Kon Tum: Cải tạo Quốc lộ 24 mất đường nhà dân

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 24/08/2021 17:48

Dự án nâng cấp Quốc lộ 24 đoạn qua xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.


Theo phản ánh của các hộ dân dân ở thôn 2 xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, từ ngày thi công dự án nâng cấp Quốc lộ 24 đến nay, các gia đình trên khu vực muốn vào được căn nhà của mình không phải dễ bởi nền nhà chênh quá cao so với đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ.

01
Người dân mất lối đi vào nhà khi Quốc lộ 24 thi công hạ thấp nền đường

Anh Lê Tấn Cường, trú thôn 2, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy cho biết, trước đây nền nhà và mặt đường cũ bằng nhau, thế nhưng khi thi công Quốc lộ 24, nền đường được hạ thấp, ngôi nhà của gia đình anh nằm cao chót vót so với nền đường. Qua đo đạc, nền nhà anh Cường cao hơn so với cốt mặt Quốc lộ 24 hơn 2,3m; khoảng cách từ mép ngoài cùng của hiên nhà anh đến ranh giới giải phóng mặt bằng khoảng 5m.  Hai tháng nay, gia đình anh không có lối đi lên nhà, muốn vào được nhà anh phải đi nhờ qua khu đất trống của hàng xóm. 

Cùng với đó, sau khi hạ thấp nền đường thì ngôi nhà cao hơn mặt đường quá nhiều (hơn 2,3m). Trong khi đó, từ cổng ra tới mốc giải phóng có 5 mét, quá ngắn, nên dù có hạ thì độ dốc từ nền nhà ra đường cũng quá cao, rất nguy hiểm cho việc đi lại sau nà. Đặc biệt, khi đường hoàn thành thì lượng xe chạy trên Quốc lộ 24 rất nhanh nên đi từ nhà ra đường sẽ không bảo đảm an toàn. 

Cũng theo anh Cường, trước đây nhà không bị nứt nhưng trong quá trình thi công, nhà tôi bị nứt nhiều vị trí, hư hỏng, không bảo đảm an toàn cho công trình cũng như tính mạng của các thành viên trong gia đình. “Tôi đề nghị thu hồi, bồi thường vào 15 mét từ mốc giải phóng mặt bằng và hạ thấp độ cao để xây dựng nhà mới, ổn định cuộc sống. Bởi vì, với độ chênh quá cao như vậy thì phải hạ nền xuống với độ dài như vậy mới giảm bợt độ chênh, bảo đảm an toàn khi đi từ nhà ra mặt đường…”- anh Cường kiến nghị.

02
Bên cạnh đó thi công Quốc lộ 24 cũng đã gây ra nứt tường của nhà dân tại thôn 2 xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy

Cùng cảnh, nhà anh Cường là căn nhà của anh Vi Văn Lợi cũng nằm trong tình trạng tương tự. Hiện, nền nhà anh cao hơn so với cốt mặt đường hơn 2,1m, khoảng cách từ mép ngoài cùng nhà ở đến ranh giới giải phóng mặt bằng khoảng 4,5m. Đã hơn 2 tháng nay, gia đình anh không có đường đi lên nhà phải nhờ đất trống của hàng xóm để đi. Điều đó khiến việc đi lại rất vất vả.

“Với độ chênh cao giữa nền nhà và mặt đường, tôi đề nghị thu hồi, đền bù vào 15m từ mốc giải phóng mặt bằng, đồng thời hạ thấp độ cao để việc đi lại được an toàn”- ông Vi Văn Lợi đề nghị.

Được biết, Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 24 có chiều dài hơn 31 km với mức đầu tư 840 tỷ đồng do Sở GTVT tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư. Dự án chia làm 3 gói (gồm gói 4, 5, 6), bắt đầu xây dựng từ tháng 7/2020.

Từ lúc thi công đến nay, do việc đào, hạ thấp nền đường khiến hàng chục hộ gia đình ở thôn 2 xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy bị ảnh hưởng, tập chung chủ yếu trong vấn đề nền nhà bị chênh cao hơn mặt đường, không có đường vào nhà, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Hầu hết họ cũng cùng chung ý kiến yêu cầu được giải phòng, đền bù, hỗ trợ để xây dựng, sửa chữa lại nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Liên quan vấn đề, ông Đặng Tuấn Tịnh- Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho hay, đây là lần thứ 2 các hộ dân tại thôn 2 kiến nghị, khiếu nại về việc thi công Quốc lộ 24 khiến một số nhà cao hơn đường mặt đường khá nhiều, người dân cũng kiến nghị việc thi công khiến nhà bị nứt…

Cũng theo ông Tịnh, đợt trước có 10 hộ kiến nghị thì đã giải quyết đền bù xong; đợt này có 12 hộ tiếp tục kiến nghị cũng với nội dung tương tự như trước. “Sau khi nhận được kiến nghị của dân, chính quyền xã phối hợp với đơn vị chức năng của huyện, chủ đầu tư, đơn vị thi công tiến hành đo đạc, kiểm tra thực tế  và đã bàn giao toàn bộ hồ sơ về tỉnh để xin ý kiến giải quyết cho các hộ dân”- ông Tịnh cho biết.

Theo ông Trần Khắc Hà- Chánh Văn phòng UBND huyện Kon Rẫy, hiện huyện đã làm việc với các đơn vị liên quan và đề xuất lên UBND tỉnh xem xét mức hỗ trợ tối đa và tỷ lệ % mức hỗ trợ đối với các trường hợp bị hạn chế khả năng sử dụng đất (cốt nền nhà cao, thấp hơn so với mặt đường). Sau khi được UBND tỉnh cho phép, UBND huyện sẽ chỉ đạo đơn vị, địa phương liên quan tổ chức lập phương án bồi thường, hỗ trợ để sớm giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án và giải quyết kịp thời bức xúc của người dân bị ảnh hưởng trong phạm vi dự án…

Ý kiến của bạn

Bình luận