Nỗi niềm… phóng viên thường trú

Tác giả: Xuân Lộc

saosaosaosaosao
Tiêu điểm tháng 21/06/2022 16:50

Với những PV thường trú tại địa phương như chúng tôi, phải thừa nhận bên cạnh thuận lợi cũng không ít khó khăn, vất vả và cả những “đắng cay”…

PV phỏng vấn “người hùng”  Hoàng Văn Tâm (xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) trong trận lũ lụt lịch sử đêm 14/10/2016 đã cứu sống hơn 10 người trong thôn bị lũ cuốn trôi

PV phỏng vấn “người hùng” Hoàng Văn Tâm (xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) trong trận lũ lụt lịch sử đêm 14/10/2016 đã cứu sống hơn 10 người trong thôn bị lũ cuốn trôi

Là PV thường trú, trước hết bản thân phải có tính độc lập cao, không chỉ độc lập trong suy nghĩ mà còn cả trong hoạt động tác nghiệp và tự chịu trách nhiệm mọi vấn đề. Bởi, PV thường trú hầu hết phải ở xa tòa soạn, thường ít có điều kiện trao đổi, bàn bạc cụ thể với lãnh đạo, đồng nghiệp trong cơ quan, vì thế đòi hỏi bản thân phải không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng về nhiều mặt, nhất là trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và bản lĩnh của một nhà báo chuyên nghiệp. PV luôn phải độc lập suy nghĩ và tự quyết định viết cái gì, viết ở đâu, viết như thế nào?...

Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp tại địa phương, phải thừa nhận rằng bên cạnh những niềm vui, thuận lợi thì PV thường trú cũng gặp không ít khó khăn, nỗi buồn, thậm chí có thể vấp phải sai lầm, khuyết điểm. Vì vậy, bản thân PV rất cần sự quan tâm, giúp đỡ, chỉ bảo chân thành, thẳng thắn trên tinh thần đồng chí, đồng nghiệp ở tòa soạn và địa phương, đặc biệt là của bạn đọc...

Mặt khác, làm PV thường trú cũng có những nỗi buồn và cả điều “tế nhị” nhiều khi không biết “bày tỏ cùng ai”... Đó là việc không ít vụ sai phạm, yếu kém, tiêu cực... của một số quan chức ở địa phương, PV thường trú mặc dù biết rất rõ nhưng do quen biết, thân thiết, vì vậy đã nể nang hoặc ngại “va chạm”, sợ “mất lòng” nên đã làm ngơ theo kiểu “mũ ni che tai”.

Không những vậy, là PV thường trú tại địa phương nên thường “chạm mặt” với nhiều cán bộ lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị, thành phố... Không ít cán bộ, lãnh đạo tỉnh, huyện, sở, ngành vốn quen biết, thậm chí khá thân thiết, nay những cán bộ ấy mắc sai phạm, tiêu cực..., vậy PV sẽ phản ánh vấn đề đó như thế nào, có dám dũng cảm đấu tranh không?

Khoảng thời gian làm PV của báo ngành thường trú tại địa phương, bản thân tôi đã có không ít bài điều tra “vạch trần” những vụ việc sai phạm, tiêu cực, tham nhũng, những bất cập tại địa phương. Nhiều bài viết điều tra về những vấn đề “nóng” gây bức xúc trong dư luận... tại địa phương, được Ban biên tập và bạn đọc hoan nghênh, đón nhận. Tuy nhiên, để có được nguồn tin chính xác, tin cậy, bản thân cũng gặp không ít khó khăn, gian khổ và cả những “hiểm nguy” rình rập. Bởi, không ít lần bản thân bị các đồng chí lãnh đạo tỉnh “mời” đến trụ sở làm việc; bị “phê bình nghiêm khắc” vì có nhiều bài viết phê bình, nêu những hạn chế, yếu kém, tiêu cực tại địa phương “gây dư luận không tốt đối với cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh”. Ngoài ra, PV không ít lần còn bị nạt: “Nếu em (phóng viên) cứ tiếp tục có bài viết phê bình tỉnh như thời gian qua, anh sẽ có văn bản gửi đến đồng chí tổng biên tập, khi ấy em đừng có trách nhé!...”.

Chưa hết, khi đụng chạm đến hoạt động khai thác tài nguyên trái phép, không ít lần bản thân nhận được những cuộc điện thoại, tin nhắn hăm dọa, miệt thị, thách thức... của dân xã hội.

PV thường trú tại địa phương luôn gặp rất nhiều khó khăn, áp lực, bởi vậy đòi hỏi PV phải không ngừng tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh, dũng cảm, không cam chịu “khuất phục” trước sự đe dọa của các thế lực. Có như vậy mới xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Báo chí là mặt trận”, “nhà báo là chiến sĩ”....

 

Ý kiến của bạn

Bình luận