Vô tư mua bán "xác vé" quanh trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
Bạn đọc 18/02/2022 07:28

Tại Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ, một số người "cắm chốt" thu gom rồi bán "xác vé" kiếm lời, bất chấp nguy hiểm tính mạng, cản trở giao thông.


IMG_20220216_163143

Rất nhiều lái xe làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp vận tải mua lại những vé qua trạm đã sử dụng để về thanh toán nhằm trục lợi - Ảnh: Lê Minh

Vô tư mua bán “xác vé” trên cao tốc

Chiều 16/2, trong vai một tài xế cần mua vé đã qua sử dụng để về thanh toán, PV Tạp chí GTVT trực tiếp đến khu vực trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Khi PV cho biết có nhu cầu mua “xác vé” (vé đã qua sử dụng, có ghi mức phí sử dụng đường bộ), một lái xe ôm liền chỉ dẫn nhiệt tình: “anh chạy qua trạm khoảng 50m, muốn mua bao nhiêu cũng có”.

Khi đến Km188+300, lập tức xuất hiện 3 người đàn ông trung niên che kín mặt, trên tay cầm tập vé dày cộp đon đả chào mời: "Mua vé trạm nào anh bán rẻ cho, vé ghi mệnh giá từ 191.000 - 221.000 đồng được bán 10.000 đồng; mệnh giá 336.000 đồng bán lại 15.000 đồng; mệnh giá 103.000 đồng bán lại 5.000 đồng...

Tại đây, PV chứng kiến cảnh mua bán vé diễn ra công khai ngay trên cao tốc. Một người đàn ông trung niên khoảng 50 tuổi, án ngữ ở ngay đầu trạm thu phí theo hướng từ Ninh Bình về Hà Nội liên tục vẫy tay tài xế để xin vé đã qua sử dụng.

Phóng viên ghi nhận, chỉ trong vòng 30 phút, có khoảng 10 tài xế sau khi qua trạm đã dừng xe đưa vé cho một người đàn ông hoặc quăng vé xuống đường. Ngay lập tức, người đàn ông lao ra lấy mặc cho dòng xe cộ nườm nượp qua lại. 

IMG_20220216_163142

Việc mua bán "xác vé" diễn ra công khai tại khu vực trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ gây mất ATGT. Ảnh: Lê Minh

Đến 16h chiều cùng ngày, sau khi thu được nhiều vé, người đàn ông này bất ngờ nhận được điện thoại của ai đó liền bỏ “trận địa” băng ngang đường tấp vào lề lôi ra một xấp vé rồi vội vàng vượt qua dòng xe chạy đến một bụi cây giữa dải phân cách. Ở đó có một tài xế đang đứng đợi sẵn. Cuộc giao dịch diễn ra chóng vánh chỉ trong vòng vài phút rồi đường ai nấy đi, tài xế rời hiện trường đi bộ băng qua đường giữa dòng xe đang lao vun vút hướng về Hà Nội.

Theo tìm hiểu, cánh tài xế mua lại “xác vé” để về thanh toán với cơ quan. Anh Phạm Văn Lâm, tài xế container thường xuyên chạy tuyến Sài Gòn - Hà Nội cho biết, vì có nhiều đường để ra vào Thủ đô nên nếu rành đường đi, giới tài xế có thể đi các con đường khác, tránh đi qua trạm thu phí. Sau đó, tài xế sẽ mua lại “xác vé” (vé đã sử dụng, có ghi mức phí sử dụng đường bộ) về thanh toán với công ty để có thêm "nguồn thu”.

Có thể bị xử lý hình sự

Nói về khả năng quay vòng vé, ông Vũ Ngọc Oánh - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ khẳng định, điều này là không thể thực hiện. Bởi thẻ qua trạm là thẻ điện tử, khi nhân viên thu phí quẹt thẻ, hệ thống sẽ nhận diện phương tiện vào điểm nào, ra điểm nào, số phí phải trả, sau đó ấn barie thì cần chắn mới mở và hệ thống tự động cộng tiền và xuất vé. 

Ông Vũ Ngọc Oánh cũng thông tin, trên vé chỉ ghi ngày, lộ trình, tổng số tiền phí nhưng không ghi biển số nên có thể những người xin vé để bán lại cho những phương tiện trốn phí có thể lách luật để thanh toán.

“Chúng tôi rất mong lực lượng chức năng có những giải pháp để chấm dứt việc này vì nó vừa gây cản trở giao thông, vừa nguy hiểm đến cả tính mạng của những người nhặt vé”, ông Oánh kiến nghị.

20220119_152301

Một nhóm người đi bộ dọc cao tốc, thậm chí chặn xe tại trạm soát vé thu gom "xác vé" bất chấp dòng xe cộ đông đúc - Ảnh: Lê Minh

Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, đại diện Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ Cao tốc số 3, Cục Cảnh sát giao thông xác nhận tình trạng một số người gom bán vé qua sử dụng tại khu vực trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. "Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, đơn vị đã nhiều lần xử lý nhưng cứ được vài hôm là các đối tượng lại quay lại hoạt động. Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị đầu tư tuyến cao tốc, Chi cục Quản lý đường bộ I.6 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) tăng cường công tác tuần tra, dẹp bỏ tình trạng này”, đại diện Đội TTKS số 3 khẳng định.

Theo luật sư Quách Thành Lực, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, trên vé, cước phí sử dụng đường bộ có ghi rõ là đã bao gồm thuế GTGT. Đây là hóa đơn đặc thù, chứng từ để kê khai, khấu trừ thuế GTGT và tính vào chi phí nếu đảm bảo các điều kiện theo quy định. Vì vậy, việc mua bán trái phép vé, cước phí đường bộ được coi là hành vi mua bán hóa đơn trái phép.

“Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 109/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép hóa đơn”, luật sư Lực khuyến cáo.

Luật GTĐB quy định, đường cao tốc là tuyến đường dành riêng cho xe cơ giới, nghiêm cấm người đi bộ đi vào đường cao tốc. 

Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 100/2019, người đi bộ có thể bị phạt tiền từ 60.000 đồng - 100.000 đồng nếu không đi đúng phần đường quy định.

Ngoài ra, trường hợp người đi bộ đi vào đường cao tốc (trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc) sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.

Ý kiến của bạn

Bình luận