đài tệ để lắp đặt thiết bị trên xe thay vì giảm tốc độ để trả tiền cho nhân viên thu phí.

Bước ngoặt mạo hiểm
Từ năm 2012, công nghệ DSRC đã được dần chuyển sang công nghệ định danh bằng tần số sóng vô tuyến RFID. Với công nghệ RFID, người lái xe ô tô chỉ cần đăng ký dán thẻ e-Tag với giá khoảng 40 Đài tệ lên kính xe là có thể chạy tốc độ 100 km/h qua các trạm thu phí. Hệ thống sẽ tự động khấu trừ phí cầu đường theo quãng đường phương tiện đã đi vào tài khoản e-Tag của chủ xe. 20 km đầu tiên mỗi ngày được miễn phí và chủ sở hữu ô tô có thể nạp tiền vào thẻ e-Tag thông qua tài khoản ngân hàng hoặc nạp tại 11.000 điểm giao dịch trên khắp Đài Loan, bao gồm các chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn. Ô tô không có e-Tag vẫn có thể đi trên cao tốc nhưng chủ sở hữu cần phải đến các điểm giao dịch được chỉ định để thanh toán phí cầu đường sau khi nhận được hóa đơn qua đường bưu điện.Để đảm bảo sự thành công của công nghệ mới, FETC dù đang lỗ lũy kế 3,8 tỷ Đài tệ nhưng vẫn mạnh dạn đưa ra một quyết định táo bạo, đó là mua lại hơn 1,2 triệu thiết bị OBU từ khách hàng và miễn phí gắn thẻ e-Tag cho họ. Không ngoài dự đoán, công nghệ mới với chi phí hợp lý đã khiến tỷ lệ người đăng ký sử dụng ETC tăng từ 43% lên 94% chỉ trong vòng gần 2 năm (từ tháng 01/2012 đến tháng 01/2014), con số này cao hơn nhiều so với Nhật Bản khi nước này phải mất đến 11 năm để đạt được tỷ lệ tương đương. Tổng cộng 319 giàn điện tử trên cao sử dụng công nghệ RFID đã được lắp đặt dọc 1.000 km đường cao tốc ở Đài Loan để tính toán khoảng cách di chuyển của ô tô, đưa hệ thống ETC ở nơi này trở thành hệ thống thu phí điện tử quy mô lớn nhất thế giới. Kể từ khi được giới thiệu, e-Tag đã cắt giảm thời gian lái xe từ 5 - 30 phút đối với hầu hết người lái, qua đó tiết kiệm nhiên liệu đáng kể. Ước tính, chi phí nhiên liệu và in vé tiết kiệm được lên tới khoảng 2 tỷ Đài tệ/năm.Hệ thống ETC đã trở thành niềm tự hào của Đài Loan, gặt hái được nhiều giải thưởng quốc tế như: Giải thưởng Khu vực Tư nhân xuất sắc tại WITSA, Giải thưởng Thu phí xuất sắc của IBTTA, Giải thưởng công nghiệp tại Hội nghị thế giới về Giao thông thông minh, Giải eAsia và Giải Thành tựu Con đường Toàn cầu của IRF. Hệ thống ETC của Đài Loan được đánh giá cao về khả năng vận hành trơn tru, dễ sử dụng, chi phí hợp lý, tỷ lệ người dùng cao, công bằng trong cách định giá và độ chính xác gần như tuyệt đối.Bên cạnh công dụng trả phí đường bộ, e-Tag còn được tích hợp nhiều tính năng khác như: trả phí gửi xe không dừng tại các trung tâm thương mại, thu thập dữ liệu giao thông, cung cấp thông tin về tình hình giao thông nội đô và chỉ dẫn lộ trình phù hợp, cảnh báo sự cố trên đường, quản lý phương tiện và kiểm soát truy cập, quản lý xe gắn máy...Khởi đầu với nhiều phản ứng trái chiều, nhưng đến nay, hệ thống ETC tại Đài Loan không chỉ là kiểu mẫu trên thế giới về mô hình vận hành và thiết kế hệ thống thu phí đường cao tốc mà còn là tấm gương thành công trong việc ứng dụng Internet vạn vật.

Ý kiến của bạn

Bình luận