Thu phí không dừng hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người dân

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao

Thu phí tự động không dừng được xem là hình thức mang lại nhiều lợi ích hơn so với thu phí bằng tay như: thuận tiện, tiết kiệm thời gian, giảm UTGT và đặc biệt là minh bạch khoản thu của các dự án BOT. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy hệ thống thu phí tự động không dừng vẫn chưa nhận được sự chung tay hưởng ứng của các chủ xe, phần lớn xe cá nhân vẫn đang đứng ngoài cuộc khi không dán thẻ, nộp tiền vào tài khoản.

 

Thu phi 1
Những lợi ích từ việc triển khai hệ thống thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng đang đi vào cuộc sống

Lợi ích nhiều...

Theo tính toán của các chuyên gia, tổng lợi ích kinh tế - xã hội mà hệ thống thu phí tự động không dừng mang lại sẽ giúp tiết kiệm 3.400 tỷ đồng/năm. Hệ thống này cũng sẽ giúp các nhà đầu tư BOT tránh thất thoát và minh bạch hóa việc thu phí.

Đánh giá về hiệu quả mà hệ thống thu phí tự động không dừng mang lại, ông Lê Đình Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch DAVN Việt Nam cho biết: “Đối với đơn vị chúng tôi, việc kiểm soát tiền phí sử dụng đường bộ vốn rất khó do không thể biết chính xác chuyến xe đi qua bao nhiêu trạm mà chỉ căn cứ vào sự thành thực của lái xe. Vì thế, việc trả phí qua tài khoản sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát được tiền phí này”.

“Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng còn giúp tránh tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”, ông Khoa nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Kim Tiến - Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại dịch vụ Kim Tiến (Nghệ An) chia sẻ: “Là chủ doanh nghiệp tôi rất đồng tình ủng hộ giải pháp thu phí không dừng bởi đây là giải pháp giảm ùn tắc, rút ngắn được thời gian, giảm chi phí cho tài xế và doanh nghiệp vận tải. Đối với thu phí truyền thống, các phương tiện sẽ phải dừng đợi chờ mua vé. Còn với trạm thu phí không dừng khi mình đã mua phí rồi, xe tới là barie bật mở, đỡ tốn thời gian, tạo sự minh bạch cho trạm thu phí, giúp hoạt động hiệu quả hơn”.

Là người thường xuyên di chuyển trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ để về quê, lái xe Nguyễn Thành Hưng (sinh năm 1983, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) khẳng định, dịch vụ thu phí không dừng đang triển khai tại các trạm BOT mang lại hiệu quả tích cực cho các lái xe. Theo anh Hưng, với hệ thống thu phí điện tử, các phương tiện qua trạm thu phí không phải dừng chờ thanh toán mà sẽ thanh toán trực tiếp qua thẻ điện tử, giúp giữ tốc độ lưu thông, giảm hiện tượng ùn tắc tại các trạm thu phí, giảm chi phí khởi động xe, giảm khí thải ô nhiễm môi trường... Có thể nói đây là một trong những biện pháp hiệu quả để giải quyết bài toán thu phí giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay.

Về phía cơ quan quản lý khai thác, đại diện Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đánh giá, công nghệ thu phí không dừng cho phép quản lý thu phí tốt hơn, đảm bảo tính chính xác, khách quan (không bị yếu tố chủ quan của con người chi phối); tiết kiệm đáng kể nguồn nhân lực, vật lực so với phương thức thu phí thủ công truyền thống, dẫn đến giảm 10 - 20% chi phí sản xuất, nhất là kinh phí đầu tư hệ thống thu phí điện tử không dừng không lớn hơn nhiều so với hệ thống thu phí truyền thống (chỉ cần lắp đặt thêm bộ nhận dạng xe tự động tại trạm thu phí).

Theo các chuyên gia, hình thức này cũng mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý nhà nước, thông minh hóa hệ thống giao thông bằng các ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả; giúp cơ quan nhà nước quản lý được các phương tiện tham gia giao thông, từ đó thực hiện được nhiều chính sách hiện đại như: quản lý đăng kiểm xe, đăng ký xe chính chủ, phạt nguội giao thông..., góp phần giảm tình trạng ùn tắc tại các trạm thu phí, nhất là lúc cao điểm, tăng tuổi thọ động cơ, giảm thiểu khoảng 20% số vụ tai nạn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt.

Nhiều phương tiện vẫn đang đứng ngoài cuộc

Sau nhiều nỗ lực của VETC nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đầu tư, đàm phán ký hợp đồng dịch vụ với nhà đầu tư BOT, lắp đặt thiết bị tại trạm, đến ngày 31/12/2020, VETC đã kết nối và vận hành được 76 trạm có dịch vụ thu phí tự động không dừng (bao gồm các trạm thu phí tại địa phương). Cùng với đó, đến ngày 29/12, hệ thống thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 hoàn thành đồng loạt ở 35 trạm cũng về đích đúng hẹn để đưa tổng số trạm thu phí có dịch vụ ETC trên toàn quốc là 111.

Hệ thống thu phí tự động không dừng đã được vận hành ở hầu hết các trạm trên cả nước, nhưng điều đáng nói là sự thành bại của ETC lại không phụ thuộc việc hệ thống có được vận hành trơn tru hay không mà phụ thuộc vào các chủ ô tô - những người về lý thuyết được hưởng lợi nhiều nhất.

Minh chứng cụ thể là mặc dù công tác tuyên truyền được VETC làm thường xuyên, hỗ trợ chủ phương tiện dán thẻ miễn phí hoặc bố trí nhân sự đến trụ sở của tổ chức trực tiếp dán thẻ nhưng đến hết năm 2020, số lượng phương tiện dán thẻ (E-tag) và nộp tiền vào tài khoản giao thông sử dụng dịch vụ mới đạt trên 1 triệu thẻ/3,5 triệu xe ô tô.

Trong khi đó, phần lớn xe cá nhân vẫn đang đứng ngoài cuộc, không dán thẻ, nộp tiền vào tài khoản. Bên cạnh đó, VETC cũng khuyến nghị các chủ phương tiện ô tô nên dán thẻ trước, khi có nhu cầu di chuyển phương tiện cần kiểm tra số dư và nạp tiền vào tài khoản giao thông đủ để lưu thông qua trạm, tránh việc đến trạm thu phí phải dừng chờ và thanh toán bằng tiền mặt.

Ngoài ra, theo nhận định của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, việc triển khai thu phí không dừng tại các trạm thu phí vẫn xảy ra lỗi kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ gây bức xúc cho người dân như xe qua trạm thu phí không nhận dạng được thẻ, không trừ tiền phí khi xe qua, hệ thống đọc chéo làn dẫn tới sai phân loại, mệnh giá tiền, nhận dạng sai phương tiện…

Bàn về giải pháp cải thiện những vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, để hoạt động thu phí không dừng đi vào cuộc sống, trước tiên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các chủ doanh nghiệp, bộ phận lái xe thấy được lợi ích của dịch vụ. Song song với đó, cần phải có cơ chế giảm dần phạm vi hoạt động của làn thủ công để các phương tiện tìm đến với ETC nhiều hơn, đặc biệt phải làm chủ công nghệ, không để xảy ra tình trạng mất kết nối, gây khó khăn cho người dùng.

Được biết, vừa qua, Thanh tra Bộ GTVT đã tổng kiểm tra các dự án thu phí không dừng trên toàn quốc để đánh giá lại tổng thể cũng như tháo gỡ những vướng mắc mà doanh nghiệp, người dân phản ánh trong thời gian qua.

Mục đích của cuộc kiểm tra nhằm đánh giá việc triển khai thực hiện dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc, từ đó phát hiện những ưu điểm để tiếp tục phát huy; xác định những tồn tại, vướng mắc (nếu có) để kịp thời khắc phục, rút kinh nghiệm. Đồng thời, từ kết quả kiểm tra sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật chưa phù hợp (nếu có), góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOO.

Ý kiến của bạn

Bình luận