Thế giới dùng công nghệ tìm kiếm FOD tiết kiệm hàng chục tỷ USD

Tiêu điểm tháng 25/07/2022 11:03

Thay vì sử dụng phương pháp thủ công để dò tìm FOD trên đường băng, nhiều quốc gia đã tăng cường sử dụng công nghệ nhằm ngăn chặn những sự cố do FOD gây ra trong quá trình khai thác các chuyến bay.


Mô phỏng tầm quét phát hiện FOD trên đường cất, hạ cánh bằng công nghệ hiện đại

Mô phỏng tầm quét phát hiện FOD trên đường cất, hạ cánh bằng công nghệ hiện đại

Nhân viên sân bay phải đi nhặt sỏi, đá bằng tay

Thuật ngữ FOD thường sử dụng để mô tả những vật phẩm nhỏ, các hạt hoặc mảnh vụn nào đó không thuộc bề mặt đường băng, có khả năng gây hại hoặc làm hỏng lốp, động cơ... khi máy bay đi qua.

Trong lĩnh vực hàng không dân dụng, do tính đặc thù nên các nhà vận hành sân bay chỉ có thể cử các đội kiểm tra đường băng theo định kỳ (khuyến cáo của ICAO là sau mỗi 6h) để phát hiện những bất thường. Ngoài ra, họ có thể dựa vào báo cáo của phi công hoặc đài kiểm soát không lưu khi có dấu hiệu xuất hiện FOD trên đường cất, hạ cánh.

Tuy nhiên, vị trí và chủng loại FOD căn cứ trên báo cáo là thường không chính xác. Vì vậy, trung tâm quản lý có thể phải mất rất nhiều thời gian tìm kiếm quanh khu vực nghi vấn. Thời tiết, đêm tối và tần suất khai thác là những yếu tố gây khó khăn cho công tác tìm kiếm FOD, dẫn đến nhiều trường hợp tìm kiếm qua loa hoặc không phát hiện được FOD.

Không chỉ quen thuộc trong ngành Hàng không dân dụng, FOD còn phổ biến trong lĩnh vực bay quân sự. Các nhân viên mặt đất tại các căn cứ không quân sẽ phải đi bộ dò tìm bằng mắt thường trên các đường băng để phát hiện, thu nhặt những viên sỏi hoặc mảnh vỡ nhỏ nhất.

Jim Patterson - chuyên gia an toàn sân bay với kinh nghiệm gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển an toàn sân bay cho biết, vào thời điểm năm 2010, uớc tính FOD làm tiêu tốn của ngành Hàng không Mỹ khoảng 4 tỷ USD/năm, trong đó chủ yếu là chi phí thiệt hại liên quan đến hư hỏng động cơ và máy bay bị dừng khai thác.

Công nghệ phát hiện FOD giúp tiết kiệm lớn

Theo ông Paul Brough - Giám đốc SITA Flight Ops Applications, vào đầu thập niên 2000, mỗi năm có khoảng 70.000 sự cố liên quan tới FOD, khiến mỗi sân bay mất trung bình 20 triệu USD/năm. Tổng phí tổn trực tiếp và gián tiếp của ngành Hàng không ước tính lên tới 12 tỷ USD/năm.

Chi phí trực tiếp bao gồm các hoạt động sửa chữa hư hỏng, thay thế các bộ phận của máy bay và bồi thường thương tật của con người. Các chi phí gián tiếp như hoãn chuyến bay liên quan đến FOD và chi phí nhiên liệu bổ sung trên thực tế còn tốn kém gấp nhiều lần chi phí trực tiếp.

“Việc phát hiện FOD bằng cách cử các đội bảo dưỡng định kỳ đi bộ hoặc lái xe trên đường cất, hạ cánh để quan sát có hiệu quả không cao. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, 70 - 80% tai nạn hàng không là do lỗi của con người. Chưa kể, việc để nhân viên đi lại trên đường băng sẽ mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của sân bay. Đặc biệt, tại các sân bay bận rộn như Charles de Gaulle - nơi từng diễn ra thảm kịch Concorde của hãng Air France, phương pháp truyền thống cho thấy sự thất bại hoàn toàn”, ông Paul Brough cho hay.

Do đó, nhiều công nghệ giám sát và phát hiện FOD đã được phát triển, cho phép phát hiện FOD ngay khi nó vừa xuất hiện trên đường cất, hạ cánh nhờ vào các cảm biến, camera, radar... Điều này là vô cùng hữu ích khi các chuyến bay cất cánh chỉ cách nhau vài phút.

Ông Paul Brough thông tin thêm, vào đầu những năm 2000, một sân bay ở châu Âu mất trung bình khoảng 667 phút chậm trễ do FOD cho mỗi 10.000 chuyến bay. Sự chậm trễ này nếu quy đổi thành tiền sẽ tương đương 26.740 USD (giá trị tính toán thời điểm 20 năm trước) cho mỗi 10.000 chuyến bay. Đối với các sân bay lớn có 400.000 lượt di chuyển hàng năm, chi phí lên đến hơn 1 triệu USD/năm.

 

 

Ý kiến của bạn

Bình luận