Quản lý, khai thác đường cao tốc hiện nay: Kinh nghiệm hay từ Nhật Bản

Giao thông toàn cầu 23/04/2022 07:05

Với bề dày kinh nghiệm quản lý, vận hành hệ thống đường cao tốc từ năm 1963, Nhật Bản là hình mẫu tham khảo cho Việt Nam. PV Tạp chí GTVT đã có cuộc trao đổi với ông Shimizu Akira - Trưởng Đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam để hiểu rõ hơn về cách thức quản lý, vận hành hệ thống đường cao tốc tại Nhật Bản.


 

Ông Shimizu Akira - Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam

Ông Shimizu Akira - Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam

Thưa ông, công tác giám sát và xử lý sự cố trên các tuyến cao tốc ở Nhật Bản được thực hiện như thế nào?
Ông Shimizu Akira: Mạng lưới cao tốc của Nhật Bản có tổng chiều dài 9.145 km, kết nối hầu hết các khu vực, đô thị lớn trên toàn đất nước Nhật Bản. Trong khai thác quản lý đường cao tốc, điều quan trọng nhất là đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn cho các phương tiện. Do các phương tiện lưu thông với tốc độ rất cao nên dù chỉ một chênh lệch nhỏ về cao độ hoặc có chướng ngại vật trên đường cũng có thể gây ra tai nạn nghiêm trọng. Vì vậy, việc quản lý, khai thác đường cao tốc đòi hỏi sự chú ý cao độ và cần nhiều biện pháp đảm bảo an toàn hơn so với đường bộ thông thường.Để phát hiện những phương tiện gặp sự cố hoặc tai nạn, đơn vị quản lý vận hành cao tốc lắp đặt các camera giám sát và tổ chức tuần tra trên tuyến với tần suất cao, có thể lên đến hơn 10 lần/ngày. Khi phát hiện sự cố thì lập tức cử xe xử lý sự cố đến hiện trường, tiến hành hạn chế giao thông, hợp tác với CSGT để giải quyết trong thời gian ngắn nhất. Trường hợp camera giám sát, người đi đường hoặc đội tuần đường phát hiện có vật rơi trên đường, đơn vị quản lý phải lập tức thu hồi nhanh chóng. Để cảnh báo các phương tiện trong trường hợp đoạn đường đang xử lý sự cố hoặc sửa chữa, các công ty quản lý đường cao tốc Nhật Bản đã sáng chế ra những thiết bị ngăn chặn các xe lao vào khu vực đang tác nghiệp và sáng chế ra cả những xe tác nghiệp mà bản thân chiếc xe đó có thể trở thành vành đai bảo vệ cho nhân viên tác nghiệp trên đường.

Tình trạng ùn tắc trên các tuyến cao tốc được hạn chế bằng cách nào, thưa ông?
Ông Shimizu Akira: Vào những dịp nghỉ lễ dài ngày như Ô-bôn hoặc dịp Tết, nguy cơ ùn tắc tại các lối ra, vào cao tốc rất cao. Tuy nhiên, tình trạng này đã được giải quyết phần lớn nhờ áp dụng thu phí không dừng ETC, được triển khai rộng rãi ở Nhật Bản từ năm 2001. Hiện nay, hơn 90% phương tiện tại Nhật Bản đã sử dụng ETC, nhờ đó tình trạng ùn tắc trên cao tốc được cải thiện đáng kể.Ngoài ra, trong những ngày thời tiết xấu như bão, tuyết rơi nhiều, bảng điện tử trên cao tốc sẽ hiển thị cảnh báo, có trường hợp sẽ yêu cầu giảm tốc độ tối đa hoặc thông báo sớm trên các phương tiện truyền thông để tổ chức đóng đường có kế hoạch, đề phòng tình trạng nguy hiểm hoặc ùn ứ do thiên tai. Bên cạnh đó, trên các tuyến cao tốc Nhật Bản có phát sóng radio cung cấp thông tin về tai nạn, thời tiết, tình trạng ùn tắc cho người lái, giúp người lái nâng cao chú ý cũng như lựa chọn tuyến đường khác khi cần thiết.

Một tuyến cao tốc tại Nhật bản

Một tuyến cao tốc tại Nhật bản

Ông có thể chia sẻ về cơ chế quản lý tài chính của các tuyến cao tốc tại Nhật Bản?

Ông Shimizu Akira: Một đặc điểm có liên quan lớn đến việc khai thác, quản lý đường bộ cao tốc ở Nhật Bản đó là có một tổ chức duy nhất thực hiện việc xây dựng, quản lý đường cao tốc và có cơ chế hòa chung nguồn thu chi của các tuyến đường. Vào năm 1956, Cơ quan Đường bộ Nhật Bản (Japan Highway Public Corporation - JH) đã được thành lập với mục đích xây dựng mới, sửa chữa, duy tu bảo dưỡng, quản lý một cách tổng hợp và có hiệu quả hệ thống cao tốc tại Nhật Bản. Vào năm 1972, cơ chế quản lý tài chính theo dạng hoàn vốn từng tuyến đã được thay thế bằng cơ chế tài chính hòa chung thu chi cho toàn tuyến. Có nghĩa là, chi phí cho tất cả các tuyến cao tốc trên toàn quốc được chi trả từ nguồn thu tổng của tất cả các tuyến đó. Vì lý do này, hiện nay trên toàn nước Nhật Bản không có tuyến đường cao tốc nào được chuyển thành miễn phí. Mặt khác, nhờ cơ chế này mà việc xây dựng các tuyến cao tốc đến những vùng miền có nhu cầu giao thông thấp trở nên khả thi.

Những năm qua, Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của hệ thống cao tốc Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về công tác quản lý vận hành cao tốc tại Việt Nam hiện nay?

Ông Shimizu Akira: Trong nhiều năm qua, JICA đã hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và đào tạo con người cho công tác quản lý vận hành cao tốc bên cạnh việc hỗ trợ về nguồn vốn xây dựng cao tốc tại Việt Nam. Xuất phát từ những hợp tác của JICA, đã có những thành quả cụ thể được đưa vào hệ thống quản lý đường bộ cao tốc Việt Nam như: TCVN 10850:2015 về Hệ thống giám sát điều hành giao thông trên đường cao tốc, TCVN 10851:2015 về Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đường cao tốc...Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tự hoàn thiện được trình độ kỹ thuật của mình trong việc xây dựng các tuyến cao tốc, nhưng mặt khác vẫn có những vụ tai nạn đau lòng xảy ra trên đường cao tốc. JICA mong muốn tiếp tục hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật, phương pháp quản lý, góp phần thực hiện mục tiêu vận hành trơn tru, an toàn và bền vững hệ thống đường bộ cao tốc của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

 

Ý kiến của bạn

Bình luận