Mức phí nào cho BOT đường thủy?

Ý kiến phản biện 28/03/2018 14:45

Dự kiến vào cuối năm nay, dự án cải tạo luồng sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Bình Lợi (TPHCM) tới cảng Bến Súc (tỉnh Bình Dương), sẽ hoàn thành và tiến hành thu phí. Nhiều người đang thắc mắc phí đường thủy sẽ được thu như thế nào, liệu có rẻ hơn so với đường bộ hay không?

 

Mức phí nào cho BOT đường thủy
Nhà thầu đang thi công cầu đường sắt Bình Lợi. Ảnh: Anh Quân

Rẻ hơn phí đường bộ

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, cho biết dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn và xây mới cầu sắt Bình Lợi dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018. Đây là dự án BOT đường thủy đầu tiên tại TPHCM thu phí để hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Việc trả phí luồng, lạch được thực hiện khi ra vào cảng, bến thủy nội địa theo quy định. Các cảng vụ đường thủy nội địa quản lý cảng, bến trong khu vực tuyến luồng Sài Gòn (từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc) là cơ quan thu phí.

Các cơ quan thu phí thực hiện thu theo hợp đồng với nhà đầu tư và được giữ lại 2% trên tổng số tiền phí thu được để chi cho việc tổ chức phu phí. Số phí thu được còn lại sẽ được chuyển cho nhà đầu tư để hoàn vốn đầu tư xây dựng dự án.

Trao đổi với báo chí hôm 20-3, ông Vũ Đức Cúc, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, việc thu phí không cào bằng hết các tàu qua cầu Bình Lợi mà chỉ những tàu có tải trọng 300 tấn trở lên mới phải đóng phí. Việc không thu phí tàu dưới 300 tấn sẽ không ảnh hưởng đến người dân sử dụng tàu nhỏ để vận chuyển hàng hóa trên sông Sài Gòn mỗi khi qua cầu Bình Lợi. Giá thu dự kiến khoảng 70 đồng/tấn/km, thời gian thu kéo dài 20 năm 9 tháng với hơn 1.100 tỉ đồng.

Vẫn theo ông Cúc, thời gian thu và giá thu nói trên dựa trên thời gian hoàn vốn của dự án và đã có so sánh với các loại hình vận tải khác của TPHCM, tỉnh Bình Dương.

Theo ông, một xe đầu kéo đi từ TPHCM đến Bình Dương chỉ chở được một container 40 feet, trong khi mỗi tàu hàng loại 300 tấn có thể chở được 20 container loại 20-40 feet. “Trong khi mức phí của đường thủy chỉ 70 đồng/tấn/km thì phí đường bộ tính bình quân khoảng 240 đồng/tấn/km. Như vậy giá đường thủy rẻ hơn nhiều”, ông Cúc phân tích.

Phía chủ đầu tư dự án cho rằng, việc đẩy mạnh vận tải thủy sẽ kéo giảm chi phí vận tải rất lớn cho các doanh nghiệp giúp giảm vận tải đường bộ.

Cần giám sát để tránh sai lầm

Nói về chủ trương đầu tư các dự án BOT đường thủy, ông Phạm Sanh, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng xã hội hóa là tốt. Tuy nhiên, cách làm và việc kiểm soát suất đầu tư các dự án còn tồn tại nhiều bất cập dẫn đến tổng mức đầu tư cao, kéo theo thời gian thu phí kéo dài làm dư luận bức xúc.

Ngay ở dự án cải tạo luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi (TP HCM) tới cảng Bến Súc (tỉnh Bình Dương) thời gian thu kéo dài 20 năm 9 tháng. Đối với mức phí ở dự án này là 70 đồng/tấn/km. Nếu tàu chở hàng có trọng tải 1.000 tấn sẽ phải đóng phí 70.000 đồng/km. Nếu đi hết 71 km đoạn đường mà nhà đầu tư BOT nâng cấp, cải tạo thì phí phải đóng lên đến gần 5 triệu đồng/lượt.

Ông cho rằng nếu như trên đường bộ, người dân còn có sự lựa chọn giữa đường BOT và đường do ngân sách làm (dù là rất ít) nhưng đối với đường thủy thì toàn là độc đạo, muốn đi đường khác cũng không thể đi được. Vì vậy, việc thu phí đường thủy phải tính toán sao cho phù hợp, thậm chí có thể trợ giá cho nhà đầu tư để đưa mức phí xuống thấp giống như vé xe buýt để khuyến khích doanh nghiệp vận tải bằng đường thủy. Nếu không doanh nghiệp lại dồn hết vào vận tải đường bộ thì lại gây ra quá tải, trong khi đường thủy chẳng ai đi.

Ông Sanh khuyến cáo các cơ quan nhà nước cần vào cuộc để giám sát, tránh những sai lầm như BOT đường bộ, gây bất bình cho người dân. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu kỹ để tránh phí chồng phí.

Ông Long, chủ một doanh nghiệp vận tải đường thủy ở TPHCM, nói rằng loại hình vận tải đường thủy chủ yếu nhờ vào khai thác tự nhiên, chỉ cần nạo vét, khơi thông dòng chảy ở một số đoạn để đảm bảo luồng tuyến cho tàu đi lại được. Nếu thu phí quá cao, thậm chí còn cao hơn cả đường bộ, thì chẳng doanh nghiệp nào sử dụng luồng BOT.

Trước ý kiến của chuyên gia và nhà đầu tư, ông Cường của Sở GTVT TPHCM, đề nghị chủ đầu tư phải đưa ra dự thảo phương án tài chính và phương án thu phí mới để TPHCM phản biện trước khi chính thức đưa vào thực hiện. Lý do là trước đó, Bộ Tài chính có thông tư cho phép Công ty TNHH đầu tư BOT Bình Lợi thu phí với giá 70 đồng/tấn/km. Tuy nhiên, hiện nay Luật Phí và Lệ phí ra đời nên phải điều chỉnh cho hợp lý.

Ý kiến của bạn

Bình luận