Quản lý, khai thác đường cao tốc hiện nay:Cần hoàn thiện cơ chế vận hành

Tác giả: H. Điệp - H. Long

saosaosaosaosao

Kể từ khi tuyến cao tốc đầu tiên của nước ta – tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 40km, đưa vào khai thác ngày 3/2/2010, đến nay, cả nước có 1.163 km đường cao tốc, năm 2023 sẽ hoàn thành thêm 916 km đang xây dựng. Các tuyến đường cao tốc đã và đang phát huy hiệu quả vô cùng to lớn, là động lực phát triển KT-XH và hiện thực hóa 3 đột phá chiến lược. Tuy nhiên sau 11 năm xây dựng và khai thác, thực tế cũng đang đặt ra hàng loạt vấn đề trong công tác quản lý, vận hành và khai thác cần tháo gỡ, khắc phục để phát triển mạnh mạng lưới giao thông hiện đại này; nhất là khi Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2025 nước ta xây dựng, đưa vào khai thác 3.000 km đường cao tốc.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Quản lý vận hành đường cao tốc ở chế độ đặc biệt

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, theo quy định của pháp luật xây dựng, giao thông đường bộ, quản lý sử dụng tài sản công, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và pháp luật liên quan, sau khi đầu tư xây dựng xong đường cao tốc sẽ được bàn giao cho chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình để quản lý, vận hành khai thác.

Mặc dù đối tượng thực hiện trách nhiệm của người quản lý, sử dụng đường cao tốc tùy thuộc vào nguồn vốn đầu tư, cơ chế giao đầu tư xây dựng như trên, nhưng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Xây dựng thì đường cao tốc đều phải được quản lý, khai thác đúng mục đích, công năng sử dụng và phải được bảo dưỡng, sửa chữa và các hoạt động bảo trì khác nhằm bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, phòng, chống các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng.

Cũng theo ông Huyện, ngoài các quy định chung về đường bộ, do đường cao tốc có yêu cầu đặc biệt trong vận hành khai thác nên Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2014/NĐ-CP quy định về Quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc; Bộ GTVT cũng đã ban hành Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT hướng dẫn một số nội dung về quản lý, khai thác, bảo trì đường cao tốc, sau đó được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 45/2018/TT-BGTVT, Thông tư số 08/2015/TT-BGTVT quy định về công tác cứu hộ và định mức dự toán công tác cứu hộ trên đường cao tốc. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng ban hành Thông tư số 49/2016/TT-BYT quy định về tổ chức và hoạt động cấp cứu TNGT trên đường bộ cao tốc.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng quy định bắt buộc từng dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc phải có quy trình quản lý, vận hành khai thác và bảo trì riêng phù hợp với quy mô công trình, đặc điểm vận hành khai thác, tổ chức giao thông của từng tuyến đường và các yêu cầu về bảo trì riêng; trách nhiệm bảo trì, sửa chữa, nguồn vốn thực hiện và cách thức tiến hành lập quy trình, kế hoạch bảo trì, tổ chức thực hiện, yêu cầu về chất lượng đường cao tốc, quy định về tổ chức thu phí đường cao tốc, thu phí điện tử tự động không dừng, cơ chế kiểm tra, giám sát quản lý, bảo trì, bảo đảm ATGT và giám sát thu phí...

Duy tu, bảo dưỡng trên tuyến cao tốc Sài Gòn - Trung Lương

Duy tu, bảo dưỡng trên tuyến cao tốc Sài Gòn - Trung Lương

Bộc lộ một số bất cập, hạn chế

Ông Lê Hồng Điệp - Vụ trưởng Vụ Quản lý, Bảo trì đường bộ (Tổng cục ĐBVN) cho biết, tính nến nay, về tổng thể các văn bản QPPL cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số hạn chế như: một số tổ chức, cá nhân được giao thực hiện trách nhiệm của người quản lý sử dụng chưa thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý, vận hành do hiểu biết về cơ chế chính sách của Nhà nước trong quản lý vận hành còn hạn chế; chủ công trình được giao thực hiện trách nhiệm quản lý, vận hành chưa mạnh, hạn chế về chuyên môn và thiếu nhân sự trình độ cao. Mặc dù đã có tiêu chuẩn kỹ thuật chung và hướng dẫn của Tổng cục ĐBVN trong xây dựng và lập quy trình bảo trì, quy trình vận hành khai thác nhưng một số dự án đường cao tốc khi đưa vào khai thác còn thiếu những nội dung cần thiết, chất lượng quy trình ở một số dự án chưa cao, chưa sát với đặc điểm công trình.

