Phi công trực thăng của Australia bị tàu cá chiếu tia laser trên Biển Đông

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
01/06/2019 10:34

Mới đây, quân đội Australia công bố thông tin cho rằng một số trực thăng quân sự của họ đã bị khóa mục tiêu bằng tia laser trong lúc đang hoạt động trên khu vực Biển Đông trong tháng này.

tau_australia__newscorp2742320_3152019.
 

"Một số phi công trực thăng đã bị tia laser nhắm vào trong lúc đang đi qua các tàu đánh cá" - Euan Graham, thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia viết trên blog The Strategist. Ông Graham lúc đó đang ở trên chiến hạm mà các máy bay trực thăng này lấy làm chỗ hạ cánh.

Phát biểu với kênh CNN, ông Graham cho hay ông không trực tiếp chứng kiến sự việc nhưng các phi công Australia đã kể với ông rằng họ bị tia laser thương mại nhắm người nhiều lần trong lúc thực hiện các nhiệm vụ trên Biển Đông. Lúc đó, ông Graham đã có mặt trên tàu HMAS Canberra, chiến hạm thuộc Hải quân Hoàng gia Australia và được sử dụng làm bãi đậu trực thăng quân sự trong lúc hoạt động trên khu vực Biển Đông và Ấn Độ Dương. Đây là nhiệm vụ kéo dài 3 tháng và sẽ kết thúc trong tuần này.

Một tuyên bố mà phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Australia đưa ra cũng khẳng định, lực lượng của họ trên khắp khu vực đã báo cáo về việc bị chiếu tia lasernhiều hơn trong thời gian qua. "Lý do đằng sau việc các tàu thương mại sử dụng tia laser vẫn chưa rõ, nhưng có thể là do muốn gây sự chú ý về sự hiện diện của họ trên các tuyến hàng hải đông đúc" - tuyên bố nêu rõ.

Trên biển, các ngư dân thường sử dụng tia laser để cảnh báo các tàu khác đang di chuyển quá sát họ.

"Hành động này là hợp lý nếu họ muốn tránh va chạm giữa các tàu, nhưng rõ ràng máy bay thì không gây mối đe dọa trực tiếp nào tới các tàu hoạt động trên Biển Đông" - ông Graham nói.

Ông Graham nói rằng, tàu HMAS Canberra cùng nhiều tàu khác của Australia đang hoạt động cùng với nó cũng thường xuyên bị chiến hạm Trung Quốc theo dõi trong lúc đang hoạt động trên Biển Đông, ngay cả khi các tàu này không hề tiếp cận các đảo hay bãi đá mà quân đội Trung Quốc chiếm đóng.

Thông tin liên lạc qua sóng radio giữa lực lượng Australia và Trung Quốc vẫn diễn ra hài hòa - ông Graham nói.

Mới đây, một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định rằng việc phi công Australia bị các tàu cá Trung Quốc chiếu tia laser là "không đúng với thực tế". Phát ngôn viên Wu Qian nói trước báo giới rằng, Australia nên "tự xem lại mình" trước khi đổ lỗi cho người khác.

Trung Quốc hiện nay tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực rộng 1,3 triệu dặm vuông trên Biển Đông. Một phần trong kế hoạch tuyên bố chủ quyền, Bắc Kinh vận hành một lực lượng dân quân hàng hải trong khu vực, bao gồm nhiều tàu đánh cá giúp sức cho hải quân Trung Quốc.

Theo một báo cáo từ trang China Military Online, ở đảo Hải Nam, nằm trên Biển Đông, các ngư dân địa phương đã tham gia hỗ trợ trên 250 nhiệm vụ hành pháp trên biển trong giai đoạn 3 năm kết thúc vào năm 2016.

Giới chức quân đội Mỹ từng nói với CNN vào năm ngoái rằng, có ít nhất 20 vụ việc bị chiếu laser nghi do Trung Quốc thực hiện nhằm vào lực lượng của họ ở khu vực Đông Thái Bình Dương, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2017 đến tháng 6/2018. Vào tháng 5/2018, giới chức quốc phòng Mỹ nói rằng nhân sự Trung Quốc đóng tại căn cứ quân sự của nước này ở Djibouti đã sử dụng tia laser chiếu vào máy bay quân sự của Mỹ gần một căn cứ của Mỹ.

Theo giới chuyên gia, các phi công bị chiếu tia laser thường có triệu chứng mất phương hướng, những cơn đau, co thắt và mất tầm nhìn. Tầm ảnh hưởng có thể gây ra chứng mù tạm thời, có khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Ý kiến của bạn

Bình luận