Quảng Ninh: Siết chặt quản lý phương tiện thủy nội địa

Tác giả: Hồng Hạnh

saosaosaosaosao
17/05/2022 15:11

Nhằm phòng tránh những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên tuyến đường thủy nội địa xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo lực lượng chức năng các địa phương tăng cường quản lý, bảo đảm TTATGT đồng thời siết chặt công tác quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn. Qua đó tình hình an toàn giao thông đường thủy nội địa của tỉnh đã được duy trì, bảo đảm.

UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo lực lượng chức năng các địa phương tăng cường quản lý, bảo đảm TTATGT đồng thời siết chặt công tác quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa (Ảnh minh họa)

UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo lực lượng chức năng các địa phương tăng cường quản lý, bảo đảm TTATGT đồng thời siết chặt công tác quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa (Ảnh minh họa)

Bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, công an các địa phương phối hợp với Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh cùng lực lượng chức năng liên quan kiểm tra các điều kiện về đảm bảo an toàn giao thông và điều kiện kinh doanh vận tải của các phương tiện thủy nội địa, người lái, thuyền viên và bến cảng thủy nội địa, bến khách ngang sông, việc phòng chống cháy nổ, giấy phép lưu hành và bằng, chứng chỉ chuyên môn thủy nội địa theo quy định.

Bên cạnh đó, UBND các địa phương đã kiểm tra các điều kiện về cấp phép, lệnh xuất bến, các trang bị cứu sinh, cứu đắm trên phương tiện, đảm bảo theo đúng hướng dẫn tại Nghị định 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa. Yêu cầu chủ phương tiện phải lắp đặt thiết bị GPS theo đúng quy định đối với các phương tiện nằm trong diện lắp đặt.

Điển hình như tại TP. Hạ Long, UBND thành phố Hạ Long duy trì theo dõi, giám sát hoạt động của tàu du lịch hoạt động trên Vịnh thông qua hệ thống định vị GPS, bảo đảm không cấp phép cho phương tiện khi không có tín hiệu GPS đồng thời thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của tỉnh. Chỉ đạo Công an thành phố phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long thành lập các tổ công tác kiểm tra việc bảo đảm ATGT và điều kiện kinh doanh của tàu, thuyền hoạt động trên tuyến thủy nội địa, xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm đối với phương tiện thủy đang hoạt động neo đậu tại các khu vực vùng đệm ven bờ trên Vịnh Hạ Long.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền cho các chủ doanh nghiệp, người lái phương tiện, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, thuyền viên và người tham gia giao thông nhận thức và chấp hành các quy định khi tham gia giao thông đường thủy nội địa, phổ biến các kiến thức, kỹ năng xử lý khi gặp tình huống khẩn cấp, cứu nạn, cứu hộ hay sự cố bất ngờ, tai nạn giao thông đường thủy.

Phòng Quản lý đô thị và kinh tế hạ tầng các địa phương phối hợp với Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh, và các đơn vị liên quan chủ động tuyên truyền tới bà con, người tham gia giao thông đường thủy các quy định về bảo đảm an toàn, mặc áo phao trên suốt hành trình. Đặc biệt, đã tuyên truyền các quy định mới tại Nghị định 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

Tại TP Móng Cái, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an TP Móng Cái) và Trạm Biên phòng Mũi Ngọc (Đồn Biên phòng Trà Cổ) phối hợp tổ chức tuyên truyền an toàn giao thông đường thủy cho các ngư dân, chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa, hành khách hoạt động tại bến ngang sông Mũi Ngọc - Vạn Gia (phường Bình Ngọc). Theo đó, tuyên truyền các nội dung về nhận biết các biển báo, đèn tín hiệu, hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, nhận biết những lỗi vi phạm về trật tự ATGT đường thủy thường gặp, cách xử lý tình huống sự cố khi tham gia giao thông đường thủy; quy định về các luồng tuyến tại khu vực bến ngang sông Mũi Ngọc - Vạn Gia... Đồng thời đề nghị đại diện các ngư dân, chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa, hành khách tham gia ký cam kết chấp hành luật giao thông đường thủy nội địa.

Đảm bảo quy định về điều kiện kinh doanh vận tải

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT đã chỉ đạo Thanh tra giao thông và các phòng, ban, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các nội dung về an toàn giao thông, quản lý hoạt động thủy nội địa. Cụ thể, đã chủ trì phối hợp với UBND các địa phương kiểm tra đối với các doanh nghiệp vận tải, người điều khiển phương tiện bằng đường thủy về điều kiện kinh doanh vận tải, điều kiện an toàn của phương tiện. Rà soát các điều kiện an toàn của cảng bến thủy nội địa, bến khách, các điều kiện trong công tác đăng ký phương tiện, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoàn thiện thủ tục theo quy định thuộc thẩm quyền.

Cảng vụ Đường thủy nội địa, Thanh tra giao thông đã thành lập đoàn kiểm tra an toàn khai thác và hoạt động của cảng, bến khách ngang sông, bến đò, phương tiện về các điều kiện kinh doanh vận tải khách, bảo đảm an toàn trong hoạt động của phương tiện, người lái, thuyền viên và trang thiết bị an toàn cứu sinh, cứu đắm trong lễ hội Xuân Nhâm Dần và cả năm 2022.

UBND thành phố Hạ Long chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với Ban Quản lý Vịnh, UBND các phường kiểm tra, xử lý các phương tiện neo đậu gây ảnh hưởng đến ATGT và cảnh quan môi trường tại vùng nước ven bờ. Kết quả đã tạm giữ 07 phương tiện, đang hoàn thiện hồ sơ xử lý VPHC. Về quản lý hoạt động 504 tàu du lịch (317 tàu tham quan, 185 tàu lưu trú và 02 tàu nhà hàng); đủ điều kiện hoạt động 483 tàu; Giải quyết kiến nghị của chi hội tàu du lịch Hạ Long về việc đóng mới tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.

Công an thành phố chủ trì cùng các đơn vị có chức năng kiểm tra tổng thể các điều kiện về đảm bảo an toàn giao thông và điều kiện kinh doanh đối với: đơn vị kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa; các phương tiện thủy nội địa, người điều khiển phương tiện, các bến cảng thủy nội địa, bến khách ngang sông.

Ban Quản lý vịnh Hạ Long chủ trì cùng các đơn vị chức năng kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn giao thông và điều kiện kinh doanh của các du thuyển, tàu tham quan và nghi đêm, canô, kayak, đò chèo tay hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long và các khu neo đậu, các khu vực tổ chức hoạt động vui chơi giải trí dưới nước cho phương tiện thủy nhỏ (đối với các trường hợp đang ký hợp đồng với ban Quản lý vịnh).

UBND các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy; tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông đường thủy. Tập trung xử lý nghiêm khi phát hiện những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn như: cảng, bến hoạt động khi chưa được công bố, chưa đủ điều kiện; phương tiện không bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật, không đăng kiểm theo hạn định, thiếu dụng cụ cứu sinh, cứu đắm; chở hàng hóa quá tải trọng, quá vạch dấu mớn nước an toàn; thuyền viên, người lái phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định, sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện...

Ý kiến của bạn

Bình luận