Tăng cước kiểu "tát nước theo...giá xăng": Mời Grab làm việc

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 26/03/2022 08:44

Sau khi Grab áp dụng tăng giá cước, Sở GTVT TP. HCM đã làm việc đơn vị này đề nghị cân đối giá cước để hài hòa lợi ích người tiêu dùng.

 

Điều chỉnh giá cước theo biến động giá nhiên liệu là quyền của doanh nghiệp vận tải song phải đảm bảo đúng quy trình và quy định của pháp luật

Điều chỉnh giá cước theo biến động giá nhiên liệu là quyền của doanh nghiệp vận tải song phải đảm bảo đúng quy trình và quy định của pháp luật

Trao đổi với Tạp chí GTVT, đại diện Phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP. HCM) cho biết, sau khi Grab áp dụng tăng giá cước, Sở GTVT TP. HCM đã mời đơn vị này đến làm việc, đề nghị cân đối giá cước để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng. Theo đó, Grab cam kết sẽ xem xét giá cước vận tải để cân bằng lợi ích cho tài xế và hành khách.

Sở GTVT TP. HCM thông tin thêm, không chỉ Grab mà việc xăng tăng giá đã khiến một số hãng xe công nghệ khác, taxi truyền thống và xe khách liên tỉnh đẩy giá cước vận tải lên cao. Theo quy định, có 3 loại hình phải kê khai giá gồm: taxi, xe buýt và xe hành khách tuyến cố định liên tỉnh. Tuy nhiên, xe công nghệ là loại hình xe hợp đồng nên khi tăng giá không phải kê khai cho cơ quan quản lý nhà nước.

Về mặt pháp lý là vậy, song việc tăng hay giảm thì Grab phải cân đối, phù hợp với thị trường, hài hòa lợi ích giữa hãng xe, hành khách và đối tác tài xế. Nếu Grab tăng giá quá cao thì hành khách sẽ cân nhắc lựa chọn đi các loại hình khác. Trong thời gian tới, lực lượng TTGT (Sở GTVT TP. HCM) sẽ tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá cước của các hãng xe công nghệ.

Luật sư Trần Minh Hùng - Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết: “Đối với giá cước vận tải, Nhà nước không điều tiết bằng mệnh lệnh hành chính mà chỉ điều tiết bằng cơ chế, nguyên tắc và tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của doanh nghiệp. Xăng dầu là yếu tố cấu thành cơ bản của giá cước vận tải tăng, do đó doanh nghiệp có thể điều chỉnh mức giá cho phù hợp theo yêu cầu của cơ chế thị trường, vừa thực hiện đúng quy định của Luật giá vừa đảm bảo yếu tố cạnh tranh trên thị trường”.

Theo đó, với lý do giá thành nhiên liệu xăng, dầu trong nước và thế giới liên tục tăng trong suốt thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường thủy đã có thông báo tăng giá cước vận tải từ ngày 10/3 với mức tăng khoảng 10 - 25% so với mức giá cũ. Trong đó, Grab cũng là hãng gọi xe công nghệ đầu tiên thông báo tăng giá cước trên thị trường.

Tại khoản 5, Điều 11, Luật Giá năm 2012 quy định: "điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ của mình phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá”. Do đó, việc điều chỉnh giá cước theo biến động giá xăng dầu là quyền của doanh nghiệp vận tải được pháp luật cho phép. "Tuy nhiên, thủ tục tăng giá cước rất phức tạp và tốn nhiều thời gian, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vì vậy cần có sự thống nhất của các cơ quan có thẩm quyền trong bối cảnh hiện nay. Trường hợp doanh nghiệp tự ý tăng giá sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật", luật sư Hùng nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 10/3, hãng xe công nghệ Grab áp dụng tăng giá cước mới. Theo đó, đối với 2 km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và TP. HCM tăng từ 27.000 đồng lên 29.000 đồng; xe 7 chỗ từ 32.000 đồng lên 34.000 đồng (tăng 2.000 đồng). Mỗi km tiếp theo của hai dịch vụ này là 10.000 đồng (tăng thêm 500 đồng). Tại các tỉnh, thành phố khác, giá dịch vụ GrabCar cũng tăng 2.000 - 2.500 đồng cho 2 km đầu tiên và tăng khoảng 600 đồng cho mỗi km sau đó.

Với dịch vụ GrabBike tại Hà Nội, giá 2 km đầu tiên tăng lên 13.500 đồng (tăng 1.500 đồng), mỗi km sau đó là 4.300 đồng (tăng 300 đồng). Mức cước dịch vụ này tại TP. HCM cũng tăng lên 12.500 cho 2 km đầu tiên và 4.300 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Ý kiến của bạn

Bình luận