Làm gì để vận tải khách “hồi sinh” trong trạng thái bình thường mới?

Tác giả: Hiểu Lam

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 24/12/2021 15:03

Dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp vận tải đã chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, nhanh chóng lên kế hoạch, triển khai phương án khôi phục hoạt động. Với sự hỗ trợ tích cực từ các bộ, ngành, địa phương trong quá trình hồi phục, doanh nghiệp vận tải kỳ vọng sớm ổn định trong trạng thái bình thường mới, từng bước bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

 

2

Sau khi bỏ quy định giãn cách, xe buýt tại Hà Nội lại đông đúc hành khách trở lại

Tín hiệu hồi phục

Sau gần 2 tháng mở lại hoạt động vận tải khách từ thời điểm Bộ GTVT ban hành Quyết định 1812 ngày 16/10/2021 hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải đường bộ, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, hoạt động vận tải đang dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Đến nay, 100% sở GTVT các địa phương đã triển khai Quyết định 1812 của Bộ GTVT đến các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe, trạm dừng nghỉ, các đơn vị có liên quan. Vận tải hành khách nội tỉnh bằng xe buýt, taxi, xe hợp đồng, du lịch cũng được các tỉnh, thành phố cho phép hoạt động và các sở GTVT đã triển khai đưa các loại hình này vào hoạt động tại địa phương, đảm bảo các tiêu chí phòng, chống dịch Covid-19.

Sau một thời gian dài hoạt động cầm chừng, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ vận tải Đức Trưởng (Thái Bình) đã trở lại trạng thái bình thường mới. Bà Đoàn Thị Thu - Giám đốc Công ty cho biết, dịch Covid-19 được kiểm soát, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đã có nhiều khởi sắc, hiện tại dù chưa hoạt động hết 100% công suất nhưng bằng nhiều giải pháp linh hoạt, đơn vị đang duy trì ổn định cho gần 10 đầu xe khách chạy tuyến Thái Bình - Hà Nội, với hiệu suất ghế đạt trên 50%. Theo bà Thu, để khách hàng yên tâm sử dụng dịch vụ của Công ty, 100% lái xe đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Ngoài ra, đơn vị cũng trang bị đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn cho từng đầu xe phục vụ khách khi có nhu cầu.

Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) nhận định, dịch bệnh Covid-19 đang từng bước được khống chế vào thời điểm cuối năm nên nhu cầu đi lại giữa các địa phương tăng rất cao. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp vận tải nhanh chóng phục hồi hoạt động, bù đắp tổn thất trong những tháng qua do tác động xấu từ dịch bệnh.

“Từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 10, chúng tôi đã phải tạm dừng hoạt động vận tải hành khách cao cấp từ Hà Nội đi các tỉnh Yên Bái, Lào Cai và hơn 80% nhân viên nghỉ việc. Khi Chính phủ, bộ, ngành cho phép mở cửa, chúng tôi đã chủ động thích ứng an toàn, khôi phục được 70% sản lượng khai thác. Đến nay, lượng khách đi lại trên tuyến cơ bản ổn định, gần 200 nhân viên, người lao động của công ty được bố trí việc làm sau một thời gian cắt nghỉ luân phiên”, ông Bằng chia sẻ. Ở loại hình vận tải hành khách bằng xe buýt, nếu như ở thời điểm bắt đầu hoạt động trở lại, lượng khách còn thưa thớt thì đến nay đã tăng dần trên nhiều tuyến buýt.

Ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội (Hapta) cho biết, sau gần 2 tháng hoạt động trở lại, lượng khách đi lại đang hồi phục, doanh thu bán vé cũng tăng dần, cao điểm gần đây có ngày một xe đã bán được hơn 1 triệu đồng tiền vé thay vì chỉ lẹt đẹt vài trăm nghìn như thời điểm trước đó.

1
Xe khách Đức Trưởng, tuyến Thái Bình - Hà Nội đạt hiệu suất ghế cao vào dịp cuối tuần (ảnh cắt từ camera giám sát hành trình)

Song hành tích cực, hỗ trợ doanh nghiệp “hồi sinh”

Theo thống kê của Bộ GTVT, có đến 90% doanh nghiệp kinh doanh vận tải vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện và tổ chức hoạt động vận tải. Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn đang đau đầu với các khoản thuế phí, tiền vay ngân hàng lo đời sống cho tài xế, nhân viên. Trước tình hình đó, Bộ GTVT đã thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trực tiếp làm Tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đề xuất của doanh nghiệp, người dân về lĩnh vực GTVT.

Mặt khác, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho các đơn vị vận tải bị ảnh hưởng của dịch, đồng thời cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Một trong những giải pháp khác được Bộ GTVT nêu ra là chủ động kiểm soát dịch ở các địa phương, tổ dân phố, gia đình, trong đó tập trung rà soát, quản lý chặt chẽ biến động dân cư, yêu cầu khai báo đối với người từ những địa phương khác, nhất là từ các vùng dịch trở về.

Ông Đào Việt Long - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và UBND Thành phố, ngay sau khi hoạt động vận tải khách liên tỉnh tái hoạt động, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các sở, ngành, bến xe nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Trong đó, Sở đã đề ra giải pháp cụ thể như giảm phí dịch vụ bến bãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động vận tải khách dần trở lại trạng thái ổn định.

“Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội chỉ đạo các bến xe chủ động xây dựng kênh trao đổi trực tuyến trên Zalo, trong đó có sự tham gia của các địa phương, nhà xe để trao đổi thông tin, kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh trong điều tiết, tổ chức vận tải dựa theo nguyên tắc chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt. Đối với công tác phòng, chống dịch, chúng tôi cũng đã đề ra quy trình vận tải khách liên tỉnh tại các bến xe, yêu cầu hành khách trước khi lên xe phải khai báo y tế qua mã QR Code dán ở cửa xe; danh sách hành khách sẽ được gửi 3 bản ở hai đầu bến và bến xe để phục vụ truy vết khi có yêu cầu. Dữ liệu y tế của hành khách, số điện thoại, địa điểm di chuyển... sẽ được gửi về các cơ sở y tế”, ông Long chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận