Làm gì tránh “báo chí Salon” trong định hướng dư luận?

Tác giả: Hiền Thanh

saosaosaosaosao
Sự kiện 20/06/2020 04:58

Dư luận xã hội (DLXH) là một thành tố quan trọng của ý thức xã hội, có khả năng tạo nên sức mạnh giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội. Trong bối cảnh mở cửa và hội nhập, DLXH chịu sự tác động phức tạp, đa chiều, cả bên trong và bên ngoài. Báo chí có vai trò không thể thay thế trong việc định hướng DLXH, góp phần thúc đẩy giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong đời sống.

DSC08767

Khẳng định vai trò của báo chí

Theo PGS. TS. Đỗ Chí Nghĩa - Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân, báo chí có vai trò to lớn và đóng góp tích cực vào việc định hướng DLXH. Đây là một thực tế đã được chứng minh trong nhiều giai đoạn lịch sử, đặc biệt trong công cuộc đổi mới và hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, thiếu tính định hướng, ảnh hưởng không tốt đến uy tín của giới báo chí. Những sai sót này xảy ra ở nhiều mức độ, nhiều hình thức khác nhau, song ít nhiều đã gây hiệu ứng không tốt trong đời sống xã hội, cần được nhận thức và chấn chỉnh kịp thời.

Sự phát triển của báo chí gắn liền với ý thức hệ, với lợi ích của các tầng lớp dân cư, các tổ chức chính trị mà nó là đại diện. Báo chí có vai trò không thể thoái thác là nắm bắt, tạo dựng và định hướng DLXH. DLXH là thành tố của ý thức xã hội, đi liền với ý thức lịch sử văn hóa và nhân sinh quan, thế giới quan. Đây là bộ phận dễ bị tác động nhất và khi bị tác động dễ tạo nên những chuyển biến và hành động xã hội có tính tức thì. Do đó, tác động đúng mức, đúng cách, hợp lý vào DLXH có thể giúp tạo nên các phong trào xã hội, giải quyết các nhiệm vụ xã hội cấp bách cũng như lâu dài. Ngược lại, tác động không đúng, đưa thông tin sai lạc có thể dẫn đến hiểu nhầm, ngộ nhận tai hại. Do tính chất lan truyền rộng rãi, do ảnh hưởng và uy tín đã được xác lập trong cộng đồng của cơ quan truyền thông nên những thông tin không chính xác, thiếu thận trọng, non yếu về chính trị có thể gây thiệt hại khó lường cho cộng đồng và xã hội.

Có thể nói, công chúng đang thể hiện vai trò chủ động hơn khi các khảo sát cho thấy, dù bỏ tiền mua cả tờ báo nhưng không phải trang, mục nào trên báo họ cũng đọc. Tương tự như vậy là hiện tượng zapping - người xem truyền hình liên tục thay đổi kênh để lướt qua những thông tin, hình ảnh gây được sự chú ý. Việc lựa chọn thông tin cần và thích là quyền của công chúng. Đây là một luận điểm quan trọng, tránh xu thế “báo chí salon”, cứng nhắc, quan điểm của báo chí rất vững nhưng vẫn không định hướng được ai, chỉ vì không hấp dẫn công chúng. Do vậy, báo chí cần đáp ứng nhu cầu thiết thực của công chúng để tạo niềm tin. Mặt khác, báo chí cần chủ động định hướng công chúng, định hướng DLXH. Nhiều ví dụ cho thấy, khi báo chí nói một cách chân thực, giản dị, không cắt gọt quá kĩ lưỡng thì tự bản thân hiện thực đã mang tính định hướng rất cao. Điều quan trọng ở đây là năng lực của ban biên tập và PV khi nhạy cảm nắm bắt được những chi tiết, những vấn đề có tác động xã hội mạnh mẽ và sâu sắc. Chính vì tác động mạnh mẽ của báo chí đến DLXH nên nhà báo phải rất thận trọng, tránh đưa thông tin vội vàng, gây phản cảm và phản tác dụng.

Nâng cao trách nhiệm trong định hướng DLXH

Theo đánh giá của PGS. TS. Đỗ Chí Nghĩa, khả năng tác động của báo chí vào công chúng và DLXH còn chưa đồng đều, hiệu quả chưa thật rõ nét. Báo chí có ưu thế nổi bật trong định hướng DLXH. Thế nhưng, nhiều trường hợp, vai trò này lại chưa thể hiện rõ vì: sức lan tỏa không đều, một số cơ quan báo chí chưa thật sự quan tâm và đầu tư chiều sâu cho nhiệm vụ quan trọng này. Đồng thời, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí với những vấn đề nhạy cảm, bức thiết. Mỗi cơ quan báo chí duy trì thế độc lập, thiếu hỗ trợ, liên kết, dẫn đến nhiều trường hợp thông tin tản mạn, trái chiều, mâu thuẫn, không tạo nên hiệu quả định hướng dư luận cao. Hơn thế, không ít cơ quan báo chí còn thiếu phương tiện và kênh thông tin cần thiết để nắm bắt DLXH chính xác, kịp thời và hiệu quả; chưa có nhiều những cuộc điều tra DLXH thiết thực để hỗ trợ cơ quan báo chí nắm bắt và định hướng DLXH.

Cũng theo PGS. TS. Đỗ Chí Nghĩa, việc thông tin còn sai sót, nhiều thông tin giật gân làm mất uy tín của giới báo chí, ảnh hưởng không tốt đến DLXH. Đây là tình trạng không hiếm xảy ra trong tác nghiệp của nhà báo và cơ quan báo chí. Nó dẫn đến “hội chứng” không tin báo chí, sợ báo chí và né tránh báo chí, ảnh hưởng không tốt đến vai trò định hướng của báo chí. Do vậy, cần nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước với nhiệm vụ định hướng DLXH của báo chí. Đây là hai khâu then chốt để hỗ trợ báo chí có thêm uy tín và khả năng thông tin chiều sâu trong định hướng DLXH.

Để nâng cao hiệu quả định hướng DLXH của báo chí, theo PGS. TS. Đỗ Chí Nghĩa, cần xây dựng cơ chế phối hợp, liên thông hợp lý, hiệu quả giữa các cơ quan báo chí trước những vấn đề “nóng”, nhạy cảm của đời sống. Sự hợp tác, hỗ trợ giữa các cơ quan báo chí khi thông tin những vấn đề cụ thể sẽ làm nên hiệu quả tổng hợp, thống nhất và mạnh mẽ trong định hướng dư luận.

Bên cạnh đó, chúng ta cần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhận thức và năng lực định hướng DLXH cho đội ngũ cán bộ quản lý, PV, biên tập viên. Theo đó, đào tạo thường xuyên, thiết thực và hiệu quả sẽ tạo nền tảng bền vững cho công tác định hướng DLXH của báo chí; tăng cường nắm bắt DLXH và phân tích hoạt động báo chí để kịp thời định hướng thông tin phù hợp. Nguồn thông tin từ các cuộc điều tra DLXH, các nghiên cứu về hoạt động và hiệu quả định hướng DLXH của báo chí luôn cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác này.

Một yếu tố quan trọng khác là tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng của báo chí trong đời sống xã hội. Muốn báo chí định hướng tốt DLXH thì bản thân báo chí phải có sức lan tỏa và ảnh hưởng nhất định trong đời sống. Điều này đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, con người và cơ chế từ các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như nỗ lực tự thân của các cơ quan báo chí.

Ý kiến của bạn

Bình luận