Quản lý, khai thác đường cao tốc hiện nay:Đầu tư mạnh hệ thống ITS

Tác giả: Đình Quang

saosaosaosaosao
Đường bộ 23/04/2022 07:04

Sau 11 năm xây dựng và khai thác hệ thống đường cao tốc, thực tế đang đặt ra hàng loạt vấn đề trong công tác quản lý, vận hành và khai thác cần tháo gỡ, khắc phục để phát triển mạnh mạng lưới giao thông hiện đại này; nhất là khi Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2025 nước ta xây dựng, đưa vào khai thác 3.000 km đường cao tốc. Theo kế hoạch, toàn bộ 11 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2024. Vậy, khi các dự án này hoàn thành cấu phần xây dựng, hệ thống giao thông thông minh (ITS) sẽ được đầu tư thế nào để đảm bảo hiệu quả trong vận hành, khai thác?

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 đang thi công xây dựng, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác vào cuối năm 2022

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 đang thi công xây dựng, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác vào cuối năm 2022

2 km dọc tuyến cao tốc sẽ có 1 camera giám sát

Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI - tư vấn lập dự án) cho biết, theo thiết kế kỹ thuật được duyệt, hệ thống giao thông thông minh sẽ được đầu tư đồng bộ tại các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020.

Trong giai đoạn phân kỳ, các hệ thống thành phần ITS và thu phí của dự án được đầu tư, gồm: Hệ thống quản lý điều hành giao thông (hệ thống thu thập dữ liệu, hệ thống cung cấp thông tin, trung tâm quản lý giao thông); Hệ thống thông tin liên lạc (hệ thống truyền thông vô tuyến, hệ thống điện thoại nội bộ, hệ thống điện thoại khẩn cấp); Hệ thống truyền dẫn (truyền dẫn cáp quang); Hệ thống thu phí (ETC, MTC).

Theo đại diện TEDI, trong hệ thống thu thập dữ liệu gồm hệ thống camera giám sát (CCTV) sử dụng camera IP được lắp đặt tại các vị trí điểm ra/vào, giao cắt, tách, nhập làn cao tốc, những điểm đoạn đường có nguy cơ xảy ra sự cố và tắc nghẽn giao thông, điểm cong hạn chế tốc độ; dọc tuyến trung bình 2 km/vị trí được lắp đặt trên cột đảm bảo chiều cao 15 m tính từ mặt đường xe chạy.

Đại diện TEDI cho rằng, việc lắp đặt hệ thống camera giám sát nhằm hỗ trợ giám sát tình trạng giao thông trên toàn tuyến cao tốc, đảm bảo không có điểm mù, tại vị trí tĩnh cung cấp dữ liệu hình ảnh cho hệ thống phát hiện sự cố giao thông. Đồng thời, hệ thống phát hiện xe (VDS) cũng sẽ được lắp đặt tại các điểm ra/vào của các nút giao thông trên tuyến. Mỗi vị trí có 1 camera quan sát đếm xe theo 1 hướng lưu thông, đảm bảo chiều cao 7 m tính từ mặt đường xe chạy.

“Khi lắp đặt hệ thống VDS sẽ giúp đơn vị quản lý tuyến đường đo đếm lưu lượng, tốc độ, định danh phương tiện, phát hiện xe và tự động phát hiện sự cố”, đại diện TEDI chia sẻ và cho biết thêm, trong hệ thống thu thập số liệu còn có hệ thống kiểm tra tải trọng xe để đo tải trọng trục, dữ liệu hình ảnh, tự động cảnh báo xe quá tải trọng… Đồng thời, tại các lối ra/vào cao tốc Bắc - Nam sẽ được đầu tư hệ thống biển báo thông tin thay đổi đặt cách trước lối ra vào khoảng 1 - 3 km trên giá long môn cung cấp các thông tin về tình trạng lưu thông, điều khiển đường và đóng đường trong tình trạng cần thiết.

Đặc biệt, trong hệ thống ITS của dự án cao tốc Bắc - Nam sắp tới sẽ đầu tư các trung tâm quản lý giao thông (hệ thống báo hiệu điều khiển giao thông, hệ thống quản lý sự cố giao thông, hệ thống giám sát thiết bị) nhằm quản lý, điều hành giao thông toàn bộ tuyến cao tốc và điều khiển quản lý giám sát tập trung các hệ thống thành phần ITS trên tuyến đường.

