Thu phí không dừng thực tế từ trạm Quốc lộ 19

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Thị trường 24/08/2021 12:13

Liên quan đến việc triển khai lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC), Công ty TNHH BOT 36.71 bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương triển khai ETC đúng đắn của Chính phủ, Bộ GTVT, tuy nhiên còn nhiều điểm bất cập khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.


 

1
Trạm BOT tại đoạn km124+720 QL19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

 

Dự án cải tạo, nâng cấp QL19 theo hình thức hợp đồng BOT có 2 trạm thu phí đặt trên địa bàn hai tỉnh Bình Định và Gia Lai (trạm Bình Định km49+550, trạm Gia Lai km124+720).Theo đó, năm 2014, hợp đồng BOT đã được ký kết với Bộ GTVT. Giai đoạn đầu tư dự án, nhà đầu tư đã đầu tư hoàn thành hệ thống thu phí và được Bộ GTVT chấp thuận cho phép thu phí bắt đầu từ ngày 01/6/2016. Quy mô số làn xe qua cổng trạm thu phí bao gồm 6 làn xe, mỗi chiều 2 làn thu phí và 1 làn dành cho người đi bộ và xe thô sơ.Sau thời gian đưa dự án vào vận hành, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí đường bộ, Công ty TNHH BOT 36.71 (doanh nghiệp dự án BOT) đã khẩn trương phối hợp với Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (doanh nghiệp dự án BOO) để tiến hành tổ chức đàm phán, ký Hợp đồng số 03/2020/HĐDV/BOT19-BOO ngày 23/10/2020 về việc thu phí sử dụng giao thông đường bộ tại hai trạm thu phí của dự án QL19. Tại thời điểm thiết kế, thẩm tra, thẩm định hệ thống thu phí tự động không dừng chưa có tiêu chuẩn đánh giá, chưa có hệ thống Back-End để kết nối nên không đánh giá được hiệu năng vận hành của Hệ thống thu phí tự động không dừng.

Nhiều tồn tại, vướng mắc
Theo nhà đầu tư, dự án thu phí tự động không dừng là dự án độc lập được bổ sung thêm vào dự án BOT - QL19, quá trình triển khai phải hoàn tất nhiều thủ tục đảm bảo theo quy định của pháp luật, phải nghiên cứu tính toán lại phương án tài chính. Hiện nay, doanh thu của nhà đầu tư chỉ đạt 70% theo phương án tài chính, ngoài ra chưa kể đến phần vay bù đắp thiếu hụt từ khi bắt đầu thu phí đến nay gần 200 tỷ đồng, đồng thời thực hiện thu phí tự động không dừng nhà đầu tư BOT phải chi trả một khoản chi phí dịch vụ, chi phí hoàn vốn dự án BOO2. Bên cạnh đó, hệ thống thiết bị đã được đầu tư giai đoạn triển khai dự án BOT tính đến thời điểm này đã hoàn thành sứ mệnh giai đoạn đầu thu phí. Tuy nhiên sau 5 năm sử dụng, một số thiết bị đã xuống cấp hoặc không còn phù hợp với các thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong giai đoạn hiện nay, không đồng bộ và tương thích nên không thể tận dụng để triển khai thu phí tự động không dừng giai đoạn 2. Vì vậy, sau khi ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam thì số thiết bị trên gần như không tận dụng mà lắp đặt mới hoàn toàn, gây lãng phí rất lớn. Bên cạnh đó, dự án BOT - QL19 ngay từ đầu đã được lắp đặt hệ thống thiết bị, phần mềm thu phí ETC+MTC. Hiện nay, gói thầu thiết bị vẫn chưa được thỏa thuận quyết toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.Theo đó, việc triển khai thực hiện dự án thu phí tự động tại các trạm BOT - QL19 không tránh khỏi những sai sót dẫn đến lỗi hệ thống như: công nghệ mới phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể (nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT, ngân hàng cung cấp tín dụng, chủ các phương tiện tham gia giao thông) nên bước đầu trong quá trình vận hành không tránh khỏi những hạn chế như: phương tiện được dán cả 2 loại thẻ đầu cuối của 2 nhà cung dịch vụ; xe qua trạm phải trả tiền mặt trong khi tài khoản giao thông vẫn trừ tiền; vẫn còn phương tiện đi nhầm làn ảnh hưởng đến các phương tiện đã dán thẻ khi qua trạm thu phí; vẫn còn phương tiện chưa đủ điều kiện đi vào cửa dành riêng cho thu phí điện tử không dừng.

Cần gỡ khó để hài hòa lợi ích
Theo đánh giá của lãnh đạo Công ty TNHH BOT 36.71, với cách thức triển khai của Tổng cục ĐBVN và trên thực tế các dự án BOO2 nói chung, các nhà đầu tư BOT hiện đang gặp khó khăn trong giám sát số lượng xe qua lại trạm và giám sát đơn vị ETC nhằm bảo đảm khách quan. Cùng với đó, đối với chủ phương tiện, việc kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản giao thông mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí chưa được thực hiện. Người dùng muốn dùng dịch vụ ETC phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông nhưng không được tính lãi, các trường hợp được miễn vẫn phải nộp tiền vào tài khoản trả trước, bị khấu trừ khi qua trạm và chỉ được hoàn trả lại trong thời hạn 15 ngày. Người sử dụng dịch vụ và các ngân hàng cho vay BOT không đồng tình cách làm này, vì tiền của chủ phương tiện bị chiếm dụng và ngân hàng cho vay BOT cũng không được quản lý nguồn tiền thu phí của bên vay.Tuy nhiên, việc triển khai thu phí không dừng thực tế cho thấy nhiều lợi ích như: tiết kiệm và đem lại nhiều lợi ích cho Nhà nước, tránh UTGT, tiết kiệm thời gian chờ đợi và rút ngắn thời gian lưu thông trên đường, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tinh gọn bộ máy quản lý (về lâu dài), tiết kiệm chi phí nhiên liệu, tiết kiệm chi phí in vé...Hình thức này cũng mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả, giúp cơ quan nhà nước quản lý được các phương tiện tham gia giao thông, từ đó thực hiện được nhiều chính sách hiện đại như: quản lý đăng kiểm xe, đăng ký xe chính chủ, phạt nguội giao thông, tăng tuổi thọ động cơ, giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt...Theo đó, Dự án cải tạo, nâng cấp QL19 bắt đầu chính thức sử dụng hình thức thu phí điện tử tự động không dừng từ 0h00 ngày 01/01/2021. Công ty TNHH BOT 36.71 đã làm nhiều văn bản báo cáo Tổng cục ĐBVN, Cục QLĐB III, gửi Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam để phối hợp, khắc phục. Sau thời gian vận hành chạy thử đánh giá KPI, đến nay đã cơ bản khắc phục được lỗi hệ thống thiết bị, phần mềm đảm bảo cho việc thu phí tại dự án.Tuy nhiên, do gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị của nhà đầu tư BOT chưa được thỏa thuận quyết toán, Công ty TNHH BOT 36.71 đề nghị các cơ quan chức năng ghi nhận kết quả đã thực hiện của hệ thống thu phí MTC (được đầu tư, lắp đặt theo đúng Tiêu chuẩn TCCS 01:2008/VRA và phục vụ thu phí hoàn vốn cho dự án gần 6 năm nay) và các thiết bị ETC (được đầu tư, lắp đặt theo các chỉ đạo của Bộ GTVT) tại trạm thu phí BOT QL19 để làm cơ sở thanh quyết toán các thiết bị không tận dụng cho nhà thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị của nhà đầu tư BOT, để giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhà thầu do chịu ảnh hưởng, rủi ro do thay đổi chính sách của Nhà nước.Để đảm bảo quyền thu phí của nhà đầu tư BOT theo hợp đồng dự án, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho nhà đầu tư BOT cùng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát tốt hơn công tác thu phí, Công ty TNHH BOT 36.71 đề nghị được lắp đặt thiết bị, kết nối phần mềm quản lý, giám sát dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, giúp tăng cường công tác giám sát hậu kiểm, tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí, linh hoạt trong quá trình vận hành. Kinh phí lắp đặt kiến nghị điều chỉnh bổ sung vào phương án tài chính của dự án.

Ý kiến của bạn

Bình luận