Nỗ lực gỡ vướng vật liệu xây dựng cao tốc Bắc - Nam

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Đường bộ 08/02/2022 08:49

Các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đang gặp nhiều khó khăn do khan hiếm vật liệu, đơn giá, cơ chế… Họ kỳ vọng gì ở năm 2022 khi đồng loạt nhiều dự án cùng thi công?

 

thi cong cao toc bac nam cam lam vinh hao

Tình trạng nguồn cung, đơn giá, định mức vật liệu đang là trở ngại lớn đối với nhiều nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam

Khan hiếm vật liệu

Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam, theo Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, đơn vị tham gia nhiều gói thầu cao tốc Bắc - Nam, với công nghệ và năng lực của các nhà thầu hiện nay hoàn toàn có thể rút ngắn tiến độ từ 3 năm xuống 2 năm, nhưng vấn đề khó khăn là vật liệu, giá thép tăng chóng mặt thời gian qua làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Bên cạnh đó, đơn giá đất, cát đã tăng hơn 20 - 30% so với dự toán. Trong khi việc điều chỉnh giá trong hợp đồng còn vướng mắc, như đất không được tính điều chỉnh giá nên nhà thầu xây dựng rất khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả, tiến độ.

Riêng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, vật liệu san lấp cần cung cấp cho đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dự kiến thiếu 4,7 triệu m3. Để có nguồn vật liệu thi công dự án, nhà đầu tư (Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm) kiến nghị tỉnh Khánh Hòa được lập phương án và múc đất mặt bằng trước mắt tại 5 vị trí đồi đất lân cận tuyến đường cao tốc với tổng trữ lượng khoảng hơn 1 triệu m3. Mặc dù kiến nghị này đã được tỉnh Khánh Hòa đồng ý về chủ trương, cho phép nhà đầu tư được lập phương án và múc đất tạo mặt bằng tại 5 vị trí, tuy nhiên, các điểm này nằm ngoài quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản của tỉnh nên hiện chưa áp dụng Nghị quyết 133 của Chính phủ. Hiện nay, Khánh Hòa đang lập hồ sơ, điều chỉnh quy hoạch, đưa các điểm mỏ đề xuất vào quy hoạch trình HĐND tỉnh thông qua, sau đó mới áp dụng Nghị quyết 133.

Không chỉ khan hiếm các vật liệu đất, cát, đá mà giá thép tăng chóng mặt thời gian qua đã làm cho các nhà thầu lỗ hàng chục tỷ đồng. Ông Đào Việt Tiến - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thăng Long cho biết đang tổ chức thi công nhiều cầu tại hai gói thầu XL-01 (cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết) và XL04 (cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây) với nhu cầu sử dụng khoảng 2.000 tấn thép. Thời điểm đấu thầu, giá thép khoảng 12.600 đồng/kg, đến nay đã lên 18.000 đồng/kg. Với mức giá này, ước tính nhà thầu sẽ thua lỗ hàng chục tỷ đồng ở dự án này.

Từ đầu năm đến nay, giá thép tăng từng ngày khiến các nhà thầu như ngồi trên lửa, tình trạng giá thép tăng cao và rất khó mua đang lan khắp 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, khiến các nhà thầu thi công hạng mục cầu vượt sông đứng trước nguy cơ chậm tiến độ và lỗ nặng.

Trước sự cạnh tranh trong quá trình đấu thầu các dự án cao tốc Bắc - Nam rất lớn nên các nhà thầu chỉ bỏ giá thép quanh mức giá 11.000 - 12.000 đồng/kg khi bỏ thầu dự án, dẫn đến việc giá thắng thầu và giá thực tế phải mua vào đang tồn tại một khoảng cách lớn. Bên cạnh đó, do nhu cầu xây dựng tăng, không chỉ thép mà giá nhiều chủng loại vật liệu cơ bản phục vụ thi công tại dự án đường cao tốc Bắc - Nam như xăng dầu, xi măng cũng tăng cao.

Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam, thời gian qua, Bộ Công thương đã từng bước điều chỉnh nguồn cung thép, bình ổn giá thép, tránh hiện tượng đầu cơ ép giá. Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan thuộc Bộ nghiên cứu xây dựng hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, chủ động triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép.

Đối với nguồn vật liệu đất đắp nền đường cao tốc thiếu hơn 22 triệu m3, sau khi Chính phủ ban hành liên tục hai Nghị quyết (Nghị quyết số 60 và 133), đến nay, nhu cầu vật liệu cho các dự án thành phần cao tốc đang thi công chỉ còn thiếu khoảng 10 triệu m3, tập trung chủ yếu ở hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai; nguồn vật liệu đất đắp nền đường đã dần ổn định.

Tháo gỡ về cơ chế đơn giá, định mức

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Khôi - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho rằng, trong thời gian tới, nguồn công việc trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giao thông sẽ rất lớn, đặc biệt là tại các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025. Chúng tôi mong chờ sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư, xây lắp giao thông, đặc biệt là các cơ chế, chính sách về đơn giá định mức.

Thời điểm vừa qua, đơn giá định mức trong lĩnh vực đầu tư xây dựng giao thông quá thấp, làm cho các doanh nghiệp xây dựng cơ bản giao thông rất khó khăn. Doanh nghiệp không có việc làm thì phá sản ngay, nhưng doanh nghiệp tìm kiếm được nguồn công việc cũng lao đao chẳng kém vì đơn giá định mức quá thấp, càng làm càng không có lãi dẫn tới không có nguồn lực để tái sản xuất, mở rộng công nghệ.

Sắp tới, khối lượng công việc xây lắp hạ tầng giao thông rất lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có tâm, có tầm, có đủ năng lực tài chính thì mới có thể cải thiện năng lực tổ chức thực hiện, đặc biệt là công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại nhằm nâng cao nâng suất lao động.

Thẳng thắn nhìn nhận, khó khăn, vất vả thì các doanh nghiệp trong ngành xây lắp giao thông đã trải qua rất nhiều nhưng với cơ chế đơn giá, định mức thấp như hiện nay, nếu không có cơ chế hỗ trợ thì các doanh nghiệp có tâm huyết đến mấy cũng sẽ rất khó để phát triển.

Đây là điều trăn trở lớn nhất của các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây lắp giao thông trong bối cảnh hiện nay. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn nhận được sự động viên, chia sẻ, định hướng từ Chính phủ, trực tiếp là Bộ GTVT cũng như các bộ, ngành liên quan để đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trong ngành GTVT.

Ý kiến của bạn

Bình luận