TP.HCM: Cơ sở lái xe "gặp khó" lắp thiết bị giám sát xe tập lái

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 11/06/2022 09:15

Hiện nay, các cơ sở đào tạo sát hạch lái xe tại TP.HCM đang gặp khó khăn trong việc lắp đặt thiết bị giám sát trên xe tập lái trên đường.

 

Các cơ sở đào tạo sát hạch lái xe tại TP.HCM đang gặp khó khăn trong việc lắp đặt thiết bị giám sát trên xe tập lái đường trường.

Các cơ sở đào tạo sát hạch lái xe tại TP.HCM đang gặp khó khăn trong việc lắp đặt thiết bị giám sát trên xe tập lái đường trường.

Trao đổi với Tạp chí GTVT về việc thực hiện lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường trên xe đào tạo (thiết bị DAT) và việc đào tạo sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, ông Bùi Hoà An – Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết: “Mới đây nhất, ngày 9/6, Sở GTVT đã có văn bản yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe tiếp tục hướng dẫn, triển khai Thông tư 04/2022/TT-BGTVT ngày 22/4/2022 của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 quy định về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ”.

Cụ thể, Sở GTVT TP.HCM yêu cầu các cơ sở đào tạo thực hiện truyền dữ liệu DAT và dữ liệu quản lý DAT của học viên thực hành lái xe trên đường đối với các khoá học có thời gian bắt đầu học thực hành lái xe trên đường từ ngày 15/6/2022 theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, trung thực dữ liệu DAT và dữ liệu quản lý DAT; Bảo đảm an toàn dữ liệu, bảo mật cho hệ thống thông tin DAT; Bảo mật tên đăng nhập và mật khẩu truy cập phần mềm hệ thống thông tin DAT của Tổng cục đường bộ Việt Nam, cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin, dữ liệu DAT cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Ngoài ra, Sở GTVT cũng đề nghị các cơ sở đào tạo lái xe tổng hợp, lập danh sách xe tập lái của đơn vị có gắn và chưa gắn thiết bị DAT báo cáo về Sở GTVT trước ngày 13/6/2022 để theo dõi, quản lý. "Đồng thời thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép xe tập lái đối với các xe chưa gắn DAT. Xây dựng kế hoạch đào tạo lái xe của từng khoá đào tạo, trong đó đặc biệt lưu ý việc bố trí các xe có gắn thiết bị DAT để giảng dạy nội dung thực hành lái xe trên đường cho học viên đảm bảo việc truyền dữ liệu DAT theo yêu cầu", ông An cho biết thêm.

Liên quan đến việc đào tạo và sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, Sở GTVT yêu cầu các cơ sở đào tạo phổ biến cho học viên biết quy trình sát hạch lái xe ô tô theo hướng dẫn của Tổng Cục đường bộ Việt Nam tại văn bản số 3107/TCĐBVN-QLPT&NL ngày 31/5/2022. Đồng thời tổ chức hướng dẫn, bổ túc thêm về phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông trong đào tạo và sát hạch lái xe cho học viên trong các khoá đào tạo có ngày tốt nghiệp từ 15/6/2022 (nếu cần thiết) nhằm đảm bảo thực hiện tốt quy trình sát lái xe ô tô.

Sở GTVT cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe trong quá trình triển khai thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Sở GTVT để xem xét giải quyết hoặc tổng hợp báo cáo kiến nghị Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ Việt Nam theo đúng quy định.

Ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, hiện nay các cơ sở đào tạo sát hạch lái xe tại TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai lắp đặt thiết bị DAT với lý do đơn vị cung cấp không đáp ứng được thiết bị để lắp đặt. Ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ cho biết: “Chúng tôi đủ kinh phí để đầu tư gắn toàn bộ số lượng xe và cũng đã ký hợp đồng đặt mua thiết bị giám sát từ trước, nhưng do năng lực của đơn vị cung cấp chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nên trước mắt mới lắp đặt được 30% xe dạy thực hành đường trường trên tổng 250 xe, trường cũng đang chờ hướng dẫn cụ thể để kết nối đường truyền dữ liệu đúng theo quy định”.

Hiện nay trường Tiến Bộ đang áp dụng mức học phí hạng B1, B2 là 15.500.000 đồng, hạng C là 18.000.0000 đồng. Mặc dù đầu tư trang thiết bị hiện đại, giá xăng dầu tăng nhưng dự kiến trong thời gian tới trường cũng chỉ tăng 1,5 triệu đồng hạng B1, B2 và C để có điều kiện tái đầu tư. "Trong giai đoạn này, chúng tôi cũng đồng cảm và chia sẻ với người dân nếu tăng học phí quá cáo thì học viên không chịu nổi, nhu cầu học bằng lái xe sẽ giảm vì vậy phải cân nhắc cho hài hoà hợp lý", ông Dũng cho biết thêm.

Việc gắn thiết bị DAT sẽ giúp học viên nâng cao tay nghề và tỉ lệ đậu.

Việc gắn thiết bị DAT sẽ giúp học viên nâng cao tay nghề và tỉ lệ đậu.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Long - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Hoàng Gia chia sẻ: “Chúng tôi cũng đang triển khai lắp đặt thiết bị DAT trên xe dạy thực hành đường trường đúng theo quy định nhưng do đơn vị cung cấp chưa thể đáp ứng được thiết bị nên mới chỉ lắp được hơn 20% tổng số lượng hơn 100 xe".

Việc gắn thiết bị DAT sẽ giúp học viên nâng cao tay nghề và tăng tỉ lệ đậu. Tuy nhiên, ông Long quan ngại hiện nay đã lắp đặt thiết bị DAT nhưng vẫn chưa thể kết nối đường truyền dữ liệu. Nếu khi đưa vào hoạt động chính thức, máy móc hoặc đường truyền kết nối bị chậm hoặc gặp sự cố lỗi thì dữ liệu khoá học của học viên sẽ bị ảnh hưởng, khi đó ai sẽ chịu trách nhiệm. Vì vậy, các cơ quan quản lý phải cân nhắc tính toán làm việc với đơn vị cung cấp thiết bị để có phương án xử lý vấn đề này.

Ông Ngô Đình Quang – Trưởng Phòng Quản lý Sát hạch và Cấp giấy phép lái xe (Sở GTVT TP.HCM) cho rằng: “Việc triển khai thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát xe tập lái trên đường đang gặp khó khăn và các cơ sở đào tạo lái xe cũng đã có văn bản kiến nghị Sở GTVT về vấn đề này và Sở GTVT cũng đang tập hợp để kiến nghị lên Bộ GTVT, Tổng Cục đường bộ Việt Nam làm việc với các đơn vị cung cấp xem có đáp ứng được thiết bị hay không để các cơ sở đào tạo triển khai lắp đặt thực hiện đúng theo quy định".

"Đến thời điểm hiện nay, các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn TP.HCM đã triển khai lắp đặt thiết bị DAT trên gần 1.500 xe dạy thực hành trên đường. Việc lắp đặt thiết bị giám sát nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo, để học viên nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng tay nghề lái xe khi tham gia giao thông", ông Quang nhấn mạnh.

Liên quan đến việc đào tạo và sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, ông  Quang cho biết hiệu lực Thông tư sửa đổi quy định từ ngày 15/6/2022, vì vậy những học viên đã được cấp chứng chỉ và các trường hợp vắng, trượt trước ngày 15/6/2022 thì vẫn thực hiện theo quy định cũ (không thi phần mô phỏng). Những học viên nào mà tốt nghiệp sau ngày 15/6/2022 thì mới áp dụng theo quy định mới.

Ý kiến của bạn

Bình luận