Thị trường xe “lao dốc”, ôtô nhập khẩu về Việt Nam thấp kỷ lục

Tác giả: Phúc Lâm

saosaosaosaosao
Thị trường 23/10/2021 07:34

Chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, thị trường xe Việt Nam vừa chứng kiến những mốc “kỷ lục buồn”, khi cả lượng xe nhập khẩu lẫn lượng xe nội bán ra đều thấp kỷ lục. Dù các hãng xe đã và đang mạnh tay kích cầu nhưng sức mua được dự đoán là sẽ phục hồi chậm trong những tháng cuối năm.

2

Không chỉ xe nhập khẩu, lượng xe lắp ráp trong nước cũng đang gặp tình trạng ế ẩm - Ảnh minh hoạ.

Giảm hơn 50%, xe nhập nguyên chiếc “xuống đáy”

Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê mới đây, ước tính trong tháng 9/2021, Việt Nam chỉ nhập khẩu khoảng 6.300 xe ô tô nguyên chiếc, giảm đến 38,1% so với tháng 8 (với 10.179 xe) và giảm đến 50,3% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là tháng có lượng nhập khẩu ô tô ít nhất từ đầu năm 2021 tới nay.

Không chỉ giảm về số lượng, giá trị kim ngạch của xe nhập khẩu cũng quay đầu giảm từ gần 222 triệu USD trong tháng 8 xuống còn khoảng 160 triệu USD trong tháng vừa qua. Giá trị đơn chiếc của ô tô nhập khẩu tháng 9 đạt xấp xỉ 25.400 USD/chiếc. So với cùng kỳ năm 2020, lượng ô tô nhập khẩu tháng 9 vừa qua chỉ bằng 49,7% về lượng và 62,3% về giá trị.

Xe lắp ráp trong nước cũng gặp khó khi 5 tháng liền sụt giảm lượng xe bán ra, tháng sau thấp hơn tháng trước và tháng 8 vừa qua đã ghi nhận mức sụt giảm kỷ lục trong lịch sử, kể từ năm 2015 đến nay.

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên trong tháng 8/2021 đạt 8.884 xe, giảm 45% so với tháng trước. Trong tổng doanh số trên có 6.231 xe du lịch (giảm 40%), 2.344 xe thương mại (giảm 55%) và 309 xe chuyên dụng (giảm 33%) so với tháng trước.

1
Thị trường ô tô trong nước trải qua nhiều tháng liên tục sụt giảm về doanh số - Ảnh minh hoạ.

Đua nhau kích cầu, thị trường vẫn sẽ hồi phục chậm?!

Lý giải về thực trạng sụt giảm sâu của thị trường xe, các chuyên gia về thị trường ô tô cho rằng, ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, sức mua giảm do kinh tế khó khăn, nhiều địa phương giãn cách khiến lượng xe tồn của các hãng xe và đại lý ở mức cao.

Bên cạnh đó, việc nhiều địa phương áp dụng các hình thức giãn cách xã hội cũng khiến nhiều nhà máy ô tô có những quãng thời gian tạm dừng sản xuất. Với những doanh nghiệp đã có thể hoạt động trở lại và các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất bình thường thì lại gặp một trở ngại khác là số lượng xe tồn kho rất lớn do việc dừng hoạt động của các đại lý. Ước tính khoảng hơn 200 đại lý ô tô thuộc thành viên VAMA vẫn đang đóng cửa và chưa thể mở cửa trở lại.

Cùng với đó, hơn 200 xưởng dịch vụ cũng không thể hoạt động do dịch Covid-19 và giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Có thể nói, chuỗi cung ứng và các hoạt động phân phối đã bị đình trệ và ảnh hưởng nặng nề, nhiều công ty đã ghi nhận mức sụt giảm doanh số trên 60%.

Trước đó, các doanh nghiệp cũng dự báo những khó khăn do đại dịch gây ra. Để kích cầu doanh số, các hãng xe liên tiếp thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hoặc hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ với mức giảm từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, tùy theo mẫu xe nhưng doanh số bán xe vẫn không được như kỳ vọng.

Hiện nay, nhiều địa phương bắt đầu nới giãn cách và có các động thái khuyến khích sản xuất trở lại. Đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế nói chung và thị trường xe nói riêng. Đón lấy tín hiệu này, chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm cuối năm và giải tỏa hàng tồn, các hãng xe đang “rục rịch” tung ra sản phẩm mới kèm nhiều chiêu để kích cầu từ giảm giá, tặng phụ kiện, bảo hiểm tới hỗ trợ phí trước bạ.

Tuy vậy, các chuyên gia nhận định, thị trường ô tô sẽ khó có đột biến và có thể sẽ phục hồi dần dần bởi việc nới giãn cách đang được triển khai không đồng đều giữa các địa phương và kinh tế cũng như người dân cũng cần có thời gian để “lấy lại sức” sau nhiều tháng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận