Vì sao 6 tàu Việt Nam bị lưu giữ tại cảng biển nước ngoài?

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 11/07/2022 10:09

6 tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế bị lưu giữ tại cảng biển nước ngoài do vi phạm tiêu chuẩn của IMO và ILO.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, 6 tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế bị lưu giữ tại cảng biển nước ngoài - Ảnh minh họa

Trong 6 tháng đầu năm 2022, 6 tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế bị lưu giữ tại cảng biển nước ngoài - Ảnh minh họa

Phòng Tàu biển, Cục Đăng kiểm VN cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, 6 tàu biển Việt Nam hoạt động vận tải tuyến quốc tế bị chính quyền cảng biển một số nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Tokyo - Mou).

Đây các trường hợp bị chính quyền cảng nước ngoài kiểm tra nhà nước về an toàn và bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và phát hiện có nhiều khiếm khuyết nghiêm trọng nên lưu giữ và yêu cầu sửa chữa, khắc phục các khiếm khuyết kỹ thuật.

Các tàu bị lưu giữ gồm: Tân Bình 59, Tân Bình 239 (Công ty TNHH Tân Bình, lưu giữ tại Hàn Quốc và Trung Quốc), FORTUNE NAVIGATOR (Công ty CP vận tải biển Việt Nam Vosco, lưu giữ tại Trung Quốc), OPEC FORTUNE (Công ty TNHH SELLAN GAS, lưu giữ tại Ý), Minh Huy 19 (Công ty cổ phần vận tải biển KT, lưu giữ tại Ấn Độ) và TAY SON 2 (Công ty Vận tải biển VIMC, lưu giữ tại Trung Quốc).

Các trường hợp trên có 6-15 khiếm khuyết về an toàn và bảo vệ môi trường, thuyền viên không vận hành được thiết bị, xả thải thẳng ra môi trường.

Chẳng hạn, tàu Tân Bình 59 có hệ thống báo động chữa cháy bị lỗi, các cảm biến khói trong quá trình thử trên buồng điều khiển và các vùng khác không đồng thời hoạt động. Hệ thống báo động và cảnh báo mực nước trong khoang bosun không hoạt động. Bảng phân công trách nhiệm từng thuyền viên trên tàu không ghi thông tin phân công thuyền viên thay thế trong trường hợp sự cố.

Tàu FORTUNE NAVIGATOR: thuyền viên không thực hiện vận hành được kiểm tra thiết bị Radar , thiết bị MF/HF SSB; tính năng báo động mất pha của 2 máy lái số 1 và số 2 bị lỗi

Tàu Tân Bình 239 có một số thanh ngang của lan can mạn trái trên boong chính bị biến dạng và 1 thanh bị gãy; nắp đậy kín cho thiết bị thông gió ở mạn trái sau lái không kín thời tiết do nắp đậy kín nước không đóng kín được; thiết bị la bàn từ có bọt khí bên trong; bình tích áp cho xuồng cứu sinh không hoạt động khi kiểm tra.

Tàu TAY SON 2: hai bộ thiết bị thở thoát hiểm khẩn cấp trong buồng máy có áp suất thấp và bằng 0; một bậc thang cao su của thang hoa tiêu bị biến dạng; tàu không có két chứa nước thải và nước thải đã xử lý thải trực tiếp ra sông Yzangte trong thời gian tàu cập cầu cảng Thượng Hải…. Trường hợp tàu này được xác định các lỗi nghiêm trọng xuất phát từ việc bảo dưỡng và hoạt động tàu. Do đó, phải khắc phục, sửa chữa và được yêu cầu phải có cơ quan đăng kiểm chứng nhận trước khi tàu rời cảng.

Cũng theo Phòng Tàu biển, trong 6 tháng đầu năm 2022, chính quyền cảng biển nước ngoài khu vực Tokyo - Mou kiểm tra hơn 310 lượt tàu biển Việt Nam và tỷ lệ tàu bị lưu giữ ở dưới mức 2%. Năm 2021, đội tàu biển Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách trắng của Tokyo - Mou về tỷ lệ tàu biển bị lưu giữ (dựa trên số lượt kiểm tra; đứng đầu là danh sách trắng, xếp sau là xám và đen).

Ý kiến của bạn

Bình luận