"Vênh" quy định, thiếu chính sách ưu đãi cho phát triển đường sắt chuyên dùng

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Đường sắt 16/06/2022 14:18

Nhu cầu của doanh nghiệp giảm cùng với những vướng mắc trong chính sách ưu đãi khiến cho hệ thống đường sắt chuyên dùng ngày càng giảm.

Hiện nay, đường sắt chuyên dùng do các tổ chức đầu tư, quản lý, khai thác có tổng chiều dài khoảng 258 km (ảnh minh họa)

Hiện nay, đường sắt chuyên dùng do các tổ chức đầu tư, quản lý, khai thác có tổng chiều dài khoảng 258 km (ảnh minh họa)

Doanh nghiệp chưa được hưởng ưu đãi

Theo đánh giá của Cục Đường sắt Việt Nam, hệ thống đường sắt chuyên dùng trong thời gian qua có xu hướng giảm sút so với trước năm 2018. Hiện nay, đường sắt chuyên dùng do các tổ chức đầu tư, quản lý, khai thác có tổng chiều dài khoảng 258 km phục vụ nhu cầu vận tải riêng của các tổ chức, doanh nghiệp.

Trong đó, Công ty TNHH MTV Apatit Lào Cai quản lý 69,5 km; Công ty Gang thép Thái Nguyên quản lý 15,8 km; Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam quản lý 173 km. Hệ thống đường sắt này do các doanh nghiệp tự đầu tư, kinh doanh, khai thác trong nội bộ để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Các tuyến đường sắt chuyên dùng đã góp phần quan trọng trong việc vận tải hàng hóa của các doanh nghiệp, giảm áp lực lên vận tải đường bộ ở địa phương. Tuy nhiên, mạng lưới đường sắt chuyên dùng còn hạn chế, chưa phát triển thêm được các tuyến mới kết nối với đường sắt quốc gia.

Hiện mới chỉ có duy nhất tuyến đường sắt Apatit Lào Cai có kết nối hạ tầng với đường sắt quốc gia nhưng chưa thực hiện vận tải liên thông với đường sắt quốc gia do những lý do về kỹ thuật phương tiện vận tải, an toàn giao thông.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bên cạnh nhu cầu của doanh nghiệp giảm, Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng, trong thời gian qua, các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt chuyên dùng đã và đang thực hiện các quy định của Luật Đường sắt và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên một số doanh nghiệp đến nay vẫn chưa được hưởng ưu đãi, hỗ trợ về tiền thuê đất như quy định trong Luật Đường sắt.

Theo báo cáo của Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam, đến nay ưu đãi, hỗ trợ miễn tiền thuế đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, doanh nghiệp chưa được hưởng đồng bộ. Cụ thể, Công ty than Núi Hồng đã được miễn tiền thuê đất; Công ty tuyển than Cửa Ông và Công ty kho vận Đá Bạc chưa được miễn tiền thuê đất và đang làm việc với cơ quan thuế của địa phương để được hưởng chính sách này theo Luật Đường sắt… 

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, Luật Đất đai năm 2013 không quy định đồng bộ với Luật Đường sắt về giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt.

Sự không đồng bộ của hai văn bản QPPL nêu trên dẫn đến khó khăn, lúng túng đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, các chủ đầu tư dự án phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt khi triển khai thực hiện. Do đó, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn theo hướng đồng bộ với Luật Đường sắt để ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp.

Đẩy mạnh phân quyền cho địa phương

Hiện nay, các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt chuyên dùng đang sở hữu khoảng gần 80 đầu máy và hơn 1.000 toa xe. Cụ thể: Công ty TNHH MTV Apatit Lào Cai sở hữu 19 đầu máy, 146 toa xe; Công ty Gang thép Thái Nguyên sở hữu 8 đầu máy, 59 toa xe; Công ty than Núi Hồng sở hữu 4 đầu máy, 17 toa xe; Công ty kho vận Đá Bạc sở hữu 13 đầu máy, 456 toa xe; Công ty tuyển than Cửa Ông sở hữu 35 đầu máy, 390 toa xe.

Theo quy định pháp luật đường sắt hiện nay, Bộ GTVT là cơ quan quy định việc cấp, cấp lại, thu hồi, xóa giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt; tổ chức thực hiện các công tác này. Cục Đường sắt Việt Nam là cơ quan trực tiếp cấp, cấp lại, thu hồi, xóa giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt cho đường sắt quốc gia, ĐSĐT, đường sắt chuyên dùng.

Mặt khác, UBND cấp tỉnh và các cấp của chính quyền địa phương là cơ quan thực hiện quản lý nhà nước (QLNN) ở địa phương, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt chuyên dùng, chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn quản lý.

Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt hiện nay chủ yếu là rà soát, thẩm định hồ sơ phương tiện do chủ phương tiện đề nghị. Thực chất đây là việc xác định quyền của chủ sở hữu đối với phương tiện giao thông đường sắt.

Với quy định như hiện nay, phương tiện giao thông đường sắt chuyên dùng do một cơ quan cấp giấy chứng nhận, nhưng QLNN về phương tiện lại do chính quyền địa phương thực hiện là chủ yếu, dẫn đến phát sinh các thủ tục không cần thiết, khó khăn cho doanh nghiệp..

Để tạo chủ động, nâng cao vai trò trách nhiệm của địa phương QLNN đối với công tác quản lý phương tiện giao thông đường sắt chuyên dùng và thực hiện trách nhiệm của chính quyền địa phương đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, theo Cục Đường sắt Việt Nam cần thiết phải xem xét phân quyền cho UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng QLNN cấp, cấp lại, thu hồi, xóa giấy chứng nhận đối với phương tiện giao thông đối với phương tiện giao thông trên đường sắt chuyên dùng.

Công tác cấp giấy đăng ký phương tiện giao thông đường sắt và giấy phép lái tàu đường sắt chuyên dùng hằng năm là rất ít. Khi thực hiện phân quyền cho UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện các nội dung này sẽ không ảnh hưởng lớn đến bộ máy tổ chức và kinh phí hoạt động của cơ quan chuyên môn giúp việc của UBND cấp tỉnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận