Vì sao áp dụng cơ chế đặc thù cho 3 dự án cao tốc lớn?

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 25/05/2022 13:53

Chính phủ báo cáo giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 3 dự án cao tốc: Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu và Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng.


Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

3 dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã có trong quy hoạch và nằm trong danh mục đầu tư (ảnh minh họa)

3 dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã có trong quy hoạch và nằm trong danh mục đầu tư (ảnh minh họa)

3 dự án nằm trong danh mục đầu tư được bố trí vốn

Về sự phù hợp của dự án đối với quy hoạch và kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong quy hoạch mạng lưới đường bộ đã xây dựng danh mục các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư và sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư. Đồng thời, trong danh mục tưu tiên đầu tư đã có 3 dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong kế hoạch thực hiện quy hoạch đã chia thành kế hoạch thực hiện theo các kỳ 5 năm 2021 - 2025, 2026 - 2030 và Thủ tướng đã có Quyết định 586/2022 phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch. Trong kế hoạch thực hiện quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025 đã bao gồm 3 dự án này.

Đồng thời, trên cơ sở báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch của Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiến hành tổng kết đánh giá Luật Quy hoạch và đề xuất sửa đổi bổ sung về nội dung này.

Về bảo đảm tính khả thi các nguồn vốn, tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT và các bộ, ngành địa phương liên quan rà soát, hoàn thiện thủ tục để bảo đảm tính khả thi đối với các nguồn vốn dự kiến bố trí.

Cụ thể, các nguồn vốn bố trí cho dự án gồm: Nguồn vốn từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã dự kiến phân bổ cho ba dự án (khoảng 26.147 tỷ đồng) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất; Nguồn vốn từ rà soát, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT; Nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021;...

Áp dụng cơ chế chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ

Về cơ chế đặc thù, tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ giải trình, làm rõ về các cơ chế đặc thù dự kiến áp dụng cho ba dự án. Cụ thể, đối với các cơ chế chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại Nghị quyết 43/2022/QH15, ba dự án này là những dự án trọng điểm, cấp thiết, có tác dụng lan tỏa lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo,... tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long, do đó, rất cần sớm hoàn thành đưa vào khai thác.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, mặc dù tỷ trọng vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chỉ chiếm khoảng 11,3% trong tổng nguồn vốn của ba dự án nhưng nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp thứ 3, dự kiến khởi công cuối năm 2022, đầu năm 2023, thời gian giải ngân nguồn vốn này chỉ còn khoảng 1 năm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, ba dự án đều đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí quy định tại điểm 1.2 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết 43/2022/QH15 về việc lựa chọn và phân bổ vốn cho các dự án thuộc chương trình. Cụ thể, đây là các dự án quan trọng quốc gia, có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, có khả năng hoàn thành sớm nhưng chưa được bố trí vốn hoặc chưa được bố trí đủ vốn; Các dự án đã được chuẩn bị đầu tư, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư bảo đảm đầy đủ thủ tục theo quy định; Bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, hài hòa giữa các vùng, miền, địa phương. Đồng thời, ba dự án có quy mô, lĩnh vực và tính cấp thiết đều đáp ứng các quy định về trường hợp áp dụng cơ chế đặc thù của Quốc hội tại Điều 5 Nghị quyết 43/2002/QH15.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, Bộ Chính trị đã thống nhất cần thiết có một số cơ chế, chính sách đặc thù. Do đó, ba dự án được áp dụng các cơ chế chính sách đặc thù được Quốc hội chấp thuận tại Nghị quyết  43/2002/QH15, gồm: Cho phép Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc chương trình, các nhà thầu thực hiện các gói thầu quy định tại khoản này đến khi hoàn thành dự án. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Trong 2 năm 2022 và 2023, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc chương trình; việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

Trong 2 năm 2022 và 2023, cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn thuộc Chương trình (trừ dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản thống nhất quản lý) trên cơ sở đã sử dụng tối đa năng lực của Bộ GTVT. Cơ quan chủ quản quy định tại khoản này được thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc đến khi hoàn thành dự án.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu và Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng có thể cơ bản hoàn thành vào năm 2026. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu và Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng có thể cơ bản hoàn thành vào năm 2026. (Ảnh minh họa)

Đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tăng tính chủ động cho địa phương

Về cơ chế đặc thù cho phép trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần như dự án nhóm A, báo cáo của Chính phủ cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư công, đối với các dự án quan trọng quốc gia, thẩm quyền quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ. 