Khắc phục hạn chế hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc hiện hữu

Theo ông Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục ĐBVN), ở Việt Nam hiện mới có 6/21 tuyến cao tốc được đầu tư lắp đặt hệ thống ITS là: Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 dài 654 km, đi qua 13 tỉnh, thành, gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng, gồm 8 dự án đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Tuy nhiên, hệ thống ITS đã được lắp trên các tuyến cao tốc này chỉ có một số phân hệ cơ bản nhất của hệ thống giao thông thông minh như: hệ thống truyền dẫn, hệ thống camera quan sát, hệ thống dò đếm xe, hệ thống biển báo điện tử, hệ thống thu phí…

Trong khi đó, hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sẽ được triển khai một cách đồng bộ, ứng dụng những công nghệ mới, phù hợp với tình hình Việt Nam. Hệ thống ITS sẽ được triển khai theo mô hình phân cấp theo quy mô và phạm vi chức năng quản lý, được kết nối, chia sẻ dữ liệu cũng như nhất quán trong nghiệp vụ quản lý, vận hành khai thác và bảo trì. “ITS trên cao tốc Bắc - Nam sẽ sử dụng kết nối thông tin giữa hệ thống giao thông, phương tiện đang di chuyển và con người nhằm hình thành một mạng lưới, qua đó tối ưu việc vận hành và tham gia vào quá trình điều tiết giao thông”, ông Toàn cho hay.

TS. Nguyễn Hữu Đức - nguyên chuyên gia cao cấp Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, khái niệm ITS nở rộ từ hơn 10 năm về trước, khi tuyến cao tốc đầu tiên của cả nước là TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương được đưa vào sử dụng. Khi ấy, công nghệ ITS trên tuyến này được các nhà thầu Hàn Quốc lắp đặt và chuyển giao.

 

“Hệ thống ITS ra đời nhằm giải quyết bài toán thu thập dữ liệu đầy đủ, chính xác, trong thời gian thực nhằm giúp người quản lý, điều hành giao thông có thể nhận biết toàn diện tình huống và đưa ra cách xử trí kịp thời, hiệu quả. Việc lắp đặt hệ thống ITS trên tuyến cao tốc Bắc - Nam không ngoài mục đích đảm bảo ở mức cao nhất về ATGT, nâng cao hiệu suất lưu thông”, ông Đức chia sẻ.

Thông tin thêm với Tạp chí GTVT, một chuyên gia trong lĩnh vực ITS cho rằng, các hệ thống ITS đã triển khai ở nước ta chỉ mới sử dụng camera như một thiết bị chính phục vụ quản lý, giám sát giao thông. Bởi, camera sẽ bị giới hạn khả năng làm việc trong các điều kiện cực hạn như: thời tiết, ánh sáng, khói lửa… cũng như độ chính xác, khả năng tự động hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu. Nói nôm na, hệ thống camera đang phải gánh vác các nhiệm vụ quá sức so với các yêu cầu đề ra trong TCVN 10850:2015, chưa kể đến là việc đòi hỏi về độ dự trữ của hệ thống.

Cũng theo vị chuyên gia này, để khắc phục hạn chế trên, tại các dự án cao tốc Bắc - Nam sắp tới cần tích hợp thêm radar vào hệ thống ITS. Bởi hiện nay, công nghệ radar tầm xa đang trở nên phố biến và là xu hướng tất yếu trong việc hỗ trợ, tự động cảnh báo cho người lái xe: hỗ trợ giữ khoảng cách an toàn, hỗ trợ phanh, dừng khẩn cấp, hỗ trợ cảnh báo xe/người cắt ngang...

“Ngay khi cảm biến radar trở nên phổ biến, công nghệ radar cũng đã tích hợp vào các hệ thống giao thông thông minh và được xem như một giải pháp kỹ thuật hoàn hảo kết hợp cùng hệ thống camera nhằm tăng cường năng lực giám sát, quản lý giao thông trên đường cao tốc được toàn diện, liên tục, theo thời gian thực”, vị này chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận