Trách nhiệm phối hợp trong tìm kiếm cứu nạn trên biển

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 23/03/2022 06:44

Khi phát hiện hay nhận được thông tin về sự cố thiên tai, thảm họa, TNGT trên biển gần khu vực đang hoạt động, thuyền trưởng, người lái phương tiện có trách nhiệm tham gia cứu người bị tai nạn nếu không mất an toàn cho người, phương tiện của mình; thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn biết việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn của mình; chấp hành lệnh điều động tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi được cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn huy động. Trong trường hợp khẩn cấp và chưa có lệnh điều động của cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn phải chấp hành sự huy động của chỉ huy hiện trường.


 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trách nhiệm thuyền trưởng tàu bị nạn
Thông báo ngay tình trạng tai nạn, sự cố của tàu mình cho các tàu xung quanh biết để nhận được sự trợ giúp kịp thời; liên lạc ngay với các cơ quan (Đài Thông tin Duyên hải, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải gần nhất, các đài canh đồn biên phòng, các đài canh tổ đội, cơ quan chủ quản và người thân) để được hỗ trợ từ phía bờ. Trường hợp có thuyền viên bị bệnh, tai nạn lao động thì gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu (Trung tâm 115) để được tư vấn y tế từ xa; duy trì liên lạc thường xuyên giữa tàu với bờ và cung cấp thông tin mới nhất.
Lưu ý: Luôn đảm bảo nguồn điện, ắc quy cho các máy bộ đàm, điện thoại trong suốt thời gian tàu gặp tai nạn, sự cố trên biển; tuyệt đối không được tắt máy bộ đàm, điện thoại trong suốt thời gian tàu gặp tai nạn, sự cố trên biển; duy trì liên lạc trên tần số trực canh cứu nạn đã quy định giữa tàu và bờ khi tàu chuyển từ tần số trực canh cứu nạn sang tần số khác để làm việc riêng. Sau khi gọi xong, ngay lập tức chuyển về tần số trực canh cứu nạn đã quy định với các cơ quan phía bờ.
Khi tàu bị nạn tự khắc phục xong sự cố và đang chạy về bờ (hoặc được tàu bạn đang lai dắt về bờ) phải duy trì liên lạc thường xuyên với các cơ quan chức năng cho đến khi tàu và thuyền viên về đến bờ an toàn. Khi tàu bị nạn đã được tàu khác trợ giúp hoặc tự khắc phục xong sự cố, tiếp tục hành nghề và không có yêu cầu cứu nạn từ phía bờ nữa thì phải thông báo ngay cho các cơ quan để kết thúc vụ việc. Khi thuyền viên bị bệnh, tai nạn lao động đã qua cơn nguy kịch và tiếp tục làm việc thì phải thông báo tình trạng sức khỏe của thuyền viên đó cho các cơ quan chức năng biết để kết thúc vụ việc.

Trách nhiệm thuyền trưởng các tàu khác tại khu vực bị nạn
Mọi tàu thuyền khi phát hiện dấu hiệu có tàu đang gặp nạn trên biển thì phải tiến hành các công việc sau: nhanh chóng đến hiện trường và triển khai các biện pháp để hỗ trợ tàu bị nạn; kêu gọi các tàu bạn cùng đến hiện trường để tổ chức cứu nạn; tàu nào đến trước sẽ là chỉ huy hiện trường và phân công nhiệm vụ cho các tàu đến sau; thông báo tình trạng tại hiện trường cho các cơ quan liên quan (Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải, biên phòng, tổ đội) để được trợ giúp kịp thời.Trong thời gian chờ lực lượng tìm kiếm cứu nạn chuyên trách đến hiện trường, mọi tàu thuyền tham gia tìm kiếm cứu nạn phải chấp hành nghiêm hướng dẫn của cơ quan tìm kiếm cứu nạn chuyên trách hoặc cơ quan cấp có thẩm quyền. Khi có lực lượng tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành (hoặc lực lượng của các cơ quan có thẩm quyền) đến hiện trường thì chỉ huy hiện trường bàn giao toàn bộ công việc cứu nạn cho các lực lượng chuyên trách đó.Lưu ý: Phải duy trì thông tin liên lạc giữa tàu - tàu tại hiện trường và giữa tàu - bờ. Khi tàu đảm bảo điều kiện an toàn, phải tham gia hoạt động cứu nạn khi được yêu cầu.

Ý kiến của bạn

Bình luận