TP.HCM: Người dân đổ xô đi học bằng lái xe

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 05/03/2020 15:04

Hiện nay người dân trên địa bàn TP.HCM đổ xô đi học bằng lái xe ôtô vì sợ quy định mới sẽ tăng học phí và thi sát hạch sẽ khó hơn.

Hồ sơ quá tải

Sau khi có những thông tin đồn thổi về việc tăng mức học phí đào tạo lái xe lên 20 - 30 triệu đồng khiến nhiều người dân tại TP.HCM đã đổ xô đi đăng ký học bằng lái xe.

Những ngày đầu tháng 3, PV Tạp chí GTVT ghi nhận tại các trung tâm, cơ sở đào tạo giấy phép lái xe (GPLX) trên địa bàn TP.HCM rất đông học viên đến đăng ký học bằng lái xe B1, B2 dẫn đến một số trung tâm phải từ chối tiếp nhận hồ sơ của người học vì lưu lượng đã kín.

Anh Lê Đình Hải (32 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi đọc thông tin trên báo và nghe bạn bè nói bắt đầu từ tháng 5/2020 phần thi lý thuyết sẽ tăng từ 450 lên 600 câu và áp dụng một số bài học mới sẽ tăng mức phí đào tạo lên cao, sợ khó và tốn kém hơn nên tôi đã quyết định tức tốc tìm chỗ đăng ký học bằng lái xe B2”.

Qua tìm hiểu và được giới thiệu anh Hải đã đăng ký học bằng lái xe B2 với mức phí hơn 11.000.000 đồng tăng gần gấp đôi thời điểm cuối năm 2019. Mức này chưa bao gồm phí sát hạch và tiền thuê tập xe cảm biến.

Hiện nay hầu hết học viên đến ghi danh đăng ký học đều bắt đầu được xếp lịch học khai giảng từ tháng 4 đến tháng 6, nhiều người còn chấp nhận đăng ký trước và chờ đến tháng 7/2020 mới có lớp. Một số đơn vị đào tạo đã thông báo tạm ngừng tuyển sinh một phần do lưu lượng các khóa học đã đủ, một phần vẫn đang chờ có những quy định cụ thể của Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT (Thông tư 38) và cân đối mức thu phí rồi mới triển khai lại việc tuyển sinh.

IMG_5148
 Người dân đổ xô đi học bằng lái xe vì sợ quy định mới sẽ tăng học phí và thi khó hơn.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ cho biết: “Những ngày gần đây số lượng người đến đăng ký học lái xe tăng đột biến so với trước đây, nguyên do là người dân sợ quy định mới học phí cao và thi cử khó khăn. Trong giai đoạn này người dân không nên chạy theo tin đồn, bởi đăng ký khóa học hiện nay đều phải thi theo quy định mới. Nếu người dân đổ xô đi học sẽ gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo bởi cùng một lúc đào tạo nhiều người thì sẽ không đủ lưu lượng, phương tiện và giáo viên”.

Trước đây, khi chưa có Thông tư 38 thì mức học phí B2 tại trường khoảng 10 triệu đồng. Hiện nay trung tâm cũng chỉ thu mức phí B2 với giá 11.3000.000 đồng (tăng khoảng 1 triệu đồng), bằng C có giá 13 triệu đồng. Mức học phí tại trung tâm sẽ không có giá 20-30 triệu đồng như thông tin hiện nay trên các trang mạng đồn thổi, ông Dũng khẳng định.

Theo ông Dũng, Thông tư 38 có hiệu lực các cơ sở đào tạo lái xe phải trang bị ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết, trang bị cabin học lái ô tô, thiết bị giám sát thời gian, thiết bị mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe... Việc đầu tư những trang thiết bị này sẽ kéo theo chi phí đào tạo tăng. Tuy nhiên, mức thu học phí vẫn sẽ theo đúng quy định của cơ quan nhà nước. Sự thực nếu người dân đi học đầy đủ thì việc thi theo quy định mới áp dụng cũng không khó, chỉ những ai không học thì mới lo sợ.

IMG_5055
Một số đơn vị đào tạo bằng lái xe B2 đã quá tải lưu lượng do số lượng học viên đăng ký tăng đột biến.

Quy định mới nâng cao chất lượng đào tạo

Các chuyên gia giao thông cho rằng, việc ban hành Thông tư 38 là rất cần thiết nhằm góp phần loại bỏ tình trạng học qua loa, cắt xén chương trình, lái xe thiếu kỹ năng, kém đạo đức khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Nhất là trong thời gian qua có quá nhiều người sau khi được cấp GPLX nhưng vẫn không nắm rõ kỹ năng lái xe và Luật Giao thông đường bộ, dẫn tới nhiều vụ tai nạn thương tâm.

Là đơn vị có mức phí đào tạo học bằng lái xe cao nhất tại TP.HCM từ trước đến nay ông Nguyễn Hoàng Long - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Hoàng Gia cho biết: “Thông tư 38 được ban hành có hiệu để cũng cố và siết chặt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, theo quy định mới được áp dụng thì các đơn vị sẽ phải đầu rất nhiều, chương trình học cũng nhiều hơn vì vậy việc tăng phí là không tránh khỏi hiện nay trung tâm đang thu mức phí bằng B2 với giá khoảng 17 triệu đồng, bằng C là 18 triệu đồng (so với trước đây tăng khoảng hơn 20%)".

Những ngày gần đầy số lượng người dân đến đăng ký học bằng B1, B2 rất đông, tuy nhiên các khóa lưu lượng đã kín, vì vậy tất cả các học viên nộp hồ sơ bây giờ là đều phải chờ đến tháng 5/2020 mới có lớp khai giảng và phải chờ đến tháng 10/2020 mới được thi sát hạch. Tùy theo dịch vụ và chất lượng đào tạo của mỗi đơn vị để người dân lựa chọn mức phí với nhu cầu tài chính, ông Long cho biết thêm.

hình 2
 Người dân nên cân nhắc đăng ký học bằng lái xe trong thời điểm hiện tại.

Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT quy định các cơ sở cấp GPLX phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết bằng vân tay hay nhận dạng khuôn mặt để đảm bảo học viên được đào tạo đầy đủ thời gian. Nếu không tham gia đầy đủ, học viên sẽ không được dự thi sát hạch kể từ ngày 1/5/2020. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cấp GPLX còn phải lắp thêm thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành của học viên để kiểm soát số km thực tế. Ngoài việc đảm bảo thời gian đào tạo học viên, việc giám sát này còn tránh được tình trạng học hộ, thi hộ.

Trình tự thi sát hạch giấy phép lái xe mới gồm 4 nội dung: lý thuyết, mô phỏng, trên sa hình, trên đường (trước đó, học viên chỉ phải trải qua 3 nội dung sát hạch là lý thuyết, trên sa hình và trên đường). Sắp tới, các cơ sở đào tạo lái ôtô bổ sung 2 môn học là xử lý tình huống trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trên cabin. Khi học viên học trên cabin sẽ có phần mô phỏng lại các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên phần mềm.

Ngoài ra, học viên được yêu cầu thử xử lý tình huống để có kỹ năng phòng tránh tai nạn đáng tiếc. Thời gian học với thiết bị mô phỏng là 3 giờ trước khi tập lái trên đường. Về số lượng câu hỏi lý thuyết cũng tăng từ 450 câu lên 600 câu.

Ý kiến của bạn

Bình luận