Từ thực tiễn triển khai đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc trong gần 20 năm qua cho thấy, công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư cho đến khi hoàn thành đầu tư thường kéo dài từ 5 - 6 năm, cá biệt có những dự án kéo dài gần 10 năm. Ngoài các nguyên nhân chủ quan, có nguyên nhân do quá trình thực hiện qua nhiều cấp, nhiều khâu với nhiều trình tự, thủ tục làm kéo dài thời gian triển khai dự án; chưa đẩy mạnh phân cấp, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa kịp thời, hiệu quả. 

Để đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm và tăng tính chủ động cho các địa phương trong quá trình đầu tư các công trình hạ tầng quốc gia, Chính phủ kiến nghị trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công, tương tự cơ chế chính sách đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 44/2022/QH15. 

Giải trình về cơ chế cho phép các địa phương bố trí ngân sách địa phương tham gia dự án, Chính phủ cho biết, với vai trò quan trọng, tính cấp thiết cần đầu tư ngay các dự án, đòi hỏi sự tập trung nguồn lực, chung sức, đồng lòng của cả trung ương và địa phương. 

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Giao thông đường bộ, dự án đường bộ cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương. Hiện nay, ngân sách trung ương đang phải cân đối cho nhiều dự án quan trọng quốc gia đặc biệt là các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng là mục tiêu được xác định trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong khi, các địa phương là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ việc đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, tăng nguồn thu từ khai thác quỹ đất, phát triển kinh tế... 

Để nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong việc thực hiện chủ trương lớn của Đảng về đầu tư phát triển các dự án kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, chia sẻ một phần áp lực đối với ngân sách trung ương, gắn lợi ích đi liền với trách nhiệm, Ban cán sự đảng Chính phủ đã họp và các địa phương đã đồng thuận cao bằng văn bản tham gia một phần vốn ngân sách địa phương; Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án bằng vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. "Vì vậy, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép các địa phương được bố trí một phần ngân sách địa phương để tham gia đầu tư dự án", báo cáo nêu rõ. 

Dự án thành phần cơ bản nằm trong địa giới hành chính một tỉnh

Lý giải về việc áp dụng cơ chế cho phép phân chia các dự án thành phần theo địa giới hành chính các tỉnh, thành, Chính phủ cho biết, theo quy định của Luật Xây dựng, việc phân chia các dự án thành phần dẫn tới đa số các dự án thành phần nằm trên địa bàn 2 tỉnh, không thuận lợi trong việc phân cấp cho từng địa phương. Bên cạnh đó, do các dự án áp dụng hình thức đầu tư công, nguồn vốn đã được cân đối, triển khai đồng thời nên việc phân chia theo địa bàn từng địa phương vẫn bảo đảm đưa toàn bộ dự án vào vận hành đồng bộ.

"Do đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép phân chia dự án thành phần theo nguyên tắc các dự án thành phần cơ bản nằm trong địa giới hành chính một tỉnh. Trường hợp địa giới hành chính các địa phương năm giữa các vị trí công trình, toàn bộ công trình này sẽ thuộc về một dự án thành phần, hai địa phương sẽ thống nhất giao cho một cơ quan làm cơ quan chủ trì thực hiện", Văn bản của Chính phủ nêu rõ.

Ngoài ra, trong báo cáo của Chính phủ cũng tiếp thu, giải trình và làm rõ đối với nhóm vấn đề về kỹ thuật liên quan đến 3 dự án trên như: Phương án thiết kế sơ bộ; đảm bảo thu hồi đất, đền bù, tái định cư; lý do chuyển sang đầu tư công đối với dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu,...

 

 

Ý kiến của bạn

Bình luận