Nghị định số 32/2014/NĐ-CP có quy định việc công bố đưa đường cao tốc vào khai thác; quy định Bộ GTVT phê duyệt phương án tổ chức giao thông đặc biệt trên đường cao tốc (kể cả đường cao tốc của địa phương). Các quy định này trước đây còn phù hợp, tuy nhiên hiện nay cần xem xét điều chỉnh tăng thẩm quyền cho cấp tỉnh trong xây dựng phương án tổ chức giao thông, đồng thời nghiên cứu bỏ quy định công bố đường cao tốc hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác, do nội dung này được thực hiện sau khi Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng có thông báo kết quả nghiệm thu đủ điều kiện khai thác an toàn. Khó khăn khác là hiện nay một số tuyến cao tốc đưa vào khai thác nhưng chưa hoàn chỉnh việc đầu tư trung tâm ITS phục vụ quản lý, vận hành.

Việc bố trí nguồn vốn để thực hiện quản lý, vận hành khai thác đường cao tốc chưa kịp thời, có nơi bố trí chưa đầy đủ, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện. Trong điều kiện nguồn vốn còn khó khăn nhưng chưa ban hành được cơ chế thu phí đối với đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, việc tăng giá vé một số tuyến đường cao tốc đầu tư theo hình thức BOT chưa thực hiện được theo lộ trình, làm ảnh hưởng đến thời hạn hoàn vốn của nhà đầu tư và việc trả vốn cho ngân hàng tài trợ vốn đầu tư... Bên cạnh đó, tình trạng chở quá tải trọng trên một số tuyến cao tốc, một số người tham gia giao thông có hành vi vi phạm...

Khắc phục bất cập, tồn tại hoàn thiện cơ chế chính sách

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, chúng ta mới đưa đường cao tốc vào khai thác (cả nước hiện có 1.163 km đường bộ cao tốc, dự kiến đến năm 2023 sẽ hoàn thành khoảng 916 km đang đầu tư xây dựng) trên 10 năm, nên nhận thức của các doanh nghiệp được giao là chủ đầu tư và người quản lý sử dụng công trình còn hạn chế, nhất là các đối tượng lần đầu được giao đầu tư xây dựng.

Để khắc phục hiện tượng này cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực thi pháp luật cho các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng đường cao tốc, tuyên truyền giáo dục để tăng cường ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông trong việc vận tải đúng tải trọng, tốc độ, chấp hành biển báo hiệu, quy định phòng, chống và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và quy định của Nhà nước về quản lý, khai thác đường cao tốc.

Về cơ chế chính sách tuy đã đầy đủ, nhưng đã bộc lộ một số hạn chế cần bổ sung như phân cấp trong quản lý nhà nước cho các địa phương, đồng thời xây dựng dự thảo Luật Đường bộ mới, trong đó bổ sung các quy định về thu phí đối với đường cao tốc đầu tư từ ngân sách nhà nước; bổ sung cơ chế, định mức chi phí để thực hiện xã hội hóa hoạt động cứu nạn, cứu hộ nhằm thu hút nguồn lực tham gia giúp giảm tải cho các cơ quan y tế và lực lượng chức năng; bổ sung các cơ chế, chế tài về thu phí điện tử tự động không dừng; phân cấp trong tổ chức giao thông kể cả trường hợp tổ chức giao thông trong điều kiện đặc biệt khi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão, lụt và các cơ chế chính sách trong đầu tư phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS), đầu tư khai thác các nguồn lực từ trạm dừng, nghỉ dọc các tuyến cao tốc.

Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong quản lý, kiểm soát tải trọng xe; ứng dụng khoa học công nghệ trong theo dõi giám sát hành trình phương tiện, phát hiện vi phạm kích thước thành thùng bằng camera hoặc phương tiện xác định kích thước tự động và thực hiện xử lý phạt “nguội” đối với vi phạm này.

“Theo đó, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành khai thác thông qua hoàn thiện từng bước hệ thống ITS; giám sát lưu lượng xe và doanh thu thu phí; kiểm tra, theo dõi đánh giá tình trạng kỹ thuật và chất lượng đường cao tốc bằng các phần mềm quản lý cầu, quản lý đường, quản lý mặt đường và các thiết bị công nghệ hiện đại, giảm thời gian và nhân lực tham gia công việc này. Với các giải pháp trên, công tác quản lý, vận hành đường cao tốc trong thời gian tới sẽ được tăng cường về chất lượng, hiệu quả, đồng thời việc UTGT trên các cao tốc do ngân sách nhà nước đầu tư sẽ được giải quyết căn bản thông qua cơ chế thu phí”, ông Huyện nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận