Mong được góp sức nhỏ bé cho giao thông nước nhà

Tác giả: T. Vũ - M. Lệ

saosaosaosaosao
Tiêu điểm tháng 21/06/2022 16:46

Từng bài viết đến với bạn đọc thể hiện góc nhìn của tác giả đối với sự việc, nhân vật nhưng những gì PV Tạp chí GTVT thu nhận được sau mỗi chuyến đi, mỗi câu chuyện và hoàn cảnh còn nhiều hơn thế...

Thêm niềm tin vào một cuộc sống an toàn

PV Vũ Thành trong một lần tác nghiệp tại Vĩnh Phúc

PV Vũ Thành trong một lần tác nghiệp tại Vĩnh Phúc

Bảy năm gắn bó với ngành GTVT cũng là 7 năm tôi làm PV mảng ATGT. Hành trình đó chưa nhiều nhưng giúp tôi trân quý hơn những giá trị của cuộc sống.

Tôi từng nhiều lần nghe những tiếng kêu than thấu trời của bệnh nhân bị TNGT trong Bệnh viện Việt Đức, từng gặp những nam thanh, nữ tú bị mất đi một phần thân thể vì TNGT.

Đặt chân đến Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc 5 ngày sau đợt giãn cách xã hội đầu tiên năm 2020, xen giữa không gian trầm lắng của núi rừng ở thị trấn du lịch xinh đẹp này là những âm thanh thê lương của kèn, trống đám tang, cùng những tiếng khóc nghẹn ai oán, giằng xé. Nơi đó, hai gia đình vừa mất đi người thân vì TNGT...

Người con trai chở bố mẹ già hơn 80 tuổi và 1 người hàng xóm, khi ô tô về cách nhà chưa đến 100 m thì bất ngờ va chạm với một xe máy và lao xuống vực sâu. Bố mẹ và người hàng xóm thiệt mạng, người con trai lái xe trọng thương, còn cậu sinh viên đi xe máy có hoàn cảnh khó khăn cũng tử vong tại chỗ.

Trong chuyến công tác tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, tôi bắt gặp những đứa trẻ bỏ học, được mẹ dắt đi xin ăn; có những ông già chăm đàn cháu thơ dại vì bố mẹ chúng thiệt mạng do TNGT. Chị Giàng Thị Bla (xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ) kể rằng, chồng chị đang đi bộ ở vệ đường lấy rau cho bò ăn thì một chiếc ô tô mất lái lao tới. Gia đình mất đi trụ cột, vợ chồng, bố con chia lìa...

Ở Tiểu khu 10 (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), gia đình ông Hoàng Văn Trọng được mệnh danh là khốn khổ nhất tỉnh. Ông có 3 người con trai và 3 người con dâu đều qua đời do các tệ nạn xã hội, để lại đàn cháu cho hai ông bà già chăm sóc. Ông Trọng yếu sức nên mọi việc đều do bà Tạ Thị Lừ (71 tuổi) lo liệu. Đáng tiếc thay, trong lúc đi bộ ra chợ, bà Lừ bị một chiếc xe ben chở đất mất lái đâm tử vong. Nếp nhà vốn đầy đau thương ấy giờ chỉ còn một ông già và đàn cháu ngây dại.

Ngay giữa Thủ đô Hà Nội, cô sinh viên Bế Thị Băng vừa tốt nghiệp Đại học Y đã mãi mãi mất đi một chân sau vụ tai nạn với xe container. Cô gái xinh đẹp đang ôm nhiều hoài bão ấy phút chốc rơi vào khủng hoảng, tiều tụy, cơ thể chỉ còn 29 kg. Mười năm sau ngày gặp nạn, cô gái ấy đã vươn lên từ hố sâu, trở thành người truyền cảm hứng cho giới trẻ về nghị lực sống.

Mỗi lần chứng kiến nỗi đớn đau tột cùng, hệ lụy của TNGT, tôi không muốn đó là những kỷ niệm làm nghề nhưng sẽ là những bài học đáng nhớ về sự bình an mà mình đang có. Ngoài đường kia còn rất nhiều thanh niên đang phóng xe bạt mạng để thỏa “niềm đam mê” tốc độ, có lẽ họ chưa từng chứng kiến và không cảm nhận tới những nỗi đau do TNGT.

Mỗi lần nhìn những thanh niên lạng lách, bốc đầu hay nghe những tiếng bô gầm rú tôi lại cảm nhận trách nhiệm của bản thân phải làm tốt công việc này hơn để lan tỏa tới cộng đồng những giá trị trân quý của cuộc sống, của một môi trường giao thông văn minh, an toàn, để mỗi ngày, mỗi người ra đường đều trở về nhà bình an.

Cảm xúc trên công trường giao thông

PV Mỹ Lệ tác nghiệp tại trụ tháp trên công trường cầu Mỹ Thuận 2

PV Mỹ Lệ tác nghiệp tại trụ tháp trên công trường cầu Mỹ Thuận 2

Với gần 10 năm làm báo, con đường tôi đi lại vất vả hơn nhiều so với nữ PV khác khi tôi chọn làm “phóng viên giao thông” nhọc nhằn, vất vả. Nơi tôi thường đến tác nghiệp là những công trường đầy nắng gió, những nơi khuất nẻo, băng rừng lội suối..., thậm chí còn chẳng có đường để đi. 

Hai năm qua, hàng loạt dự án giao thông được khởi công ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong sự mong ngóng của người dân như: cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2... Tôi may mắn được đi đến tất cả các công trường và dự án trọng điểm phía Nam, qua đó thấy được sự vất vả của các đơn vị, những giọt mồ hôi của đội ngũ công nhân bất kể nắng mưa trong giai đoạn nước rút. Anh em công nhân hay nói vui rằng chỉ khi cười mới thấy được nhau vì nắng làm da thịt đen hết, trừ mỗi... hàm răng. Những lần vào công trường dự án ở miền Tây, gặp cơn mưa bất ngờ ập đến, chúng tôi chẳng thể quay ra, phải dùng “vỏ lãi” để di chuyển trên con rạch nhỏ.

Với tôi, có lẽ đáng nhớ nhất là những lần được “kiểm tra sức khỏe” bản thân khi leo trụ tháp các cây cầu đang xây dựng để tác nghiệp. Từ thời còn xây dựng cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, gần đây nhất là cầu Mỹ Thuận 2, tôi đều cảm nhận rất rõ những trụ tháp cao sừng sững giữa sông Tiền uốn lượn và trải dài trên mảnh đất các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang. Khi thấy tôi leo lên được trụ tháp, nhiều công nhân không khỏi ngỡ ngàng bởi đây là công việc không phải dễ, đặc biệt là với phụ nữ chân yếu tay mềm.

Tôi nhớ rõ hôm đi dự án cầu Mỹ Thuận 2, khi biết ý định leo lên trụ tháp của tôi để chụp ảnh, anh bạn đồng nghiệp đi cùng và công nhân thi công nhìn tôi đầy ái ngại. Tuy nhiên khi đứng trên cao, tôi mới thấy được một quần thể các dự án giao thông từ thủy đến bộ, kết nối vào nhau tựa như những đường chỉ tay mang nhiều kỳ vọng cho khu vực. Từ trên vị trí này, tôi cũng cảm nhận rõ hơn nỗi vất vả của công nhân và những con người gắn bó với cầu, với đường quanh năm, suốt tháng. Tất cả như động lực nâng bước tôi tận lực với nghề.

Ý kiến của bạn

Bình luận