Metro TP.HCM sắp chạy thử

Thị trường 02/03/2020 11:10

Sau nhiều năm chờ đợi, người dân TP.HCM sắp được chứng kiến đoàn tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến chạy thử đoạn trên cao từ ngã tư Bình Thái về Depot Long Bình vào quý 3-2020.

 

metro-thong-toan-tuyen-1583111523916547520276
Toàn bộ tuyến metro số 1 đã được kết nối đang tăng tốc về đích - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dự án này đã đạt khoảng 71% khối lượng, đang trong giai đoạn lắp thiết bị chạy tàu. Song song với dự án metro số 1 đang về đích, TP.HCM đang gấp rút làm tuyến metro mới.

Metro số 1 sắp xong

Thông tin về tiến độ tại buổi làm việc với ông Umeda Kunio (đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam) và đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết ngày 17-2 metro số 1 đã thông toàn tuyến dài 19,7km. Sự kiện này đánh dấu việc chuyển giao giai đoạn từ tập trung thi công phần kết cấu sang lắp đặt hệ thống đường ray, hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu...

Theo ông Phong, TP.HCM đã xác định 2020 là năm tăng tốc, bứt phá trong xây dựng metro số 1 để chuẩn bị cho việc đưa vào vận hành cuối năm 2021. "Để tiến độ được đẩy nhanh, tôi đề nghị phía Nhật Bản quan tâm, theo dõi và đôn đốc nhà thầu tập trung nguồn lực cho thi công, đảm bảo an toàn, tiến độ và chất lượng của công trình" - ông Phong nói.

Ông Huỳnh Hồng Thanh, phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP, cho biết dự kiến giữa năm nay hai đoàn tàu metro số 1 sẽ được nhập về Việt Nam. Các đơn vị liên quan đang tính toán các phương án cho tàu chạy thử vào quý 3-2020. Metro số 1 sẽ có tổng cộng 17 đoàn tàu, mỗi đoàn có 3 toa, do Công ty Hitachi (Nhật Bản) sản xuất.

Trong khi tuyến metro số 1 đang tăng tốc về đích thì tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương (đã được duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 47.890 tỉ đồng, tổng chiều dài 11,042km) hoàn tất hồ sơ để sớm khởi công và tăng tốc.

"Chúng tôi đang chuẩn bị đấu thầu các gói thầu tư vấn và thi công chính của dự án trong năm 2020 và sẽ trao thầu, ký hợp đồng năm 2021. Dự kiến tuyến metro số 2 sẽ khởi công vào năm sau, vận hành thử và đưa vào khai thác năm 2026" - đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TP cho hay.

Ngoài hai dự án trên, hiện TP.HCM cũng đang đẩy nhanh xây dựng, đề xuất nhiều tuyến metro khác, trong đó có tuyến metro số 5 (giai đoạn 1 dài 8,9km từ ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) với tổng mức đầu tư khoảng 1,9 tỉ USD. 

Tuyến metro này được đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Tái thiết Đức, Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Chính phủ Tây Ban Nha. Dự kiến tháng 4-2020, Ban quản lý đường sắt TP sẽ trình UBND TP, sau đó là Hội đồng thẩm định nhà nước, Chính phủ và Quốc hội để dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tương tự, tuyến metro số 5 - giai đoạn 2 dài 14,5km (từ ngã tư Bảy Hiền - bến xe Cần Giuộc mới) với vốn đầu tư khoảng 2,1 tỉ USD dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), có sử dụng một phần vốn ODA. Hiện nay đã có cam kết một phần vốn ODA, khoảng 500 triệu USD, từ Chính phủ Hàn Quốc. Dự án đã có 2 nhà đầu tư chính thức bày tỏ sự quan tâm gồm Công ty TNHH Lotte E&C và Công ty GS E&C đều đến từ Hàn Quốc.

Riêng tuyến metro số 3a dài gần 20km từ Bến Thành - Tân Kiên, chủ đầu tư đã cập nhật đề xuất dự án, kiến nghị UBND TP gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc tham mưu Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện chủ trương đầu tư.

Giải bài toán kẹt xe

Các chuyên gia giao thông cho rằng sau khi các tuyến metro hoàn tất, TP.HCM sẽ có một hệ thống tuyến đường sắt đô thị đồng bộ phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân một cách thuận lợi, an toàn. Metro được kỳ vọng sẽ vực dậy được mạng lưới xe buýt trợ giá vốn đang giảm khách.

Ông Hà Ngọc Trường, phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, cho rằng với tốc độ phát triển xe cá nhân chóng mặt như hiện nay (hơn 8 triệu xe - PV), việc đẩy nhanh tiến độ các tuyến metro sớm chừng nào hay chừng ấy. Chỉ tính riêng metro số 1 mỗi năm chậm tiến độ, TP.HCM sẽ thiệt hại 1,3 tỉ USD do ùn tắc.

Ông Trường cho hay để đẩy mạnh tiến độ cần phải có sự phối hợp đồng bộ từ chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công. "Đặc biệt phải áp dụng chế độ tăng ca để nhanh chóng chạy thử không chỉ đoạn trên cao từ Bình Thái về Long Bình mà về tới ga Văn Thánh, quận Bình Thạnh trong năm nay" - ông Trường nói.

Bài học tuyến metro số 1, 2 thời gian qua sẽ được rút ra thế nào trong quá trình TP.HCM làm các tuyến tiếp theo? Ông Trường cho hay trước tiên chúng ta phải xem xét cơ chế thực hiện dự án, bởi cơ chế càng phức tạp, nhà đầu tư càng không mặn mà. Rồi từ lúc nghiên cứu dự án, chủ đầu tư phải thực hiện chặt chẽ, lấy định mức quốc tế làm chuẩn để trong quá trình thực hiện không phải thay đổi, tăng tổng mức đầu tư, kéo theo việc chậm trễ. 

"Tôi tin rằng từ kinh nghiệm của tuyến metro số 1 và số 2 cùng với việc hợp tác đào tạo với các đơn vị ở Nhật Bản, những tuyến metro tiếp theo sẽ nhanh hoàn thành hơn" - ông Trường kỳ vọng.

Hiện Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 đang tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho quản lý vận hành và đưa tuyến metro số 1 vào khai thác. Ước tính số lượng nhân sự cần thiết để phục vụ công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng metro số 1 khoảng 700 người. 

Bên cạnh đó, đoàn nhân sự của Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 đã sang Công ty Tokyo Metro (Nhật Bản) tham dự khóa đào tạo tăng cường năng lực quản lý để chuẩn bị khai thác tuyến metro này. Ngoài ra, Công ty Tokyo Metro sẽ tư vấn cho Ban quản lý đường sắt đô thị TP nghiên cứu kéo dài tuyến metro số 1.

Ý kiến của bạn

Bình luận