Tăng năng lực công tác đảm bảo ATGT Bộ GTVT giai đoạn 2022 - 2025

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 18/05/2022 09:59

Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai biện pháp tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025.


 

280091875_562165208609160_5448946459664733248_n

 Nâng tầm năng lực

Bộ GTVT vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đó, Kế hoạch của Bộ GTVT nhằm cụ thể hoá những nhiệm vụ và định hướng cơ bản liên quan đến ngành GTVT đã được giao tại Nghị quyết 48. Đồng thời xác định và giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị để chủ động tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 48.

Theo Bộ GTVT, mục tiêu phấn đấu tiếp tục giảm số thương vong do TNGT mỗi năm từ 5% đến 10%, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do TNGT đường bộ so với năm 2020. Đồng thời cần áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT, chống ùn tắc giao thông, tiến tới xây dựng một xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện môi trường; thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 48. Trong thời gian tới, bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên, các cơ quan chức năng ngành GTVT cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm,

Trước hết là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Đồng thời xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT nhằm áp dụng kịp thời, hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn. Lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về GTVT. Quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch, bảo đảm việc xây dựng mới hoặc chỉnh trang các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.

Các cơ quan chức năng cũng phải bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; xoá bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng hàng hải, đường thuỷ nội địa; bảo vệ an toàn tĩnh không đường tiếp cận và khu bay các cảng hàng không.

Cần nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện GTVT; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện với môi trường.

Mặt khác, ngành GTVT đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong các đô thị lớn.

Cùng với đó là cần kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp.

Đặc biệt là nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành GTVT, công an, y tế, bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi pháp luật và chia sẻ phục vụ công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiên cứu khoa học về bảo đảm TTATGT. Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả TNGT; tập huấn kỹ năng sơ cứu TNGT cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.

Vào cuộc quyết liệt hơn nữa

Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng Dự án Luật Đường bộ theo ý kiến của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông, trong đó xác định ATGT, chống ùn tắc giao thông là một trong các mục tiêu chính khi triển khai, thực hiện các giải pháp về quản lý, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện.

Đồng thời nghiên cứu, đề xuất tiếp tục hoàn thiện mô hình, chức năng, nhiệm vụ để nâng cao năng lực của Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phù hợp với tình hình mới.

Đặc biệt, Bộ GTVT yêu cầu xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định, chính sách khuyến khích sử dụng phương tiện vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong các đô thị lớn nhằm kéo giảm TNGT, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; trong đó, chú trọng lồng ghép các nhiệm vụ nêu trên vào các quy định pháp luật, chiến lược, quy hoạch của ngành GTVT. Đồng thời, các cơ quan chức năng của Bộ cần phối hợp với UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thực hiện các Đề án đã được phê duyệt của hai thành phố về hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân nhằm bảo đảm ATGT, chống ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Trong thời gian tới, Bộ GTVT thực hiện rà soát, tham mưu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường bộ đang khai thác; Triển khai các giải pháp tăng cường, cải thiện an toàn kết cấu hạ tầng giao thông trên Quốc lộ 1A và các tuyến quốc lộ trọng điểm; trong đó ưu tiên xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT phát sinh trong quá trình khai thác; Thực hiện nhiệm vụ với lộ trình cụ thể để xoá bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt vào năm 2025; tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống tự động giám sát giao thông tại các giao cắt đường bộ với đường sắt.

Cùng với đó là tổ chức triển khai các quy hoạch chuyên ngành thuộc lĩnh vực GTVT, trong đó nghiên cứu triển khai các giải pháp về ATGT, chống ùn tắc giao thông ngay từ khi tổ chức thực hiện các quy hoạch, ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng kết nối và khu hậu cần của các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cảng thủy nội địa trọng điểm, bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải nhằm tái cơ cấu thị phần các lĩnh vực vận tải và thúc đẩy phát triển logistics.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ tiếp tục triển khai Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành GTVT, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ, Đề án quản lý vận hành, khai thác hệ thống ITS và hệ thống thu phí trên đường cao tốc; xây dựng, hoàn thiện các Tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống giao thông thông minh ITS.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung triển khai các giải pháp tăng cường, cải thiện an toàn kết cấu hạ tầng giao thông trên QL1A và các tuyến quốc lộ trọng điểm; trong đó ưu tiên xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT phát sinh trong quá trình khai thác. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát trên các xe ô tô kinh doanh vận tải, đảm bảo kết nối, sử dụng chung cho các cơ quan chức năng về thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tra, giải quyết TNGT; tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại đối với thiết bị cân, trạm kiểm tra tải trọng xe.

Tổng cục ĐBVN cũng cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhân dân, cụ thể: ưu tiên các nguồn lực để xây dựng, duy trì, nâng cấp và phát triển hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia; quản lý, giám sát trực tiếp dữ liệu hình ảnh camera từ các Trung tâm sát hạch lái xe trên toàn quốc; xây dựng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; triển khai hệ thống quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe.

Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai rà soát, xem xét sửa đổi các quy định về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động bay.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai rà soát, xem xét sửa đổi các quy định về xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường thủy nội địa đang khai thác; xây dựng Quyết định thay thế Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày 5/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT đường thủy nội địa; Xây dựng hệ thống quản lý và khai thác dữ liệu từ hệ thống giám sát thiết bị nhận dạng tự động (AIS) trên phương tiện vận tải đường thuỷ nội địa.

Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì, phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ và các đơn vị liên quan xây dựng lộ trình để yêu cầu các nhà sản xuất, lắp ráp, các tổ chức và cá nhân sử dụng phương tiện ô tô có trang bị các hệ thống cảm biến, cảnh báo va chạm với người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông khác, hệ thống tiếp nhận thông tin về tuyến đường và các hệ thống, thiết bị an toàn hiện đại khác; ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, giám sát thực hiện kiểm định phương tiện; xây dựng lộ trình yêu cầu các nhà sản xuất, kinh doanh mô tô, xe máy phải trang bị hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) và tăng cường ứng dụng các công nghệ mới nâng cao an toàn đối với phương tiện;

Đồng thời xây dựng kế hoạch, thực hiện các đề án, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã hoặc chuẩn bị tham gia liên quan đến phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phù hợp với lộ trình được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt, gồm: Đề án triển khai thực hiện thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau ASEAN về chứng nhận kiểu loại sản phẩm xe cơ giới (APMRA); Đề án thực hiện Phụ lục 2-B xe cơ giới, phụ tùng xe cơ giới của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Châu u (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc AiLen (UKVFTA); Đề án tham gia Hiệp định của Liên Hợp Quốc về thừa nhận chứng nhận xe cơ giới và phụ tùng (Hiệp định UNECE 1958);

Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cần tiếp tục triển khai, xây dựng “Trung tâm thử nghiệm phương tiện Việt Nam” theo hướng hiện đại; xây dựng “Trung tâm chuyển đổi số và dữ liệu phương tiện Quốc gia” đặt tại cơ quan quản lý kiểm định, đảm bảo thuận tiện trong quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan chức năng.

Theo yêu cầu của Bộ GTVT, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ trì hoặc phối hợp với các Vụ liên quan, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành để thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định này và các nhiệm vụ do UBND cấp tỉnh giao nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT, chống ùn tắc giao thông được Chính phủ giao tại Nghị quyết 48.

Ý kiến của bạn

Bình luận