Vụ tấn công Saudi Arabia xóa sạch lượng dầu dự phòng quốc tế?

Tác giả: zing

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 18/09/2019 14:54

Theo các chuyên gia S&P Global Platts, vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào các nhà máy ở Saudi Arabia có thể đã xóa sạch lượng dầu dự phòng trên thị trường thế giới.

1061308801568603956259gettyimages1168032876
Đám cháy tại cơ sở sản xuất dầu Abqaiq ở Saudi Arabia. Ảnh: Getty Images.

Theo CNBC, vụ không kích bằng máy bay không người lái vào cơ sở chế biến dầu tại Abqaiq và giếng dầu Khurais gần đó hôm 14/9 khiến 5,7 triệu thùng dầu/ngày "bốc hơi", tương đương 50% sản lượng dầu của Saudi Arabia và 5% sản lượng toàn cầu.

Công ty dầu khí quốc gia Saudi Aramco cho biết vẫn còn đủ dự trữ trong 35-40 ngày để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hãng cho biết sẽ khôi phục khoảng 1/3 sản lượng dầu thô bị ảnh hưởng, tương đương 2 triệu thùng.

"Vụ tấn công gây áp lực rất lớn lên nguồn cung", CNBC dẫn lời chuyên gia Sarah Cottle thuộc S&P Global Platts. "Sự cố này có thể đã xóa sạch sản lượng dự phòng dầu thô của thế giới", bà Cottle nhấn mạnh.

Giá dầu Brent (Anh) tăng vọt 19% lên 71,95 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 16/9, trong khi giá dầu West Texas Intermediate (Mỹ) tăng 15% lên 63,34 USD/thùng.

"Cuộc tấn công tác động mạnh lên thị trường dầu mỏ, 5 triệu thùng dầu/ngày mất đi, nguồn cung dự phòng không thể bù đắp được. Sản lượng dự phòng của các nước thành viên nhóm OPEC+ cũng hạn chế", CNBC dẫn lời ông Alan Gelder, Phó chủ tịch Wood Mackenzie, cho biết.

Nhà phân tích Leon Goldfeld thuộc JP Morgan Asset Management cho rằng từ nay đến giữa năm 2020, có khả năng giá dầu sẽ tiếp tục tăng cao. Trước vụ tấn công, giá dầu quốc tế duy trì ở mức thấp do nguồn cung thừa mứa và thị trường lo ngại nguy cơ tăng trưởng toàn cầu suy giảm vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Tuần trước, OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết nguồn cung trên thị trường dầu mỏ sẽ dư thừa trong năm 2020 dù OPEC và các đồng minh đạt thỏa thuận hạn chế nguồn cung.

Tuy nhiên, nếu khủng hoảng ở Saudi Arabia kéo dài, giá dầu có thể tăng lên hơn 80 USD/thùng. Abquaiq là cơ sở chế biến dầu lớn nhất thế giới, đạt công suất chế biến hơn 7 triệu thùng/ngày.

Ý kiến của bạn

Bình luận