Tài xế taxi bỏ nghề, shipper đi bộ để "né" bão giá xăng toàn cầu

Giao thông toàn cầu 15/03/2022 06:00

Giá xăng toàn cầu tăng cao kỷ lục đã ảnh hưởng đến giới tài xế taxi, xe công nghệ cũng như các đơn vị giao nhận trên thế giới.

petrol

Tài xế taxi, công nghệ giảm 40% thu nhập

Đối với các tài xế taxi như ông Andy Guan (Singapore), việc công ty thông báo tăng giá cước trong tháng này đáng lẽ sẽ mang đến niềm vui nhưng thực tế lại không có nhiều ý nghĩa.

Trong khi người khác có thể làm việc tại nhà thì ông Guan thường rong ruổi trên đường để kiếm khách. Đại dịch Covid-19 đã khiến lượng khách đi taxi sụt giảm nghiêm trọng và giờ ông còn một điều khác phải lo lắng, đó là giá xăng dầu tăng kỷ lục.

Dù cách xa nửa vòng trái đất nhưng ông vẫn có thể cảm nhận được hậu quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine thông qua giá nhiên liệu tăng cao đột biến. Ngày 10/3 vừa qua, giá tất cả các loại nhiên liệu tại Singapore đã đạt đỉnh. Chỉ trong vòng 1 tháng, giá xăng dầu đã tăng tới 17%.

Ông Guan không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp xăng dầu nào từ công ty, mà phải chịu hoàn toàn áp lực chi phí tăng cao, bên cạnh giá xăng dầu còn là chi phí thuê nhà, phí đậu xe và phí đường bộ.

Ông Guan cho hay, trước khi giá nhiên liệu tăng vọt, trung bình ông tốn khoảng 70 SGD (1,168 triệu đồng) cho một lần bơm đầy bình, còn giờ phải mất tới 100 SGD (1,669 triệu đồng).

Việc giá nhiên liệu tăng và những tác động của nó đã khiến thu nhập của ông Guan giảm ít nhất 40% và gặp rất nhiều khó khăn.

"Tôi có thể chịu được giá xăng tăng với điều kiện có khách nhưng hiện giờ tình hình vẫn rất ế ẩm do dịch bệnh. Thế nên kể cả công ty có tăng giá cước thì cũng không có ý nghĩa gì với cánh tài xế taxi chúng tôi." - ông Guan ngậm ngùi.

Chịu chung số phận với tài xế taxi là tài xế xe công nghệ.

"Trừ tiền ăn, tiền xăng và tiền thuê xe, trước kia trung bình tôi cầm về nhà được khoảng 50 SGD/ngày (834 nghìn đồng). Giờ thì tôi chỉ thu được khoảng 30 SGD/ngày" (500 nghìn đồng)" - Ông Riduwan Mohamod, một tài xế Grab 49 tuổi chia sẻ. Ông cho biết thêm, trước kia ông phải trả khoảng 30 SGD tiền xăng/ngày (500 nghìn đồng) nhưng giờ thì mất tới 40 SGD (667 nghìn đồng).

Ông Azhar Ismail, một tài xế chạy Grab nói, hiện tại thu nhập đã giảm đi rất nhiều và phần lớn thu nhập hàng ngày phải dùng để chi trả tiền xăng xe.

"Nhiều lúc tôi nghĩ, mình lái xe 8-10 tiếng/ngày nhưng số tiền kiếm được chẳng được là bao. Có lẽ tôi nên đi tìm công việc khác thôi." - Ông Azhar cho biết không có ý định gia hạn hợp đồng của mình với Grab dù đã làm việc 3 năm.

Dù không nói dự định tiếp theo nhưng ông Azhar cho rằng có lẽ tốt hơn là nên làm việc cho một công ty trả lương ổn định hàng tháng với thời gian làm việc cố định để đỡ áp lực tinh thần và tài chính hơn.

Còn tài xế taxi Guan thì chia sẻ, ông có ý định bỏ nghề lái taxi và chuyển sang công việc giao đồ ăn. Ông tin rằng có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Dù hóa đơn tiền điện hàng tháng có thể sẽ cao hơn do phải sử dụng thiết bị di động cá nhân nhưng ít ra thì vẫn rẻ hơn giá xăng dầu.

Tài xế Riduwan thì nói rằng ông vẫn tiếp tục lái xe ô tô thuê tư nhân nhưng sẽ phải "thắt lưng buộc bụng".

Trao đổi về chính sách hỗ trợ tài xế taxi, hãng xe công nghệ ComfortDelGro cho hay, công ty đã tăng cước phí để giúp giảm bớt một số chi phí gia tăng cho tài xế. Ngoài ra, công ty đã đưa ra các chính sách giảm giá thuê xe cho tài xế, bên cạnh mức giảm 15% tiền thuê xe hàng ngày trong tháng 3, các tài xế đăng ký thuê cả tháng 3 sẽ được giảm thêm 90 SGD tiền thuê xe vào ngày 1/4.

Công ty logistics "né" bão giá xăng nhờ shipper đi bộ, xe đạp

Ông Dave Ng, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Singapore cho biết, dự báo chi phí hoạt động trong lĩnh vực logistics sẽ tiếp tục tăng mạnh trong ngắn hạn.

"Ngoài việc phải đối diện với những hạn chế về nguồn cung, chi phí nhân lực tăng và áp lực lạm phát trong bối cảnh Covid-19, sự gia tăng chi phí nhiên liệu và điện do cuộc xung đột Nga - Ukraine gần đây đang gây thêm khó khăn cho các công ty hậu cần."

Ông Ng cho biết thêm, trong khi các công ty hậu cần đang cố gắng hết sức để đối phó và thích ứng với việc gia tăng chi phí trên nhiều phương tiện thì những đợt tăng giá nhiên liệu và điện gần đây gần như vượt quá khả năng chịu đựng.

"Không còn cách nào khác, nhiều công ty logistics đã phải thương thảo với các đối tác, khách hàng của họ và kêu gọi cùng nhau chia sẻ mức tăng nhiên liệu để vượt qua giai đoạn khó khăn này."

Mặc dù vậy, vẫn còn số ít công ty logistics chưa có ý định tăng cước phí vận tải. Đơn cử như DHL, tác động của biến động giá nhiên liệu lên kết quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn là không đáng kể, chi phí nhiên liệu chỉ chiếm 3% tổng chi phí cơ bản và chủ yếu liên quan đến đội máy bay DHL Express.

"DHL Express áp dụng phụ phí nhiên liệu tự động cho cho các đơn giao hàng và được cập nhật hàng tháng. Ngoài ra, tại các bộ phận khác, biến động giá nhiên liệu tự động được tính vào biến động giá cước vận tải thông thường và được đề cập rõ trong các hợp đồng với khách hàng nếu nó ảnh hưởng lớn." - Đại diện DHL cho hay.

204486-Pickupp_Walker.jpg.500x0.

Một công ty khác chưa tăng cước phí là Pickupp. Giám đốc Lee Chee Meng cho biết, công ty không bị ảnh hưởng bởi chi phí nhiên liệu tăng cao vì hoạt động không chỉ dựa vào lực lượng nhân viên giao hàng bằng phương tiện cá nhân chạy xăng mà còn dựa vào lực lượng giao hàng đi bộ, đi xe đạp. Do đó, đơn vị không có ý định tăng giá cước cho khách hàng vào thời điểm này.

Ý kiến của bạn

Bình luận